Người mẹ cuồng dại vì "mê tín dị đoan"
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 06:09, 13/05/2016
Trước vành móng ngựa TAND TP. Hồ Chí Minh, các bị cáo Huỳnh Lan Thảo (SN 1974, ngụ Bình Thạnh), Nguyễn Hoàng Anh (SN 1973), Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1984), Nguyễn Thị Ri (SN 1974) và Lê Hồng Sơn (SN 1964) đã khai nhận hành vi “Hành nghề mê tín dị đoan” trong sự ngỡ ngàng của những người dự khán.
Bị cáo Huỳnh Lan Thảo là mẹ ruột của cháu Huỳnh Sơn Vỹ (SN 2000). Theo lời khai của Thảo, hai mẹ con sống chung nhà với mẹ ruột Thảo là bà Ngô Thị Cang tại Cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh. Đến năm 2012, cháu Vỹ đang học lớp 7 bỗng nhiên mắc bệnh trầm cảm, thường xuyên la hét, cáu gắt nên gia đình phải cho cháu nghỉ học để điều trị.
Tháng 9/2012, Thảo đưa cháu Vỹ đến phòng khám bác sỹ Phạm Huỳnh Điệp (ở 125 Lê Quang Định, Bình Thạnh) để chữa bệnh. Bác sỹ chẩn đoán cháu Vỹ bị rối loạn cảm xúc, kèm chứng loạn thần có nguy cơ khởi phát thành chứng tâm thần phân liệt. Sau đó, cháu Vỹ được điều trị và uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ.
Thảo khai, do tâm lý “có bệnh vái tứ phương” nên có đưa cháu Vỹ đi cúng bái, lễ lạc ở nhiều chùa chiền ở các tỉnh Tây Ninh, An Giang với hy vọng “xin” cho Vỹ khỏi bệnh. Tâm lý trẻ nhỏ thích đi chơi nên Vỹ thể hiện sự vui vẻ, do đó, Thảo không cho con uống thuốc từ tháng 2/2013, chuyển sang đưa Vỹ đi cúng bái. Ngoài ra, Thảo còn mua nhiều tượng Phật, tượng Thánh về thờ tại nhà.
Bên cạnh việc thờ cúng, Thảo và Vỹ chuyển về căn hộ cạnh một ngôi chùa trên đường Sư Vạn Hạnh để tốt cho việc “tu” của Vỹ. Thảo cho con xem các video về các nghi lễ cúng bái trên internet, Vỹ đã yêu cầu mẹ mua các vật dụng để thực hiện nghi lễ như quần áo, dây vải, dao, kiếm, chuông, mõ. Thảo nói cho những người quen, bạn bè đến xem Vỹ làm các lễ cúng bái.
Thảo khai tại phiên tòa: Thảo nhiều lần tổ chức cho Vỹ làm lễ “thánh hồi sinh”. Vỹ được tắm để “tẩy trần”, sau đó được mặc “áo thánh”. Vỹ dùng một sợi dây vải kích thước 0,3x3m quấn quanh cổ, thít chặt rồi đưa hai đầu dây cho hai người. Sau đó, Vỹ ra hiệu kéo hai đầu sợi dây vải cho đến khi Vỹ ngất xỉu. Những người kéo dây sẽ tụng kinh đến khi Vỹ hồi tỉnh. Mỗi lần tỉnh lại, Vỹ đứng dậy múa may quay cuồng, có cử chỉ, điệu bộ như ban phước, ban lộc cho những người làm lễ.
Bị cáo Thảo tại phiên tòa
Tất cả những hành vi mê tín dị đoan đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vào đêm Giao thừa Tết Ất Mùi, ngày 18/2/2015. Thảo rủ những người mình quen biết gồm Loan, Ri, Anh và Sơn đến nhà đọc kinh Giao thừa. Thảo cho biết, Vỹ sẽ làm lễ “Thánh hồi sinh”, mời mọi người tham dự. Thảo phán: “Những người được thực hiện nghi lễ là do “Thánh” chỉ định, chứ không phải ai muốn làm là làm”.
