Hối hận muộn màng của tù nhân phạm tội “cướp của, giết người”
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 10:58, 08/08/2016
Người mẹ bị liệt hai chân phải ngồi xe lăn nhiều năm qua. Mỗi lần cha mẹ vào thăm, Minh chỉ biết ôm chầm lấy họ khóc hối hận. Minh hứa sẽ cố gắng cải tạo thật tốt, mong chờ sự khoan hồng của pháp luật.
Phút giây lầm lỡ
Chúng tôi gặp Dương Công Minh (SN 1970, ngụ tỉnh Vĩnh Long), phạm nhân đang thụ án chung thân vì tội danh giết người và cướp tài sản vào một ngày mưa. Lúc này, cha mẹ Minh cũng đang đi thăm Minh. Nhìn hai cụ già nua, khuôn mặt buồn bã, ôm chầm lấy cậu con trai tù tội không muốn rời ra, khiến chúng tôi vô cùng xúc động.
Bà Nguyễn Thị Se, mẹ Minh năm nay 70 tuổi, hai chân bị liệt vì gặp phải tai nạn lao động nhiều năm trước. Bà không thể tự đi lại, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người chồng là ông Dương Văn Tư, 71 tuổi giúp đỡ. Dù việc đi lại gặp khó khăn, kinh tế eo hẹp, nhưng đều đặn mỗi tháng ông bà đều lên thăm con theo định kỳ.
Dương Công Minh tại trại giam.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Se nghẹn ngào: “Thằng Minh phạm tội vì nghe lời bạn bè xấu xui khiến. Nó từng là đứa hiền lành, chăm chỉ. Con trai tôi lên thành phố làm ăn, vì muốn có tiền gửi về cho cha mẹ an dưỡng tuổi già. Tuổi trẻ bồng bột nó đã không thể vượt qua sự cám dỗ. Vợ chồng tôi hiểu tính con trai, chẳng ai trách cứ nó nhiều. Chỉ mong Minh cố gắng cải tạo thật tốt, chờ sự khoan hồng từ pháp luật”.
Theo tâm sự, gia đình bà Sen quê ở Vĩnh Long. Từ ngày con trai phạm tội, bị kết án chung thân, hai ông bà quyết định bán tháo ngôi nhà nhỏ, lên TP. HCM ở trọ để tiện bề thăm nuôi. Hiện tại, ông bà đi lượm ve chai, buôn bán lặt vặt kiếm sống qua ngày. Vào thăm con, trong hành lý của vợ chồng bà Se chẳng có gì ngoài mấy gói bánh quy rẻ tiền, trái cây và mấy trăm ngàn. Minh hiểu hoàn cảnh của cha mẹ nên chẳng đòi hỏi gì.
Minh cho biết: “Tôi nhiều lần bảo cha mẹ không cần vào thăm con, hãy quên đi đứa con bất hiếu này. Nhưng ông, bà gạt đi bảo “con có làm gì đi nữa vẫn là con của cha mẹ, cha mẹ không thể bỏ rơi con”. Tôi giờ đây thân mang tù tội, chẳng dám mơ đến ngày trở về, chỉ biết khẩn xin ông trời cho cha mẹ tôi sức khỏe mãi dồi dào”.
Minh là con trai thứ 3 trong gia đình có 4 anh em. Thuở bé, phạm nhân vì gia cảnh nghèo khó không được học hành đầy đủ như bạn bè đồng trang lứa. Đến tuổi trưởng thành, Minh luôn cố gắng làm việc những mong kiếm tiền phụ giúp cha mẹ.
Năm 2000, Minh theo bạn bè lưu lạc lên TP. HCM. Vì không có bằng cấp, mối quan hệ, Minh phải lang “đầu đường xó chợ”. Trong hành trình tìm việc, Minh vô tình kết giao với nhóm bạn lêu lổng. Đầu năm 2001, trong một lần nhậu say lại hết tiền, Minh nên tự vạch ra kế hoạch giết người, cướp tài sản.
Minh nhớ lại: “Hôm đó, tôi trong người không một đồng dính túi, bụng đói cồn cào, thêm chuyện bà chủ đòi tiền phòng khiến tôi vô cùng căm phẫn. Tôi nghĩ chỉ cần có thật nhiều tiền người ta sẽ chẳng ai dám coi thường. Tôi nảy ra ý định cướp tài sản. Đúng lúc này, tôi nhận ra có “con mồi” tiến đến. Tôi lao vào cầm dao tấn công cảnh cáo anh ta. Nạn nhân chống cự quyết liệt khiến tôi chỉ còn cách cố sát anh ta để bỏ trốn. Gây án xong tôi cầm tiền bỏ đi. Người bị hại được bà con phát hiện chở đi cấp cứu. Anh ta may mắn giữ lại được tính mạng, nhưng chịu thương tật suốt đời. Tôi bị bắt và sau đó nhận án chung thân. Hơn 10 năm ăn cơm trại, tôi đã phải chịu sự dày vò của lương tâm. Tôi thực sự hối hận chỉ mong có cơ hội chuộc lại lỗi lầm”.
