Biến cố chớp mắt
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 10:23, 28/03/2016
Chỉ là ở những run rủi nghiệt oan kia, người ta có đủ may mắn để vượt qua một cách an lành hay không.
1. Cậu nhóc vừa ba tuổi ấy chưa cảm nhận được bi kịch của mình rồi, chỉ là cơn nhớ mùi mẹ chắc là đang khiến cậu nhóc quay quắt, nỗi nhớ cái ôm của bố đang khiến cậu nhóc mếu máo.
Mới vừa ba tuổi, cậu nhóc đã không còn được quay bên này đòi bố, quay bên kia đòi mẹ nữa rồi. Mọi thứ tan biến như bong bóng hôm mưa, bóng mây râm hôm nắng. Tan biến như chưa từng hiện hữu.
Một năm rưỡi nữa, tức là 18 tháng nữa cậu nhóc sẽ được thấy lại mẹ mình (Tính từ ngày tạm giam thì còn gần một năm nữa - K.H). Mà cũng không chắc là cậu nhóc có cơ hội gặp mẹ trọn vẹn hay không, vì theo phán quyết của Tòa cậu nhóc được ở cùng với ông bà nội. Bố cậu nhóc đã tử vong, mẹ cậu nhóc là hung thủ trong vụ án mà bố cậu nhóc là nạn nhân ấy. Thú thật là, tôi rất đau lòng.
19 tuổi, cô gái lấy chồng. Chồng cô là anh thanh niên nhà kế bên, anh hơn cô 9 tuổi. Huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quãng Ngãi là huyện nghèo, đường sá toàn đất đỏ, người dân thuần nông nghiệp, vừa khó khăn vừa xơ xác.
Dòng người ly hương mưu sinh gốc Quảng Ngãi vào Sài Gòn làm hai nghề chính, thu mua phế liệu dạo và bán hủ tíu gõ. Bây giờ thì hủ tíu gõ nhiều người ly hương từ tỉnh khác vào bán rồi, Thanh Hóa, Nam Định.. gì cũng bày xe hủ tíu gõ bán buôn. Nó không còn là độc quyền của người Quảng Ngãi như những năm trước nữa.
Còn nếu không thu mua phế liệu dạo và bán hủ tíu gõ thì làm nghề thợ đụng, nghĩa là đụng gì làm nấy, cáo trạng viết là "Làm thuê". Vợ chồng cô gái làm thuê, ở trọ tít quận Tân Phú, quận vùng ven ở Sài Gòn.
Năm 2012, cô gái lấy chồng, thì năm 2013 có cậu nhóc đầu lòng. Cậu nhóc chưa kịp dứt sữa mẹ thì cô gái trẻ bị Cơ quan Công an bắt giữ vì hành vi "Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng".
Vợ chồng cô gái làm thuê, ngày có việc ngày không, ngày có tiền ngày không, cuộc sống khốn khó. Ai đã từng ở nhà trọ, sẽ biết cơn khốn khó này như thế nào. Sáng mở mắt đã thấy đến kỳ đóng tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Ở nhà trọ mà công việc bấp bênh lại càng nhọc nhằn hơn, chưa kể là có thêm cậu con trai nhỏ.
Tôi kể một câu chuyện ngoài, cũng liên quan đến nhà trọ, con nhỏ. Có vợ chồng anh thợ cắt tóc nuôi hai con nhỏ, nhà trọ cũng là quán cắt tóc. Túng thiếu, anh vay của tín dụng đen 2 triệu để đóng tiền nhà. Mỗi ngày góp 100 ngàn, tính chẵn 30 ngày thì hết. Vậy mà, góp hoài không hết nợ gốc, lại còn bị cộng dồn lại. Vợ chồng con cái dắt díu nhau trốn từ quận Bình Thạnh sang Phú Nhuận trốn nợ.
Mượn tiền người thân ở quê mở quán cà phê vỉa hè, vạ vật mưu sinh. Không may, lũ ong ve tóm được khi cậu đang bưng bê cà phê cho khách, tẩn một trận, đòi giết. Cậu thợ cắt tóc tứ cố vô thân, khóc loạn. Khóc thì khóc mà đánh thì đánh. 2 triệu ban đầu không biết thế nào đã thành cả chục triệu. Tôi nghe đồng nghiệp của anh hớt tóc này kể, vợ chồng con cái anh đã dạt về quê, cuối cùng vẫn không biết có thoát được vòi bạch tuột của bọn tín dụng đen không?.
Phan Thị Tứ tại phiên tòa phúc thẩm.
2. Trở lại câu chuyện của vợ chồng cô gái. Túng bách trong đời sống là điều hiển nhiên mà vợ chồng cô phải đối mặt. Cùng quẫn, cũng là món nợ đời mà vợ chồng cô phải đối diện. Cơn túng bách cùng quẫn đôi lúc khiến người ta không kiểm soát được hành vi, ngôn từ cũng như cảm xúc. Nghèo, nói bỏ quá cho, nhiều lúc cũng luôn là cơ hội để bi kịch hiện hữu.
Không hiểu bằng cách nào, đêm ấy chồng cô gái phát hiện trong tài khoản ATM của cô gái có con số dư 1,1 triệu. Cô gái có giải thích đó là số tiền chế độ nghỉ thai sản nơi cô làm chi trả. Chồng cô gái không tin, vì sao không tin thì tôi không thể nào biết được. Tôi cũng không thể lý giải vì sao chồng cô gái lại có thể cáu giận vì số tiền 1,1 triệu trong tài khoản ATM của cô gái.
