TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp): Không thể xây dựng Nhà nước pháp quyền với một hệ thống văn bản QPPL không có chất lượng
Chính trị - Ngày đăng : 14:21, 14/02/2014
Điều đó đã tạo những phản ứng, hiệu ứng không tốt trong xã hội. Nhân dịp năm mới, Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục KTVB (Bộ Tư pháp) về vấn đề này.
TS. Lê Hồng Sơn
PV: Đầu xuân năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp nhấn mạnh đến việc tập trung, nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, xây dựng kỷ luật kỷ cương nhà nước; đề cao trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo chất lượng xây dựng văn bản văn bản QPPL. Ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
TS. Lê Hồng Sơn: Tôi rất mừng khi tiếp nhận thông điệp này. Đây là một dấu ấn cực kỳ quan trọng. Người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp khẳng định yêu cầu nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm chất lượng xây dựng văn bản QPPL. Tôi cho rằng, văn bản QPPL có vị trí đặc biệt, có thể nói là hàng đầu trong hệ thống các văn bản quản lý nhà nước. Chất lượng văn bản QPPL có bảo đảm thì mới làm cơ sở, chỗ dựa, công cụ có hiệu quả cho quản lý nhà nước. Thực tế, trong rất nhiều năm qua đã chỉ ra một điều là văn bản QPPL được ban hành rất nhiều, nhưng chất lượng của nhiều văn bản chưa cao. Cá biệt có khiếm khuyết, thiếu sót nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà còn tạo những phản ứng, hiệu ứng không tốt trong xã hội.
PV: Sau 10 năm triển khai công tác kiểm tra văn bản QPPL, ông cho biết thực trạng ban hành văn bản QPPL hiện nay như thế nào?
TS. Lê Hồng Sơn: Phải nói thế này, từ góc nhìn, nghiệp vụ của chúng tôi có thể thấy rất rõ những hạn chế, thiếu sót, bất cập của hệ thống pháp luật Việt Nam. Bức tranh pháp luật của ta, "mảng sáng" là cơ bản. Nhưng vẫn còn những "mảng tối", những văn bản có nội dung sai trái cần phải xử lý, hủy bỏ, bãi bỏ. Và, kể cả những mảng "nhờ nhờ" không ra "sáng" cũng như không ra "tối". Tôi muốn nói tới những văn bản vô thưởng, vô phạt, thiếu tính khả thi, không giúp ích gì cho đời sống xã hội, cho công tác quản lý, ban hành rồi để đấy…
Sau 10 năm, trên cả nước đã thực hiện kiểm tra được hơn 3,6 triệu văn bản, phát hiện hơn 90.000 văn bản có dấu hiệu sai phạm và đã được xử lý ở các mức độ khác nhau. Số liệu này báo chí đã đưa và công luận đã biết. Đáng chú ý, trong số hơn 90.000 văn bản này, có khoảng gần 10.000 văn bản QPPL có dấu hiệu sai phạm về nội dung cần phải xử lý đình chỉ thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ. Rất nhiều trường hợp mà tôi biết, người ký văn bản đã nâng lên, đặt xuống, băn khoăn, trăn trở, yêu cầu căn chỉnh, hoàn thiện nhiều lần rồi mới quyết định ký ban hành. Không còn hiện tượng coi thường, dễ dãi trong việc ban hành văn bản như trong nhiều năm trước đây. Đã xuất hiện đây đó việc kiểm điểm trách nhiệm của người đã tham mưu, ký ban hành văn bản sai trái gây hậu quả. Đây là một điều rất đáng mừng trong điều kiện phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay.
PV: Vậy theo ông, tình trạng ban hành văn bản sai trái do đâu?
