Tấc đất, tấc…lòng
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 14:09, 26/04/2016
1. Quê tôi thuộc một huyện của Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Hà Nội có cây rơm to, người ta tếu táo với nhau ý nói rằng, tiếng là người Thủ đô nhưng còn nghèo lắm, khắp vùng thuần nông nghiệp, nhà giàu tài sản chỉ quy ra lúa với ngô.
Tôi còn nhớ, thời điểm trước năm 2008 khi Hà Tây chuẩn bị sáp nhập về Hà Nội, đường làng tôi toàn đất sỏi, hai bên là những rặng tre ngà óng ánh, những ngôi nhà mái ngói, tường đá ong, yên ả vô cùng.
Cái áo đô thị hóa “nửa mùa” khiến quê tôi làng không ra làng, phố không ra phố. Nhấp nhô nhà hai, ba tầng bên cái nhà mái ngói thấp tịt. Nhà sơn xanh ngắt, cổng ve vàng, hoa hoè hoa sói chẳng phân biệt được thể loại kiến trúc nào. Thay bằng tường rào râm bụt, nhà ai cũng tường bao kín mít. Đi liền với những thay đổi bộ mặt bên ngoài thì những giá trị bên trong cũng hao hụt, biến dạng theo. Đặc biệt là tình làng nghĩa xóm, ngay cả anh em ruột thịt cũng trở mặt huyết hận thâm thù.
Nhà ông Kiệm ở làng tôi có hai anh em trai. Người anh xa quê từ sớm lập nghiệp ở Đồng Nai. Ngày bố mất, ông anh về chịu tang có nói với ông Kiệm, tất cả tài sản, đất đai bố để lại ông không lấy gì cả, nhường cho ông Kiệm hết.
Hà Tây sáp nhập, giá đất tăng chóng mặt. Người người bán đất, nhà nhà bán đất, ôm tiền tỷ gửi ngân hàng rồi nằm vắt chân chữ ngũ, bỏ ruộng nương quay ra mở nhà hàng, quán nhậu.
Đúng lúc ấy thì anh ông Kiệm cũng nghỉ hưu. Hai vợ chồng đưa nhau hồi hương muốn dựng gian nhà nhỏ tiện hương khói tổ tiên, an hưởng tuổi già. Do đó muốn ông Kiệm cắt một phần đất ông cha để lại cho người anh.
Lời đề nghị trên bị ông Kiệm phản đối. Hai bên cãi nhau, đánh nhau sứt đầu mẻ trán nhiều ngày trời, cuối cùng ông Kiệm chịu nhún cắt cho ông anh một khoảnh đất và tuyên bố từ giờ trở đi chẳng anh em gì sất.
Người anh xây cái nhà ống nhỏ nhỏ, mấy dạo về quê tôi thấy ngôi nhà vẫn rào kín, để hoang. Giỗ bố, anh cúng đằng anh, em cúng nhà em. Tuyệt nhiên, tình cảm anh em tựa như nước lã.
Minh họa (Tuổi trẻ)
2. Tôi lan man quá nhiều, mong độc giả lượng thứ cho. Xin trở lại câu chuyện chốn pháp đình mà tôi muốn kể. Chuyện cũng xoay quanh mảnh đất tổ tiên, cha ông để lại.
Họ gồm 6 anh chị em tên lần lượt là Đoàn, Kết, Minh, Khôi, Hạnh, Phúc (4 trai, 2 gái). Xưa các cụ bảo con cái là lộc trời cho, còn sức thì còn đẻ nên ở quê người phụ nữ sòn sòn sinh 10 người con cũng là chuyện bình thường.
Cuộc sống khó khăn 6 anh em họ lớn lên như cây cỏ, đứa lớn ẵm bồng đứa bé mà trưởng thành. Xây dựng gia đình, mỗi người một chốn nhưng đều trong cái làng cũ ấy. Khi còn khó khăn 6 anh em cùng chia ngọt sẻ bùi thế nhưng khi lên chức ông bà, mọi chuyện bỗng dưng đổi khác.
Mảnh đất nông nghiệp bố mẹ để lại có diện tích hơn 500 mét vuông. Năm hai vụ cấy, không mất mùa, chuột phá thì được vài tạ thóc. Mấy anh em chẳng ai mặn mà nên giao hết cho người anh cả cày cuốc. Bao nhiêu năm trời, người anh cả lần lượt cấy lúa, gieo ngô trên mảnh đất ấy. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như một doanh nghiệp không về để xây dựng công ty.
Đúng thời điểm đó, anh em bất hòa quay ra trở mặt với nhau. Cãi nhau đòi chia đất mãi không thành, đến khi doanh nghiệp đền bù thì người anh cả cầm hết. Hơn 500 mét vuông đất được đền bù 108 triệu đồng. Mấy người em yêu cầu chia tiền nhưng ông anh cả một điều không chịu. Ông viện lý do rằng, bố mẹ ốm đau một tay ông săn sóc, phụng dưỡng, trong khi đó các em đồng quà tấm bánh cũng không có. Đến khi bố mẹ qua đời lại đến đòi chia tài sản là chuyện không thể chấp nhận.
Đứng trước Tòa, trông họ thật tội nghiệp. Họ thi nhau người thì kể công, kẻ thì đếm tội. Nào tiền đi viện khi cha ốm rồi tiền mua quan tài cho đến tiền xây mộ. Xót xa quá.
Chẳng phải riêng 6 anh em đầu bạc, mà đám con cháu lít nhít cũng cũng quẳng về phía nhau những câu nói, những ánh nhìn thù hận. Vị chủ tọa nói như dốc gan ruột: "Tiền tất nhiên rất quý nhưng bao nhiêu tiền để mua được tình cảm của 6 anh chị em? Chúng tôi đã để cho mọi người cơ hội để anh em hàn gắn. Nhưng chúng tôi cũng rất tiếc, các vị đã bỏ qua thiện chí đó".
Kết thúc phiên tòa, 6 anh em kéo theo đàn con cháu ra về, mỗi người một hướng. Lặng lẽ. Buồn thảm.
3. Cuộc đời nhanh như cái chớp mắt, gió bay ngang đầu tóc đã bạc vì sao anh em ruột thịt lại tự tạo biến cố sinh hận thù? Hỏi thì hỏi vậy thôi chứ tôi chẳng mong có câu trả lời. Ai mà không vì chữ tham, ai mà không vì chữ lợi. Nhưng có đáng để đánh đổi nghĩa tình, cắt đôi khúc ruột hay không?
Không phải ngẫu nhiên chữ tiền lại đi đôi với chữ tệ, chữ bạc. Vì tiền mà anh em tương tàn, tệ bạc với nhau. Buồn chẳng biết đến bao giờ?
Phiên tòa tôi vừa kể xảy ra tại tỉnh Bắc Ninh.