Tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công
Chính trị - Ngày đăng : 16:32, 12/03/2014
Thương binh giả
Ngày 6/3 Tòa án tỉnh Bắc Ninh kết thúc phiên tòa hình sự, xét xử vụ án 40 bị cáo là thương binh giả. Các đối tượng này thông qua một đối tượng trung gian là Lê Tuấn Nghênh (sinh năm 1952 ở xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) để hợp thức hóa hồ sơ bao gồm bệnh án, giấy giám định thương tật giả nhằm trục lợi tiền chế độ của Nhà nước. Trong số này có cả những thương binh thật làm giả hồ sơ thương tật nặng hơn để hưởng trợ cấp cao hơn.
Từ tháng 9/2006 đến tháng 8/2012, tổng số tiền mà 40 đối tượng này chiếm đoạt của Nhà nước lên đến gần 2,2 tỷ đồng. Theo cáo trạng, cùng đường dây với ông Nghênh là ông Lê Đình Thảo (SN 1953 ở Đồng Hỉ, Thái Nguyên) làm bác sỹ ở Phòng Quân y, Quân khu I, được phân công về Viện Quân y 110 (Bắc Ninh) để kiểm tra hồ sơ thực thể và giám định thương tật cho những người có công với cách mạng theo Thông tư số 16 của Bộ LĐTBXH. Liên quan đến vụ án này ngoài ông Thảo (đã chết vì bệnh) còn có 3 đối tượng nguyên cán bộ, bác sỹ Viện Quân y 110, trong đó 1 người cũng đã chết. Hiện 2 người còn lại được giao cho Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 1 xem xét giải quyết.
Vụ án nóng hổi trên đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ làm giả hồ sơ để trục lợi. Theo thống kê của Thanh tra Bộ LĐTBXH, từ năm 2008 đến 2013, tổng số đối tượng bị đình chỉ trợ cấp tại 63 tỉnh thành là gần 7.100 người. Trong đó, có 1.560 người giả mạo hồ sơ, gần 2.700 người man khai hồ sơ và 2.800 người vì những lý do khác. Tổng số tiền chi chế độ với những trường hợp “giả” người có công đã thu hồi nộp ngân sách là trên 75,5 tỷ đồng của 3.378/7.100 đối tượng bị đình chỉ trợ cấp. 1.762 người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra).
Gần đây là Thái Nguyên với 207 trường hợp đã đề nghị xét hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam của 6 xã gồm: Cổ Lũng, Sơn Cẩm (huyện Phú Lương); Phục Linh, Tân Thái (huyện Đại Từ) và Quyết Thắng, Thịnh Đức (TP Thái Nguyên). Trong số này có 101 trường hợp (chiếm 40%) “chạy” giấy ra viện, bản sao bệnh án, giấy chứng nhận bệnh tật... do Bệnh viện Tâm thần tỉnh cấp. Cũng theo cơ quan điều tra, những trường hợp nói trên đã thừa nhận giấy tờ đó là do trực tiếp hoặc thông qua “cò” để mua và “xin”(?) với giá từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
40 thương binh giả vừa được TAND tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử
Vụ hồ sơ thương binh giả tại 6 tỉnh thuộc Quân khu I với số lượng lên tới hàng nghìn hồ sơ. Đây là số hồ sơ do các cơ quan chính sách của Quân khu I - Bộ Quốc phòng xác lập và ra quyết định hưởng trợ cấp ưu đãi từ ngày 30/9/2006 trở về trước nhưng thực chất được làm từ năm 2007-2009, trong đó có một số lượng lớn đối tượng giả mạo hồ sơ, không qua giám định thương tật nhưng vẫn được công nhận là thương binh.
Cơ quan điều tra hình sự Quân khu I đã có Văn bản số 02/ĐTHS ngày 29/12/2011 đề nghị các Sở LĐTBXH trên địa bàn Quân khu dừng chi trả trợ cấp với số hồ sơ này và đang tiếp tục rà soát xác minh vụ việc. Bộ LĐTBXH cũng đã có cuộc họp với Sở LĐTBXH các tỉnh thuộc Quân khu I ngày 5/3/2012 và đã có Thông báo số 218/TB-NCC yêu cầu các Sở thực hiện ngay việc dừng chế độ ưu đãi với số đối tượng mà Cơ quan điều tra hình sự Quân khu I đã thông báo, đồng thời chủ động rà soát những trường hợp thương binh do quân đội xác lập hồ sơ, ký quyết định trợ cấp và di chuyển về Sở từ năm 2006 tới nay.
Vụ hồ sơ thương binh giả tại tỉnh Yên Bái với số lượng lên tới hàng trăm hồ sơ. Đây cũng là số hồ sơ do các cơ quan chính sách của Quân khu II-Bộ Quốc phòng xác lập và ra quyết định hưởng trợ cấp ưu đãi.
Có thể nói, trong những năm gần đây, việc làm giả hồ sơ thương binh, bệnh binh để trục lợi chính sách diễn ra ngày càng phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước.
Tập trung rà soát 7 đối tượng
Trước thực trạng này, mới đây, chủ trì hội nghị về thực hiện chương trình tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công với cách mạng giai đoạn 2014-2015, ông Nguyễn Thiện Nhân Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã yêu cầu sau khi tiến hành tập huấn toàn quốc, trong tháng 4/2014, mỗi tỉnh, thành phố chọn một xã, một huyện để triển khai thí điểm và thực hiện tổng rà soát các xã, phường, thị trấn còn lại trong tỉnh để đến trước ngày 27/7 công bố kết quả về hiện trạng thực hiện chế độ chính sách người có công.
Từ tháng 5 đến tháng 7/2015 tổng rà soát các xã, phường, thị trấn còn lại trong tỉnh. Từ tháng 8/2014 đến tháng 4/2015 trên cơ sở báo cáo của Sở LĐTBXH, Bộ LĐTBXH triển khai thực hiện đối với người cần áp dụng. Đến tháng 10/2015 Bộ LĐTBXH và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo Chính phủ và Quốc hội kết quả việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi với người có công trong cả nước, cùng với đó tổng kết, biểu dương, khen thưởng.
Theo hướng dẫn thực hiện chương trình tổng rà soát, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015, sẽ có 7 đối tượng gồm: Liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng; cựu thanh niên xung phong.
Các đối tượng phải có tên trong danh sách người có công với cách mạng do Phòng LĐTBXH huyện, tỉnh, thành phố thuộc tỉnh, quản lý tại thời điểm trước ngày 1/3/2014. Trường hợp người có công đã chết nhưng thân nhân đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng vẫn thuộc diện lập danh sách rà soát.
Trường hợp một liệt sĩ có nhiều thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi thì lập danh sách tất cả các thân nhân của liệt sĩ. Thân nhân người có công là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con nuôi. Riêng thân nhân liệt sĩ, còn người có công nuôi dưỡng liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Trường hợp thân nhân của người có công đang hưởng từ 2 chế độ trợ cấp ưu đãi trở lên thì lập 1 phiếu rà soát. Trường hợp người có công đang hưởng 2 chế độ trợ cấp ưu đãi người có công thì lập 2 phiếu thống kê rà soát. Trường hợp người có công có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng đi làm ăn xa ủy quyền cho thân nhân hưởng trợ cấp ữu đãi vẫn thuộc diện kê khai rà soát. Phạm vi rà soát được tiến hành trên phạm vi toàn quốc, các thôn, bản, làng, ấp, khu phố, tổ dân phố.