Uẩn khúc phía sau phiên tòa ly hôn

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 17:21, 08/06/2015

Dù ước nguyện đã trở thành hiện thực, nhưng chị Mai vẫn rời tòa với tâm trạng nặng nề. Trên phương diện pháp luật chị vẫn giữ được chồng nhưng trái tim anh có ở lại với chị hay không thì chính chị cũng không dám chắc.

Với dáng vẻ mệt mỏi, buồn bã, chị Mai lặng lẽ bước vào phiên xét xử ly hôn của chính mình. Do còn yêu chồng và không đồng ý ly hôn nên chị kiên quyết không ký vào đơn do chồng chị viết. Thế nhưng, vì muốn kết thúc cuộc hôn nhân này anh Hải (chồng chị) đã đơn phương gửi đơn ra tòa. Dù chủ động đưa đơn, nhưng tại phiên xử anh Hải lại vắng mặt và ủy quyền cho đại diện hợp pháp.

Trong đơn ly hôn anh Hải trình bày, năm 2007, anh kết hôn với chị Mai và hai người đã có con trai 7 tuổi. Quá trình sinh sống, giữa hai người đã nảy sinh mâu thuẫn và không tìm thấy tiếng nói chung. Sau đó, anh sang Pháp học tiến sỹ theo Đề án 322 của Nhà nước. Khoảng cách xa xôi, hai vợ chồng rất ít khi liên lạc với nhau. Do tình cảm vợ chồng không còn, anh Hải mong muốn được ly hôn và đề nghị sẽ chu cấp tiền nuôi con mỗi tháng 5 triệu đồng.

Trái với những lời lẽ trong đơn của chồng, trước tòa, chị Mai khai báo việc ly hôn chỉ là giả dối. Người phụ nữ 32 tuổi trình bày, giữa hai vợ chồng vẫn rất yêu thương nhau. Dù đã có một bằng thạc sỹ nhưng năm 2014, chị vẫn xin cơ quan tạo điều kiện đi du học tự túc để được gần gũi, chăm sóc chồng. Gửi lại đứa con nhỏ cho ông bà ngoại, chị bay sang Pháp với anh.

Chị Mai kể, ở Pháp, hai người thuê căn hộ chung sống. “Anh chu cấp cho tôi toàn bộ mọi chi phí như ăn ở, thuê nhà, cả tiền học phí. Tôi không phải lo gì cả”, chị trình bày tại tòa.

Uẩn khúc phía sau phiên tòa ly hôn

Ảnh minh họa

Theo lời chị Mai, cuộc sống giữa hai vợ chồng không tránh khỏi xích mích nhưng chỉ là mâu thuẫn nhỏ nhặt. Chị rất yêu thương chồng. Để được định cư tại Pháp, hai người bàn nhau sẽ về nước giả ly hôn, rồi sang Pháp kết hôn với người bản địa, sau đó sẽ kết hôn lại.

“Khi về nước, tôi cảm thấy việc làm này rất rủi ro, trái pháp luật và không tốt cho hôn nhân của mình. Suy nghĩ lại, tôi không đồng ý kế hoạch này”, chị Mai trình bày.

“Chị nói vợ chồng chị giả mạo ly hôn, chị có chứng cứ gì để chứng minh không?. Ví dụ như tin nhắn, email?”, vị chủ tọa hỏi. Chị Mai lắc đầu.

HĐXX tiếp tục đưa ra câu hỏi: “Nếu anh chị đã bàn bạc với nhau và bản thân chị không đồng ý với cách làm trên. Vậy sao khi chị về nước, anh vẫn đưa đơn ly hôn?. Một việc lớn như vậy, hai người phải bàn bạc rất kỹ lưỡng”.

Chị Mai đáp: “Thời gian đó tôi đang chú tâm thi cử nên không biết tâm tình của chồng như thế nào. Sau đó, tôi hỏi thì anh bảo chỉ có cách này mới chắc chắn. Còn tôi không đồng tình. Đến giờ phút này, tôi muốn chia sẻ với quý tòa là tôi chỉ mong muốn gia đình được đoàn tụ thôi ạ”.

Chủ tọa giải thích, tòa không phải là bạn tâm giao, bị đơn phải khai báo thành thật. Bản thân các đương sự không phải mới vào đời mà không hiểu vấn đề. Tòa án giải quyết phải tìm đúng nguồn gốc vụ việc. 

“ Tòa rất ủng hộ nếu giữa hai người còn tình yêu, nếu không còn, chị suy nghĩ lại để chúng tôi quyết định đúng bản chất của vụ việc.”, vị hội thẩm nhân dân đưa ra câu hỏi.

Trước câu nói này, chị Mai tiếp tục khẳng định “dù ở Pháp hay Việt Nam, chúng tôi vẫn là một gia đình”.

Được mời đến tòa, bố đẻ của chị Mai cũng trình bày, chuyện vợ chồng của con gái, hai bên không bao giờ phải can thiệp hay hòa giải. Khi ở Pháp, mỗi tuần Hải vẫn liên lạc về gia đình để trò chuyện với con trai. Về nước, Hải ở cùng nhà vợ. Ông rất bất ngờ khi nhận được giấy triệu tập của tòa. Gọi điện hỏi con rể, Hải nói đó là ý đồ giữa hai vợ chồng.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy mục đích ly hôn không chính đáng nên quyết định bác đơn. 

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Đoàn Nga