Trận Điện Biên Phủ và quy luật trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 09:48, 03/02/2014
Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến dịch với Bác Hồ
Vừa truyền thống vừa hiện đại
PV: Thưa GS, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nước ta là một nước nhỏ đã nhiều lần phải chống lại quân xâm lược của những nước lớn, qua thành bại của những cuộc kháng chiến cứu quốc đó, cha ông ta đã để lại tư tưởng, nghệ thuật quân sự gì?
GS Phan Huy Lê: Lịch sử nước ta kể từ khi hình thành nhà nước đầu tiên thời Hùng Vương, cùng với công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội, mở mang văn hóa là những cuộc chiến chống ngoại xâm rất ác liệt. Chống ngoại xâm không phải là đặc điểm riêng của một nước nào nhưng hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải chống ngoại xâm nhiều lần với tần số và thời lượng lớn như Việt Nam. Không tính những cuộc chiến đấu còn mang tính huyền thoại thời Hùng Vương mà sử học chưa chứng minh được, kể từ cuộc kháng chiến chống quân Tần cuối thế kỷ III TCN đến những cuộc kháng chiến vừa kết thúc trong thế kỷ XX, chúng ta đã phải trải qua 17 cuộc kháng chiến.
Với đặc điểm là một dân tộc nhỏ chống lại các cuộc xâm lăng của các nước lớn mạnh hơn ta nhiều lần, dân tộc Việt Nam đã sớm xác lập tư tưởng quân sự “dĩ đoản binh chế trường trận” (Trần Quốc Tuấn), “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” (Nguyễn Trãi), dựa trên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện chiến tranh nhân dân.
Trong tư tưởng chỉ đạo đó, dân tộc ta tránh quyết chiến với đối phương lúc ưu thế binh lực thuộc về quân xâm lược. Chỉ sau khi đã thay đổi được tương quan lực lượng, tạo nên lực, thời và thế thuận lợi, quân ta mới tổ chức quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi quyết định trên chiến trường để mở đường cho biện pháp ngoại giao, chính trị, kết thúc chiến tranh. Chúng ta thấy điều đó lặp đi, lặp lại như một quy luật trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
PV: Quy luật đó dường như hoàn toàn trùng khớp với trận Điện Biên Phủ năm 1954, thưa GS!
GS Phan Huy Lê: Đúng như vậy. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp suốt 9 năm (1945-1954), đứng vị trí thứ 14 trong 17 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Tuy nhiên, so với những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta thì Điện Biên Phủ nổi bật hai đặc điểm quan trọng. Trước hết, đó là trận quyết chiến mà cả hai phía đều chấp nhận, biết trước và ra sức chuẩn bị để quyết tâm giành thắng lợi và đặc điểm thứ hai là ta thay đổi cách đánh, chuyển từ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
PV: Xin GS cho biết vì sao việc hai bên chấp nhận trận này lại là một đặc điểm, khác biệt so với các trận đánh trong lịch sử đất nước?
GS Phan Huy Lê: Trong lịch sử, trận Bạch Đằng năm 938 ta chặn đánh đoàn chiến thuyền Nam Hán từ biển vào; trận Bạch Đằng năm 1288 đánh đoàn chiến thuyền Nguyên Mông rút lui về nước; rồi trận sông Như Nguyệt năm 1077 tấn công vào doanh trại phòng ngự của quân Tống; trận Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 đánh đoàn quân tiếp viện của quân Minh trên đường tiến về thành Đông Quan (Hà Nội), trận Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785 ta đánh quân Xiêm trên đường vận động định tấn công vào chỉ huy sở quân Tây Sơn; trận Ngọc Hồi – Đống Đa đánh thẳng vào hệ thống phòng ngự của địch ở phía Nam Thăng Long. Những trận đánh đó quân ta đều giành thế chủ động cả về không gian và thời gian, bí mật bài binh bố trận, ngược lại thì địch hoàn toàn bị động, bất ngờ. Nhưng trận Điện Biên Phủ là trận quyết chiến trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, cả hai bên đều xác định trước.
GS Phan Huy Lê
Điện Biên Phủ - trận đối đầu lịch sử
PV: Tại sao phía ta lại chọn Điện Biên Phủ là trận quyết chiến?
GS Phan Huy Lê: Từ tháng 4/1953, sau khi địch rút khỏi Nà Sản, Bộ Tổng tham mưu trong chủ trương phá kế hoạch tập trung binh lực cơ động của Henri Navarre, đã đưa ra kế hoạch tác chiến gồm 4 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ thứ 4 là tăng cường hoạt động lên hướng Tây Bắc (Lai Châu), Thượng Lào. Bộ Chính trị trong phiên họp tháng 10 tại Tỉn Keo (Định Hóa, Thái Nguyên), đã xem xét kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của Tổng quân ủy, xác định nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và tác chiến, đồng thời thông qua hướng hoạt động lấy Tây Bắc làm chính, các hướng khác là phối hợp.