Lời qua tiếng lại, chồng cô gái cho rằng cô gái cố ý giấu tiền làm của riêng. Đại loại, như một thứ quỹ đen. Miệng thì nói, tay thì giật cậu nhóc mà cô gái đang ẵm, chồng cô gái mang cậu nhóc gửi người ở phòng trọ kế bên. Cô gái nhất định giành lại con. Trong hoàn cảnh một tay ôm con nhỏ, cô gái chịu những đợt tấn công liên tiếp của chồng.
Thuở tôi còn bé ở quê, tôi đã chứng kiến nhiều lần cảnh chồng đánh vợ. Lần nào tôi cũng ngạc nhiên với câu hỏi vì sao đàn ông lại có thể đánh phụ nữ? Vì sao chồng lại có thể đánh vợ. Đàn bà, cơ bản là khổ. Đàn bà lấy chồng thích thượng cẳng chân hạ cẳng tay lại càng khổ hơn vạn lần. Sau có cô Bảy nhìn lam lũ lắm, ngày nào cũng bị chồng đánh. Đánh không lý do, đánh bất cứ giờ giấc. Sáng đánh, trưa đánh, chiều đánh, tối đánh, nửa khuya cũng đánh. Đánh lần nào cũng rượt khắp xóm, túm được gì là tẩn vợ bằng cái đấy.
Có lần, chồng cô Bảy bị thanh niên cả xóm trói lại tẩn cho một trận. Cô Bảy đang bỏ chạy, hốt nhiên quay ngược lại tả xung hữu đột cứu nguy cho chồng. Chồng cô Bảy đang bị nhóm thanh niên tẩn, vẫn còn kịp đưa tay tát cho cô Bảy một phát. Không hiểu oán thù gì lại sâu đậm như vậy? Đánh hoài, mà sòn sòn sinh một lúc đến năm ông con, ông nào cũng mũi chảy xuống miệng, lem lem luốc luốc y chang nhau.
Còn cô gái ấy, khi bị chồng đánh ôm con chạy thẳng xuống khu bếp của căn phòng trọ, chồng vẫn đuổi theo. Vớ được con dao gọt hoa quả để trên sàn bếp, cô gái cầm trên tay thủ thế. Chồng cô gái thì vớ được cái chày đâm tiêu.
Chồng cô gái vẫn không dừng lại, vung chày lên đánh cô. Hoảng loạn, cô gái cầm dao đâm mạnh. Chồng cô gái lúc này mới bừng tỉnh ôm ngực lao ra khỏi phòng trọ kêu cứu, cô gái chết trân.
Mặc dù được hàng xóm nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng chồng cô vẫn không qua khỏi cơn nguy kịch. Cô gái bị bắt ngay sau đó.
3. Ở phiên sơ thẩm, TAND TP HCM tuyên phạt cô gái ấy 18 tháng tù về tội danh, "Giết người vượt quá phòng vệ chính đáng". Đồng thời, buộc bồi thường 148 triệu tiền mai táng phí cho gia đình bị hại. Sau phiên tòa, cô gái làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Đầu tháng 3-2016, tại phiên tòa phúc thẩm TAND cấp cao tại TP HCM đã chấp thuận đơn kháng cáo của cô gái, giảm số tiền mai táng phí tứ 148 triệu xuống còn 123 triệu nhưng vẫn giữ nguyên mức án phạt tù ở phiên sơ thẩm.
Cô gái quê ấy chắc sẽ trải qua những đêm khủng khiếp trong tù, những đêm như là cơn ác mộng. Tiếc rằng, cơn ác mộng ấy lại đang hiển hiện, cơn ác mộng không hề có cơ hội choàng tỉnh.
Cậu nhóc theo tôi những ngày thơ dại ở quê, lớn lên xíu nhiễm phim xã hội đen sinh ra thích làm giang hồ, gây gổ chém nhau, thụ án 4 năm 6 tháng tù, "Cố ý gây thương thích", có lần nói với tôi. "Anh ở tù, những ngày đầu, những tuần đầu anh không ngủ được đâu. Nó khủng khiếp lắm, nó ghê lắm.
Nhiều tháng trôi qua, anh sẽ quen dần với không khí nhà giam, không khí ở tù. Nhưng có một thứ vĩnh viễn anh không bao giờ quên được, đó là anh cứ sẽ bực tức với chính mình vì "Tại sao mình lại hành động vô nghĩa đến vậy để phải vào nơi này?". Tôi nghe cậu nhóc nói, không biết trả lời sao.
Có một chi tiết trong vụ việc của cô gái mà tôi lưu tâm, ấy là luật sư chỉ định của nạn nhân có đề nghị tòa xem xét yếu tố tăng nặng hình phạt cho hành vi của cô gái vì theo vị luật sư ấy cô gái đã kịp phi tang chứng cứ gây khó khăn cho điều tra viên.
Cái phi tang chứng cứ theo vị luật sư là cô gái đã thay đồ rồi mới đến bệnh viện Chợ Rẫy để chăm chồng cấp cứu. Luật sư "có tâm" đến mức độ ấy thì tôi chịu hẳn, không biết phải lạm bàn như thế nào cho hợp lý nữa. May mà, Tòa đã phủ quyết chi tiết này của vị luật sư khả kính ấy.
Sẽ còn một chặng đường rất dài để cô gái phải đối diện khi rời khỏi nhà tù, một sự đối diện chắc chắn còn khủng khiếp hơn những gì mà cô gái đang chịu đựng ở hiện tại.
Buồn thế, nhỉ? Tất cả chỉ vì 1,1 triệu đồng trong tài khoản ATM. 1,1 triệu đồng mà chắc là cho đến giờ vẫn đang nằm yên trong tài khoản của cô gái. Chỉ có những thứ thân thuộc đã vĩnh viễn mất đi.
Giá mà thời gian có thể trở lại, giá mà chúng ta có thể sửa lại một hành động đã diễn ra trong quá khứ.
Cô gái có tên là Phan Thị Tứ.