Hối hận muộn màng
Sau ngày Minh bị bắt, điều kiện kinh tế gia đình vốn khó khăn càng sa sút nghiệm trọng. Vợ chồng bà Se đau buồn chuyện con trai thay nhau đổ bệnh. Cùng thời gian đó, bà Se gặp tai nạn lao động, không có tiền thuốc thang chữa trị dẫn đến bị liệt hai chân. Thế nhưng, người mẹ tội nghiệp chưa một ngày bỏ ý định lên thăm con trai theo định kỳ.
Bà tâm sự: “Ngay từ bé Minh chịu thiệt thòi hơn so với những anh, chị em khác. Nó chưa kịp trưởng thành đã gặp tai ương chịu cảnh tù tội đến hết đời. Lòng người mẹ như tôi tan nát. Tôi chỉ biết trong chờ ngày trại giam cho vào thăm nuôi. Ngày trước, mỗi tháng hai vợ chồng tôi phải bắt xe tận Vĩnh Long lên vừa mệt mỏi, vừa tốn kém. Bây giờ, việc thăm con thuận lợi hơn nhiều”.
Được biết, bốn năm trước vợ chồng bà Se quyết định bán ngồi nhà tổ tiên để lại lên TP. HCM thuê trọ. Họ đem chia số tiền cho 2 người con khác, và trích ra số vốn nhỏ đi buôn bán lặt vặt. Theo thời gian, việc buôn bán thua lỗ, hai ông bà lại lâm vào cảnh nghèo đói, triền miên. Hai ông bà thời gian sau này phải đi nhặt ve chai mưu sinh. Bà Se ngậm ngùi: “Có lúc phát bệnh tôi chỉ biết cắn răng chịu đựng không dám nói với ông nhà, sợ ông ấy lo lắng thêm. Tôi vì thương con nên bảo ông Tư bán nhà lên đây. Giờ phải cố gắng vượt qua tất cả. Vợ chồng tôi chưa bao giờ hối hận vì quyết định của mình”.
Tâm sự của bà Se càng khiến Minh nung nấp quyết tâm cải tạo. Minh luôn tin nỗ lực của bản thân sẽ được Ban giám thị trại giam ghi nhận. Minh cho biết: “Tôi hiểu sai lầm gây ra không chỉ khiến bản thân mất hết tương lai, còn làm cho cha, mẹ, anh, chị em chịu điều tiếng. Tôi hối hận lắm nhưng giờ mọi sự đã xảy ra biết làm sao được. Nếu được giảm án tôi sẽ nỗ lực hết sức để làm việc trả nợ đời”.
Minh kể, thời gian đầu vào trại người tù dường như suy sụp hoàn toàn. Phạm nhân từng có ý định tự tử để quên đi quá khứ đau buồn. Sau này, Minh được cán bộ trại giam, anh, em bạn tù động viên giúp đỡ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo đánh giá của ban quản lý trại giam, Minh nằm trong số những phạm nhân có ý thức cải tạo tốt nhất. Người tù hăng hái tham gia sản xuất, hoạt động văn nghệ, hướng dẫn những tù nhân mới vào. Minh tìm thấy niềm vui sống trong những công việc thật sự ý nghĩa. Minh thổ lộ: “Nhờ sống có mục đích, thể trạng, tinh thần tôi rất tốt. Mỗi lần vào thăm, mẹ tôi đều khen con trai mập mạp hơn. Tôi vui lắm, có lẽ đó cùng là điều duy nhất tôi có thể làm cha mẹ yên tâm trong lúc này”.
Suốt buổi nói chuyện giữa chúng tôi và các thành viên trong gia đình Minh, luôn bị gián đoạn bởi những tiếng nấc nghẹn ngào. Minh cặp mắt đỏ hoe, thẫn thờ nhìn vào khoảng không vô định. Trong sâu thẳm, phạm nhân mãi ám ảnh bởi quá khứ lỗi lầm, không dám nhìn thẳng vào mắt người đối diện.
Trước lúc chào từ biệt, bà Se nắm chặt tay chúng tôi nhắn nhủ: “Minh phạm tội lần đầu, còn chúng tôi đều đã già cả chẳng biết sống được bao lâu. Tôi cũng chỉ mong Minh luôn vui vẻ, cải tạo tốt và sống nghĩ về gia đình. Dù án chung thân, nhưng chế độ đất nước của ta có sự khoan hồng, nên mong con trai cải tạo cố gắng, về với hai thân già này”.
Là phạm nhân cải tạo khá Đại tá Lê Văn Tuất, Phó giám thị trại giam Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), nơi Minh thụ án cho biết: “Đa số những phạm nhân án cao chung thân vào đây đều rất tiêu cực. Minh cũng là một trong những số phạm nhân án cao, chúng tôi tìm hiểu hoàn cảnh và luôn động viên giáo dục để Minh yên tâm cải tạo. Hiện tại, Minh là một trong những phạm nhân cải tạo khá”. |