Sau khi địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20-11, Tổng quân ủy đã nhận định âm mưu của địch và cử ngay cơ quan tiền phương lên Tây Bắc chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch Điện Biên Phủ, một số đơn vị tham gia chiến dịch đã lên đường. Ngày 6/12/1953, Tổng quân ủy trình Bộ Chính trị “Phương án tác chiến mùa xuân năm 1954” gồm bốn phần như tình hình quân địch, binh lực sử dụng và thời gian tác chiến, nhu cầu nhân lực, vật lực, kế hoạch đường sá vận chuyển. Bộ Chính trị đã thông qua phương án với dự kiến địch sẽ “tăng cường thành tập đoàn cứ điểm” thì “trận Điên Biên Phủ sẽ là trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay”. Kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị phê duyệt. Tháng 12/1953 Bộ Chính trị chỉ định Đảng ủy mặt trận và Bộ chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bí thư Đảng ủy và Chỉ huy trưởng chiến dịch. Như vậy là Việt Nam đã chọn Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát mặt trận
PV: Thưa GS, vì sao phía Pháp cũng chọn Điện Biên Phủ?
GS Phan Huy Lê: Ngày 19/5/1953, Đại tướng Henri Navarre được cử làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương thay Roaul Salan. Sau khi nghiên cứu tình hình, Navarre đưa ra kế hoạch tác chiến gồm hai giai đoạn, chiến cục 1953-1954 phòng thủ ở phía Bắc, tấn công ở miền Trung và Nam Đông Dương và chiến cục 1954-1955 sau khi đạt ưu thế quân cơ động sẽ tiến công ở phía Bắc rồi đưa ra giải pháp kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên, kế hoạch của Navarre không thực hiện được phần vì Pháp khó khăn về tài chính, phần vì phía ta buộc địch phải phân tán lực lượng.
Cuối tháng 10/1953 nhận thấy quân ta đánh theo hai hướng, một là miền núi phía Bắc và Thượng Lào, hai là miền Trung Đông Dương, Navarre quyết định mở cuộc hành quân Hải Ly (Castor) đánh chiếm Điện Biên Phủ với Chỉ thị ngày 2-11 và thực hiện từ ngày 20/11 bằng đường hàng không, mặc dù có một số tướng lĩnh Pháp phản đối. Điện Biên Phủ nhanh chóng được xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh từ 5-6 tiểu đoàn có thể lên 10-12 tiểu đoàn.
PV: Ngoài khía cạnh bị động do ta đánh lên phía Bắc và Thượng Lào, là một nhà quân sự lão luyện chắc hẳn Navarre cũng có tính toán để Điện Biên Phủ mang lại cho phía Pháp ưu thế nào đó chăng?
GS Phan Huy Lê: Đúng là Pháp cũng có tính toán của họ. Trong dự tính của Navarre, Điện Biên Phủ sẽ là nơi quân Pháp khống chế được cả vùng Tây Bắc và bảo vệ được Thượng Lào và nó sẽ như cái “nhọt hút độc” thu hút và kìm chân toàn bộ quân chủ lực của Việt Minh, tạo thế cân bằng trên toàn Đông Dương. Do đó, trong Chỉ thị ngày 3/12/1953, Navarre tuyên bố “tôi quyết định chấp nhận giao chiến ở Tây Bắc”. Quyền chỉ huy chiến dịch được giao cho tướng Gilles, chỉ huy quân dù ở Đông Dương, sau đó giao cho Đại tá De Castries (từ ngày 8/12). De Castries vốn là một sĩ quan thiết giáp, đã từng chiến đấu ở Ý, Pháp, Đức và đã có hai lần tham chiến ở Bắc Bộ mà Navarre “đánh giá cao khả năng quân sự” của Castries. Tiếp đó Castries được phong Thiếu tướng.
Như vậy là với tầm nhìn chiến lược và các tính toán khác nhau nhưng cả hai bên tham chiến cho đến đầu tháng 12/1953 đều chấp nhận giao chiến tại Điện Biên Phủ. Vì vậy mà chúng tôi cho rằng đây là đặc điểm xuất hiện lần đầu tiên trong các trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam. Đặc điểm này phản ánh tính hiện đại của cuộc chiến tranh khi mà các phương tiện thông tin và do thám hiện đại cho phép mỗi bên có thể theo dõi được các cuộc chuyển quân lớn của đối phương.
Xe thồ ở mặt trận Điện Biên Phủ
Nghệ thuật quân sự
PV: Thưa GS, trận đánh mà hai bên cùng chọn và có sự chuẩn bị thì thắng bại không do yếu tố bất ngờ nữa mà do binh lực, tài thao lược, là nghệ thuật quân sự của mỗi bên. Trong trận Điện Biên Phủ nghệ thuật quân sự của ta đáng chú ý nhất là điều gì?
GS Phan Huy Lê: Nghiên cứu trận Điện Biên Phủ, ai cũng nhận biết một đặc điểm nổi bật, đó là thay đổi cách đánh của phía Việt Nam, chuyển phương châm chỉ đạo tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
PV: Vì sao ban đầu ta đưa ra phương châm chỉ đạo tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh”, thưa GS.
