Lão nông và mánh lừa tiền tỷ
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 06:47, 27/03/2016
Lão nông và “vỏ bọc hoàn hảo người nhà Bí thư tỉnh”.
Đoàn Thanh Tâm (58 tuổi, trú xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) là một lão nông chân lấm tay bùn đúng nghĩa. Tâm có dáng người thấp đậm, cục mịch, chân chất, khiến cho những người mới gặp ít ai có thể nghĩ được một con người với dáng vẻ đầy chất “nông dân” như vậy lại là tay lừa đảo có tiếng.
Bản án ngày 22/3 của TAND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ từ năm 2007-2008, Đoàn Thanh Tâm tự xưng là người nhà của một cựu Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, “nổ” quan hệ rộng có thể xin được việc làm cho ai có nhu cầu…
Quá trình điều tra, Tâm khai nhận vì trước đây đã có lần đi xin việc cho đứa cháu nên Tâm nhận thấy chỉ có những người có quan hệ rộng, có quen biết hay thân thích với lãnh đạo thì mới chạy được việc làm. Còn đối với những người có nhu cầu chạy việc thì việc bỏ ra một khoản tiền rồi chờ đợi là bình thường. Từ đó, Tâm tung tin là người nhà của Bí thư tỉnh có thể “lo” được mọi công việc.
Tự tin với vỏ bọc người nhà Bí thư tỉnh ủy, đi đến đâu Tâm cũng “nổ”, nhất là trước đám họ hàng bấy lâu nay chỉ biết có ruộng vườn. Một số người anh em khi nghe Tâm “nổ” liền tin răm rắp, sau đó đi khoe với một số người khác, rồi từ đó bắt mối với nhau tới tìm Tâm, đưa tiền để chạy việc. Vòng zích zắc của bi kịch bắt nguồn từ đây, họ vô tình không biết đã mắc vào mánh lừa của Tâm.
Bị cáo Đoàn Thanh Tâm tại phiên xử
Rồi cái tiếng Tâm là người nhà của Bí thư tỉnh, lại xin được việc làm lại lan nhanh khắp chốn, không chỉ trong vùng mà còn sang cả tỉnh Nghệ An. Chỉ hơn một năm mà có hơn 20 người ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã tìm tới nhờ Tâm xin việc cho vợ, chồng, con cái họ vào các cơ quan nhà nước với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng.
Ngồi trước số tiền dễ dàng lấy được từ “thiên hạ”, Tâm nghĩ đến quá khứ, đến những tháng ngày chỉ có bùn đất lấm người, chỉ có con trâu mảnh ruộng với cái đói theo sau… Tâm lại thấy mình giỏi, có tài, vừa kiếm được nhiều tiền vừa được người khác tung hê, coi trọng. Tâm cứ ngất ngây với “hương say” đó mà không nhận ra rằng đời mình đang ngược lối, vòng lao lý đang chờ Tâm.
Cầm xấp tiền mà cả đời có dành dụm đến mấy cũng không có được, Tâm tiêu xài như “đại gia” càng khiến cho nhiều người tin vào “khả năng quan hệ và tầm cỡ” của Tâm.
Lão nông và bản án thay lời cảnh tỉnh
Nhưng rồi niềm tin, sự chờ đợi theo thời gian trở thành những nỗi nghi ngờ. Người đưa tiền cho Tâm để lo công việc bắt đầu nóng ruột tìm Tâm để hỏi. Những lời hứa hẹn không thể làm yên lòng người khác được nữa, Tâm chột dạ và tìm cách tháo chạy. Tâm bỏ trốn vào miền Nam, tới tháng 8/2015 thì bị bắt về quy án.
Tại phiên xét xử, Tâm nói: “Bản thân bị cáo là nông dân, chưa bao giờ được cầm số tiền lớn như vậy. Khi họ đưa tiền nhiều quá lòng tham bị cáo càng dâng cao, đến bây giờ cũng không nhớ cụ thể đó là tài sản của những ai nữa”…
Không ít lần hội trường xét xử ồn lên những tiếng trách móc của người bị hại, họ bực tức không chỉ bị lừa mà còn thấy “đau” vì mình bị lừa một cách quá dễ dàng.
Thấy các bị hại liên tục oán trách Tâm, Tòa đặt câu hỏi chung: Tại sao các anh, các chị không tỉnh táo, đáng lẽ khi đưa một số tiền lớn cho ai, phải nhìn tướng, đến nhà tìm hiểu gia đình họ như thế nào rồi mới nên trao sự tin tưởng chứ?!. Một số bị hại đáp rằng nhìn Tâm chân thật quá lại ăn nói chắc nịch, khẳng định chắc chắn, một phần cũng vì muốn lo cho con cái, vợ, chồng ổn định nên mới “nhắm mắt làm liều”.
Một bị hại nghẹn ngào nói và cố lý giải với HĐXX vì sao lại có thể bị Tâm lừa dễ dàng như vậy: “Có lần tới nhà tôi, ông ta (Tâm) cầm 3 chiếc điện thoại xịn. Sau đó nói rằng một chiếc là dùng để gọi cho quan chức, chiếc kia dùng gọi cho người thân, chiếc còn lại dùng gọi đối tác. Có lúc ông ấy còn gọi điện cho một người con gái rồi bảo là cháu của Bí thư tỉnh ủy, hồ sơ xin việc của con tôi đã được thông qua, như vậy thì ai mà không tin”…
Xuyên suốt vụ việc, ngoài các bị hại còn có những người bị “vạ lây” đầy đau đớn đó là vợ và họ hàng của Tâm.
Có 3 người họ hàng của Tâm được xác định là môi giới cho những người khác chạy việc làm, khi mọi việc vỡ lở, họ phải vay mượn hàng trăm triệu đồng để trả cho bị hại. Từ chỗ “làm ơn”, giờ thành mắc oán, vợ chồng lục đục, cơm chẳng lành canh không ngọt.
Tại phiên tòa, vợ ông Tâm liên tục khóc và giãi bày. Tiền ông Tâm lừa đảo của người ta, ông ấy giấu rồi tiêu xài cá nhân hết, nay vướng lao lý, gia đình thêm nợ nần chồng chất vì phải kiếm tiền trả cho các nạn nhân. “Giờ tiền lãi ngày một nhiều, bản thân đau ốm thường xuyên, con cái cũng đối diện với một tương lai vô định”.
Tâm khai sau khi lừa đảo được số tiền lớn thì không hề đưa về cho gia đình mà mang cho một người phụ nữ tên Tương (hiện tại người này đang thụ án tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạn tài sản). Theo Tâm, người này có công chỉ đường cho ông ta lừa đảo, nên ông ta chia tiền, số còn lại dùng để tiêu xài cá nhân.
Trong vụ việc này, Tòa nhận định các bị hại cũng có phần lỗi khi quá tin vào lời nói lừa đảo của bị cáo, đây là một bài học cảnh tỉnh vô cùng đắt giá dành cho những ai đang có ý định dùng tiền xin việc cho người thân.
Nhận mức án 13 năm tù về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phải bồi thường hơn 700 triệu đồng, Tâm bước lên xe thùng, bỏ lại sau lưng những ánh mắt oán hận đang nhìn về phía mình. Tâm đi thụ án nhưng không hẹn ngày sẽ trả tiền, bi kịch tiếp tục đè lên người vợ già yếu. Xe lăn bánh, giấc mộng để con cái, người thân được làm cô giáo, bác sĩ, kế toán nhà nước… của nhiều gia đình cũng tiêu tan.