Ân hận muộn màng của thầy giáo mang án lừa đảo
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 20:15, 17/01/2016
Đã nhiều năm mặc áo số nhưng phạm nhân Nguyễn Trọng Bình, 53 tuổi (quê ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vẫn giữ được phong thái nhẹ nhàng của người có học. Nhìn gương mặt sáng, hiền lành của Bình ít ai có thể ngờ được anh ta là kẻ lừa đảo.
Sinh ra ở miền quê nghèo nên gia cảnh nhà Bình cũng nghèo xơ nghèo xác. Dù quần quật quanh năm ngày tháng nhưng bố mẹ anh ta cũng chỉ lo được bữa đói bữa no. Không muốn các con cả đời tăm tối như mình nên bố mẹ anh ta quyết tâm lo cho các con ăn học “Các con muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói, chỉ có con đường duy nhất là cố gắng học hành thật giỏi”.
Trước tấm chân tình của cha mẹ, Bình cố chăm chỉ học hành nên thành tích học tập của anh ta luôn ở tốp đầu của lớp. Ngày Bình đỗ vào trường Đại học tổng hợp cả nhà Bình vỡ òa trong hạnh phúc. Năm 1987, Bình tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá. Đúng thời gian này, Nhà nước có chính sách khuyến khích những người có bằng cấp đại học lên vùng cao lập nghiệp, mang kiến thức văn hoá lên vùng cao phục vụ cho bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa thoát khỏi nạn mù chữ.
Thấu hiểu cảnh nghèo khó của bà con dân tộc, Bình xách ba lô lên Tây Bắc làm giảng viên môn vật lý tại trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Điện Biên. Bình nhiệt huyết trên bục giảng để truyền kiến thức cho các sinh viên của mình.
Lúc đầu Bình chỉ định phục vụ vài năm rồi về xuôi nhưng tình cảm của người dân và học sinh đã khiến anh ta quyết định gắn bó cả đời với mảnh đất tuy nghèo nhưng thấm đẫm tình người. Bình lấy vợ, sinh con với cuộc sống êm đềm ngày ngày lên lớp, tối về quây quần với vợ con. Thế nhưng những ngày tháng hạnh phúc chẳng “tày gang” khi vợ Bình vướng vào cờ bạc, tài sản trong nhà lần lượt “đội nón ra đi” khiến cuộc sống khó khăn, chật vật. Và từ đây cãi vã luôn nổ ra trong ngôi nhà vợ chồng Bình. Vợ Bình khinh chồng ra mặt. Những lời đay nghiến của vợ khiến Bình cảm thấy đau đớn trong lòng, một thời gian sau vợ chồng anh ta ly hôn.
Phạm nhân Nguyễn Trọng Bình
Chỉ vì nghèo khó mà gia đình tan nát khiến Bình luôn mang mặc cảm và nảy sinh ý định làm giàu bằng mọi cách. Đầu tháng 9/2008, anh ta gặp một người dân tộc Thái bán củi đi qua nhà, Bình xin một đoạn gỗ, rồi dùng dao chặt ra từng đoạn, mài 2 đầu vào đá cho nhẵn thín. Sau đó tôi dùng dao nhọn khắc nhiều con dấu giả. Cũng thời điểm này, trường CĐSP Điện Biên có tuyển sinh lớp cao đẳng tin học, thư viện- thông tin liên kết với trường đại học Quảng Bình mở tại tỉnh Điện Biên. Trong nhiều lần ăn sáng, Bình có quen với một số người và “bắn tin” chỉ cần đưa 10 triệu là xin lo được 1 suất vào học tại các lớp học nói trên. Đến khi bị công an phát hiện và bắt giữ, Bình đã thu 60 triệu đồng một cách bất chính, đổi lại Bình đưa cho 6 người các phiếu báo điểm và giấy báo nhập học giả mạo.
Nguồn tin của cơ quan công an, Nguyễn Trọng Bình đã làm con dấu giả mang tên trường Đại học Tây Bắc và dùng con dấu này đóng trên 18 phiếu báo điểm thi giả mang tên trường Đại học Tây Bắc của 18 người, lừa dối trường CĐSP Điện Biên trong việc xét tuyển nguyện vọng 2 vào lớn tin học và thư viện- thông tin. Trong đó đã có 17 học sinh vào học.
Một thời gian sau, hành vi của Bình bị “lật tẩy” và bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức”. Vết trượt của Bình khiến cả gia đình anh ta bàng hoàng xót xa. Những ngày ở trong trại giam, anh ta luôn ân hận, giày vò bản thân trước việc làm tội lỗi của mình. “Dẫu đồng lương ba cọc ba đồng, nhưng sống thanh thản, được trò yêu, bạn mến. Giờ đây, ở trong tù, tôi thấy hối hận vì việc làm vi phạm pháp luật của mình. Cũng chỉ vì muốn giàu nhanh nên tôi nên mới nhắm mắt làm liều”, Bình giãi bày.
Khi được hỏi, sau này ra tù có tiếp tục quay lại bục giảng nữa không, Bình im lặng không trả lời nhưng trong ánh mắt của anh ta mang đầy nỗi mặc cảm.