TS. Lê Hồng Sơn: Tình trạng ban hành văn bản sai trái có nhiều nguyên nhân khác nhau. Về mặt khách quan, các quan hệ xã hội ngày càng phát triển, sự điều chỉnh của pháp luật đòi hỏi ngày càng đi vào chiều sâu, do đó việc đưa ra các quy định phù hợp không phải dễ dàng chút nào. Về chủ quan thì trình độ người soạn thảo còn hạn chế, quy trình soạn thảo không được tuân thủ nghiêm túc, việc thực hiện các bước trong quy trình còn hình thức, chưa thực chất… Nhiều lúc người đứng đầu còn khoán trắng cho cấp dưới, cho chuyên viên, thiếu sự quan tâm đúng mức. Thậm chí, còn có cả yếu tố lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, ngành và cũng không loại trừ có tiêu cực tham nhũng chi phối mà tôi hay nói là “lobby đen”.
Cần lưu ý thêm, người ta hay nói đến nguyên nhân hạn chế là quy trình, thủ tục, tôi cho rằng cũng không hẳn như vậy. Với quy trình, thủ tục hiện hành nên tổ chức thực hiện cho nghiêm chỉnh, bài bản, thực chất thì mức độ sai không như vừa qua. Vấn đề là người ta triển khai một cách hình thức, hời hợt, làm cho có, đối phó… Cũng có người cho là lực lượng pháp chế Bộ, ngành tư pháp địa phương mỏng, yếu, theo tôi đây chỉ là một nguyên nhân. Và, nhìn rộng ra trong toàn bộ hệ thống công chức, sự yếu kém của một bộ phận không nhỏ của hệ thống công chức trong việc tham mưu, hoạch định thể chế, chính sách mới là nguyên nhân.
PV: Trong thời gian qua có khá nhiều văn bản QPPL trái pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý mới chỉ dừng lại ở mức thu hồi, hủy bỏ rồi làm lại mà chưa có sự xử lý người ban hành văn bản trái luật cũng như chưa thấy có việc bồi thường thiệt hại nào cho người dân, doanh nghiệp do văn bản gây ra. Ông nghĩ gì về điều này?
TS. Lê Hồng Sơn: Đây là vấn đề đáng lưu tâm. Rất tiếc là khi xác lập cơ chế bồi thường nhà nước đã không thiết lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong việc ban hành văn bản QPPL trái pháp luật. Đồng ý đây là việc cực kỳ khó, ít nơi dám làm. Theo tôi, vấn đề này cũng cần phải nghiên cứu để đảm bảo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền.
Về vấn đề xử lý người tham mưu, ban hành văn bản trái luật thì đây cũng là một vấn đề cần phải bàn. Hiện nay, các quy định để xử lý cũng đã có, tuy chưa thật "đặc định". Vấn đề là chưa làm đến nơi đến chốn mà thôi. Ví dụ, có thể xử lý kỷ luật cán bộ, công chức hoặc cắt thi đua, khen thưởng, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội “Cố ý làm trái”, tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hay tội “Tham nhũng”... Theo tôi biết, cắt thi đua người ta đã làm nhiều rồi còn cách chức, buộc thôi việc thì chỉ có một số ít trường hợp. Người ta chưa đẩy vấn đề đến mức cách chức, buộc thôi việc người tham mưu, ban hành thể chế sai là một thiếu sót. Về xử lý hình sự thì thực tế chưa thấy xử ai cả. Mà có xử thì cũng chỉ luận tội cùng với một loạt tội khác và phần này thường bị yếu, bị chìm đi. Tôi thấy chưa có phiên tòa nào xử riêng đối với tội phạm này, loại sai phạm này.
Để có tình trạng như vậy, tôi cho rằng một phần nguyên nhân cũng do cơ chế “hậu kiểm” thiếu sức mạnh cần thiết vì quyền của chúng tôi chỉ dừng ở mức tham mưu, thông báo kiến nghị, không có quyền trực tiếp xử lý, hủy bỏ, bãi bỏ. Tôi luôn mơ đến cơ chế tài phán mà nhiều nước đã sử dụng từ lâu như cơ chế bảo hiến, cơ chế tuyên hủy của Tòa đối với văn bản trái pháp luật...
PV: Xin cảm ơn ông!