Trong số những người trên, Hoàng Anh và Sơn từng chứng kiến Vỹ ngất xỉu rồi tỉnh lại. Riêng Ri và Loan chưa thấy lần nào. Vỹ được đưa đi tắm, mặc áo “Thánh” và choàng sợi dây vào cổ thắt nút.
Theo lời khai của các bị cáo, Vỹ chỉ tay vào bốn người Loan, Ri, Hoàng Anh và Sơn ra hiệu bốn người này cầm lấy hai đầu dây. Tiếng chuông, mõ cất lên, cả bốn người dùng sức mạnh siết chặt sợi dây quấn quanh cổ Vỹ. Vỹ ngạt thở gục xuống. Ri và Loan nhìn thấy quá sợ hãi nên dừng lại nhưng Thảo yêu cầu cả bốn người kéo dây.
Thảo nói: “Mấy người không thít chặt để Vỹ ngất xỉu, nếu Vỹ không được nhập thánh, không tỉnh lại, mấy người phải chịu trách nhiệm”. Nghe lời Thảo, bốn người liền kéo sợi dây, đến khi Vỹ bất động mới dừng tay.
Phát hiện Vỹ đã hôn mê, bốn người liền yêu cầu Thảo tháo sợi dây để đưa Vỹ đi bệnh viện nhưng Thảo bác bỏ với lý do “Thánh đang nhập”. Thảo yêu cầu mọi người ngồi tụng kinh cho Vỹ tỉnh lại. Đến sáng hôm sau, Vỹ tử vong. Thấy con chết, Thảo sợ hãi tìm đến cơ sở mai táng yêu cầu khâm liệm, chôn cất nhưng chủ cơ sở đề nghị phải có giấy báo tử mới làm dịch vụ.
Thảo đến UBND phường 9, quận 5 trình báo Vỹ bị trượt chân trong nhà tắm, bất tỉnh rồi tử vong. Thấy Thảo có biểu hiện bất thường, khi cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, sự thật mới phơi bày.
Trong phần xét hỏi, vị Thẩm phán chủ tọa thẩm vấn Thảo: “Bị cáo là người mẹ, sao có thể để cho 4 người khỏe mạnh dùng sức kéo sợi dây siết cổ con mình đến chết?”. Thảo vẫn u mê: “Việc làm lễ tế là nhằm giúp Vỹ khỏi bệnh chứ không phải để cho Vỹ chết. Về câu hỏi tại sao khi Vỹ ngất xỉu, bị cáo không đưa đi cấp cứu? Thảo đáp: “Thánh dặn không được đụng chạm vào thân xác con, nên bị cáo chỉ biết gõ chuông và tụng kinh chứ đem đi cấp cứu sao được”(?).
Bốn bị cáo Anh, Sơn, Loan, Ri khai dù biết việc dùng dây quấn quanh cổ Vỹ là nguy hiểm đến tính mạng nhưng thấy nhang đèn mờ ảo nên sợ dừng tay sẽ bị “Thánh” phạt nên đã làm theo yêu cầu của Thảo. Vị Thẩm phán lắc đầu: “Các bị cáo quá mông muội, mù quáng gây nên hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục được”.
Ngày 9/5, HĐXX đã tuyên phạt Huỳnh Lan Thảo 3 năm tù về tội “Hành nghề mê tín dị đoan”, Nguyễn Hoàng Anh, Lê Hồng Sơn 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo, Nguyễn Thị Kim Loan và Nguyễn Thị Ri 2 năm tù cho hưởng án treo.
Theo nhận định của HĐXX, đây là vụ án không thể tin là có thật ở giữa thành phố hiện đại, văn minh. Đây là bài học đắt giá không chỉ dành riêng cho các bị cáo, đừng để sự “mê tín” dẫn dắt để rồi tự gây ra những bi kịch đau lòng.