Bi kịch những đứa trẻ thiếu hơi ấm gia đình
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 08:23, 13/05/2015
Trong nhiều vụ án, những bị cáo đang độ tuổi vị thành niên bị tổn thương về mặt tinh thần, sớm rơi vào vòng lao lý do thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ. Không ít bị cáo bị cách ly ra khỏi đời sống xã hội trong thời gian dài khi tuổi các em mới tròn đôi tám...
Các bị cáo vị thành niên trong một phiên tòa
Trong một vụ án Nguyễn Minh Phục (17 tuổi), Phạm Trọng Nguyên (15 tuổi) và Trần Văn Huy (15 tuổi) bị truy tố về tội “Giết người” do TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử, những người dự khán đặc biệt chú ý đến lời khai của bà Trần Thị Linh, cô của bị cáo Huy. Bà Linh cho biết từ lúc Huy mới lọt lòng, cha mẹ bị cáo đã mâu thuẫn rồi chia tay, Huy sống chung với bố. Được một thời gian, bố Huy không may mắc bệnh qua đời, từ đó Huy và chị được người cô cưu mang. Cuộc sống thiếu hơi ấm gia đình khiến Huy không phát triển bình thường như đám bạn cùng trang lứa, khi mới thiếu niên, Huy đã ham chơi bời lêu lổng. Tuy nhiên, việc Huy theo bạn bè gây án mạng là điều người cô không thể ngờ tới.
Tối 7/9, Phục thủ sẵn dao nhọn cùng Huy, Nguyên rủ nhau chạy xe lượn qua các tuyến đường trên địa bàn TP.Vũng Tàu với ý định nếu thấy ai sơ hở sẽ thực hiện hành vi phạm tội. Khi cả nhóm đến phường 2, TP. Vũng Tàu, Phục nhìn thấy có hai người đang đi bộ từ trên núi xuống là ông Thành và bà Hường. Cả bọn phân công Nguyên chạy xe xuống đầu dốc để cảnh giới, còn Phục và Huy chặn đường để trấn lột ông Thành. Thấy hai đứa trẻ nên ông Thành chỉ nói không có tiền rồi bỏ đi. Máu “yêng hùng” nổi lên, Huy đuổi theo đấm ông Thành, còn Phục dùng dao nhọn chạy theo đâm liên tiếp vào người nạn nhân. Cùng lúc này, Huy khống chế bà Hường, yêu cầu cống nộp tiền và điện thoại di động. Sau đó, cả nhóm chạy xuống chỗ Nguyên đang chờ sẵn rồi tẩu thoát. Bà Hường truy hô và đưa ông Thành đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, nạn nhân đã qua đời ngay sau đó. Phục, Huy, Nguyên tiếp tục trượt dài cho đến khi bị bắt sau đó hơn một tháng.
Khác với hoàn cảnh của Huy, bị cáo Lê Văn Tình (16 tuổi) sinh ra trong một gia đình còn đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Bố mẹ Tình tuy khó khăn nhưng sinh một lèo 5 người con nên gia cảnh ngày càng khốn khổ. Sau khi rời quê vào phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) mưu sinh, bố và anh chị Tình xin vào khu công nghiệp làm công nhân. Mẹ Tình cũng đầu tắt mặt tối để cải thiện thu nhập nên lơ là, thiếu quan tâm đến con. Tình sống như cây cỏ dại nên rất hung hăng. Ngày 8/9, trong khi phát sinh mâu thuẫn nhỏ với anh Định, Tình cùng ba người bạn (đều đang ở độ tuổi vị thành niên) đã xông vào hành hung nạn nhân. Tình tỏ vai trò “đại ca”, dùng dao xông vào hạ sát khiến anh Định thiệt mạng.
Mẹ Tình khóc nức nở khi khai tại phiên tòa: “Do gia đình quá khó khăn nên gánh nặng đè lên vai vợ chồng tôi dẫn đến việc không dành nhiều thời gian để dạy dỗ con. Việc Tình lơ là học hành, cùng đám bạn tụ tập rồi gây sự đánh nhau là điều gia đình không ngờ tới.”
Các bị cáo đang ở độ tuổi vị thành niên trong hai vụ án nêu trên khi đứng trước vành móng ngựa đều cúi đầu lộ rõ sự sợ hãi, không ai nghĩ các bị cáo lại sớm mang tiếng là kẻ sát nhân. Chỉ vì phút bốc đồng, sự bồng bột ở tuổi mới lớn mà bàn tay các em đã dính chàm, để phải chịu hậu quả trong suốt quãng đời còn lại. Khi các thành viên HĐXX xét hỏi, các bị cáo đều ngơ ngác, nói không nên lời, thể hiện rõ sự hạn chế về nhận thức. Do chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội nên các bị cáo chỉ phải chịu mức hình phạt cao nhất là 18 năm tù.
HĐXX lưu ý các ông bố bà mẹ tham gia phiên tòa với tư cách là người giám hộ cho bị cáo về trách nhiệm của gia đình: “Ngoài sự giáo dục của nhà trường, bố mẹ là những người phải đề cao trách nhiệm dạy dỗ con cái, nhất là khi các bị cáo còn ở tuổi vị thành niên, kiến thức pháp luật còn hạn chế. Sự thiếu thốn hơi ấm gia đình, thiếu sự quan tâm lẫn nhau là một trong những nguyên nhân khiến các bị cáo phát triển lệch lạc, dẫn đến việc phạm tội”. Mong sao, các cặp vợ chồng ý thức được hậu quả từ sự đổ vỡ hôn nhân sẽ khiến con cái tổn thương về mặt tinh thần; mong sao các ông bố bà mẹ luôn đáu đáu được trách nhiệm quan tâm, giáo dục con cái để các em không sa vào con đường hư hỏng, phạm pháp. Chỗ ở của các em phải là ngôi nhà ấm áp chứ không phải song sắt nhà tù…