Lời sám hối muộn màng của người chồng vũ phu

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 09:20, 29/07/2015

Trong cuộc sống gia đình, bình đẳng giữa nam và nữ lẽ ra là tất yếu, khi người ta còn phải đấu tranh để san bằng khoảng cách ấy cho người phụ nữ, thì đâu đó vẫn còn những thực trạng đáng buồn.

Người đàn ông còn khá trẻ mặc áo sơ mi đen phanh cúc, trên mu bàn tay xăm hình lông vũ đầy chất chơi ôm đứa con gái nhỏ, chốc chốc lại thơm vào má nó. Con bé có đôi mắt to tròn, ngây thơ, thỉnh thoảng cười trong veo. Nó đâu hiểu hôm nay ba mẹ nó phải ra tòa để giải quyết tranh chấp li hôn. Và người đàn bà có lưỡng quyền cao đứng không xa nó, người đã sinh ra nó chưa từng quay đầu lại ngó thử nó một lần dù nó chỉ mới 20 tháng tuổi. Người phụ nữ tên Đặng Thị M (trú tại Quảng Ngãi).

Theo lời trình bày, chị và chồng là Hồ Hoàng T (cùng ở Quảng Ngãi) cũng đã từng có thời yêu nhau say đắm. Cưới nhau về, những năm tháng đầu tiên là những chuỗi ngày hạnh phúc. Thương vợ vất vả nên chồng không cho đi làm. Một mình anh đủ lo kinh tế với thu nhập hơn chục triệu bằng nghề sửa ô tô.

Hạnh phúc sẽ thật trọn vẹn nếu như anh không rượu chè, bài bạc và như thế thì cũng đâu có chuyện mỗi lần trở về nhà bao nhiêu sự nóng nảy đặc trưng của những con bạc khát nước đều đổ lên đầu vợ bằng đòn roi. Ở nông thôn, những câu chuyện như thế này không phải là hiếm và phụ nữ thường im lặng chịu đựng. Chị cũng vậy, cũng đã từng có lần nộp đơn ly hôn, được Hội phụ nữ địa phương khuyên giải mà rút đơn lại.

Có câu “chứng nào tật nấy” quả không sai. Một lần mâu thuẫn về chuyện tiền bạc, anh vô tình cầm kéo vung trúng mặt chị. Tức nước vỡ bờ, chị nộp đơn ra tòa.

Ngày tòa xử li hôn, đêm về anh uống thuốc trừ sâu tự tử. Được phát hiện kịp thời, anh lại quyết tâm kháng cáo những mong gia đình có thể đoàn tụ. Đứng trước phiên tòa phúc thẩm, anh cứ một mực khẳng định anh rất yêu vợ và vợ vẫn còn yêu mình. Khi chủ tọa phiên tòa hỏi: “Anh có căn cứ gì để chứng minh điều đó không?”, anh nói: “Tôi có thể cảm nhận được vì tôi rất hiểu vợ tôi. Chúng tôi đã từng rất yêu nhau”. Chủ tọa phiên tòa lập tức ngắt lời anh: “Bất kì cuộc hôn nhân nào cũng vậy. Ai chẳng yêu nhau rồi mới cưới nhau? Nhưng đâu có nghĩa lúc trước yêu thì bây giờ vẫn còn yêu”. Chị ngồi dưới, khẽ nhếch mép cười.

Chủ tọa phiên tòa lại tiếp lời: -Lí do gì anh thường hay rượu chè, cờ bạc?

-Vì cảm thấy chán nản.

-Anh chán nản về điều gì?

-Tôi làm hơn chục triệu, vợ chỉ ở nhà chăm con nhưng vợ lại không biết cách cư xử. 

-Trong cuộc sống vợ chồng, chồng đi làm, vợ ở nhà chăm con. Vợ anh tuy  không làm việc ra tiền nhưng mỗi người đều có sự phân công công việc xã hội, công  việc gia đình với nhau. Anh không thể vì là người làm ra tiền mà coi thường vợ, về nhà chửi mắng, đánh đập vợ được.

-Tôi không có ý coi thường vợ tôi. Tôi thương vợ nên mới không muốn vợ đi làm vất vả. Tôi chỉ mong cô ấy sống biết cách cư xử.

-Lẽ ra khi vợ anh đã rút đơn lại, anh phải biết trân trọng mà sửa chữa sai lầm. Tại sao lại còn dùng kéo đâm vào mặt vợ mình. Anh có biết chỉ cần anh chệch tay có  thể dẫn đến chết người không?

-Tôi không cố ý. Chỉ là cãi vã, sẵn tiện tay cầm kéo hù dọa, vung trúng mặt vợ.  Vô ý chứ không phải cố tình.

Chị giàn giụa nước mắt: “Anh ta nói yêu thương tôi nhưng dù đã được hòa giải, vẫn chứng nào tật nấy, không thay đổi. Tòa xử giao con cho tôi nuôi, anh ta cũng về ôm con đi mà không nói một lời nào”.

Anh lập tức phản bác: “Vợ tôi không hề chăm lo cho con mà giao con cho ông bà ngoại nuôi. Tại sao ông bà ngoại có thể nuôi con tôi được mà tôi làm cha thì không được”.

Khi chủ tọa phiên tòa hỏi tại sao chị lại giao con cho ông bà ngoại nuôi. Chị bảo chị cần kiếm tiền nuôi con, đi làm, tối về khuya nên đành thuê trọ ở. Cuối tuần mới về hai ngày với con  (dù trên thực tế, từ chỗ làm đến nhà không cách xa nhau mấy).

Chủ tọa lại hỏi “Giao con cho ông bà ngoại như vậy có đảm bảo việc nuôi nấng, giáo dục con hay không?”. Chị giãy nãy trong sự chưng hửng của tất cả mọi người ở phòng xử án: "Chỉ có 5 ngày thôi mà!”.

Tôi nhìn họ đối đáp với nhau mà thấy lòng thật nhiều nỗi niềm. Người đàn ông đó có giọng nói khá tình cảm, suốt phiên tòa anh đều thể hiện sự thương con và mong muốn hàn gắn. Một người đàn ông đi làm về đều đưa tiền hết cho vợ thì không thể nói là vô trách nhiệm với gia đình. Người phụ nữ thì chưa từng ôm lấy con mình dù chỉ một lần. Thế nhưng, sau khi nghị án, HĐXX vẫn quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác kháng cáo của anh. 

Người đàn ông ôm con về. Người vợ không thèm hỏi một lời dù tòa giao con cho chị nuôi. Lời nói khi tranh luận của anh dường như vẫn còn văng vẳng đâu đây: “Tôi mong vợ hiểu, tha thứ và quay lại để cùng nhau nuôi con. Tôi mong nhận được lời chúc phúc của cha mẹ hai bên. Nếu hiệp lại, tôi sẽ đến xin lỗi cha mẹ vợ”.

Nhưng, có những ăn năn đã quá muộn màng!

Vân Anh