GS Phan Huy Lê: Ngày 26/11/1953, bộ phận tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh lên đường đi Tây Bắc, gồm tướng Hoàng Văn Thái – Tổng tham mưu phó và một số sĩ quan cao cấp như Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Đặng Kim Giang – Phó Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp (đã đi trước), Đỗ Đức Kiên – Cục phó Cục tác chiến. Cùng đi còn có Cố vấn tham mưu Trung Quốc là Mai Gia Sinh và Hoàng Minh Phương – Trưởng đoàn cán bộ phiên dịch. Ngày 6/12 đoàn đến Sở chỉ huy tiền phương. Trên đường đi đoàn đã nghiên cứu tập đoàn cứ điểm do Salan xây dựng mà năm trước ta đánh không thành công. Khi đó quân địch ở Lai Châu lại rút về Điện Biên Phủ... Trên cơ sở phân tích tình hình, địch đang ở trạng thái lâm thời phòng ngự, chưa có công sự vững vàng nên ta đưa ra phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” bằng sức mạnh hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh. Đó là cách đánh mà chuyên gia Mai Gia Sinh gọi là “Oa tâm tạng chiến thuật”, nghĩa là chiến thuật moi tim, như thanh gươm đâm thẳng vào tim, tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu, rồi từ trong đánh ra, ngoài đánh vào, tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn.
PV: Nhưng trong thời gian ta chuẩn bị tấn công thì địch cũng đã củng cố được cứ điểm, tăng cường thêm binh lực...
GS Phan Huy Lê: Đúng thế, khi đó binh lực của địch ở Điện Biên Phủ đã tăng lên 10 tiểu đoàn bộ binh, có 16 pháo 105, sở chỉ huy, trận địa pháo, một số cứ điểm đang tiếp tục xây dựng, sân bay Mường Thanh được sửa chữa và có 6 máy bay tiêm kích F8F Bearcats.
PV: Thưa GS, diễn biến việc thay đổi phương châm đó như thế nào?
GS Phan Huy Lê: Ngày 5/1/1954 Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh và bộ phận nhẹ của Bộ chỉ huy chiến dịch lên đường ra mặt trận. Sáng 12/1, nghe tướng Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định “ngay bây giờ đánh nhanh đã khó. Rồi đây hẳn càng khó” và chỉ đạo tìm hiểu thêm tình hình.
Tối hôm đó Đại tướng trao đổi với cố vấn Vi Quốc Thanh và Hoàng Minh Phương. Cả hai đều tán đồng phương án đánh nhanh thắng nhanh. Cân nhắc băn khoăn của Võ Nguyên Giáp, Vi Quốc Thanh nói: “Nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vững, để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự thì không đánh được, ta sẽ bỏ mất thời cơ”.
Với tất cả tài năng và sự nhạy bén của một vị Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận thấy phương án đánh nhanh, thắng nhanh là “quá mạo hiểm” nhưng mới đến mặt trận, chưa hội đủ cơ sở thực tế để bác bỏ. Hơn nữa phương án này lại được Đảng ủy mặt trận và các cố vấn nhất trí tán thành, quân sĩ đang trong khí thế và quyết tâm cao nên Đại tướng đứng trước một tình thế khó xử, có thể nói là đơn độc, nên phải tạm thời triển khai phương án.
PV: Phương án cụ thể đó như thế nào, thưa GS.
GS Phan Huy Lê: Dự kiến trận đấu diễn ra trong 2 ngày 3 đêm, giờ nổ súng khai hỏa là 17 giờ ngày 20/1. Trong lúc đó Đại tướng chỉ thị cơ quan tham mưu theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình địch và thúc đẩy chuẩn bị về mọi mặt, nhất là việc kéo pháo vào trận địa. Đoạn đường kéo pháo bằng tay vào trận địa khá dài, qua dốc cao vực thẳm, có dốc đến 60 độ, trong lúc máy bay địch luôn cản trở nên dự địch kéo pháo trong 3 đêm mà sau 7 đêm pháo vẫn chưa vào đến trận địa. Toàn bộ sư đoàn 312 giúp kéo pháo mà trong 6 đêm chỉ tiến được 12km. Thời gian nổ súng được lùi lại 5 ngày.
Trong khi đó, địch đã tăng lên 12 tiểu đoàn và một tập đoàn cứ điểm kiên cố đã hình thành, nhưng do khí thế quân sĩ dâng cao nên không mấy ai dám nói đến khó khăn... Một chiến sĩ ta bị địch bắt cho biết điện đài của địch đã thông báo ngày giờ ta nổ súng tấn công, vậy là kế hoạch đã bị lộ nên thời điểm khai hỏa lùi thêm 24 giờ, tức là 26/1. Sau 11 ngày đêm suy tính, có thể nói đêm 25/1 Đại tướng Võ Nguyên Giáp trăn trở không chợp mắt và đi đến quyết định quan trọng là phải thay đổi cách đánh vì địch đã không còn lâm thời phòng ngự và phía ta có nhiều khó khăn chưa được bàn tính kỹ để khắc phục. Sau này, trong hồi ký của mình Đại tướng gọi đó là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy”.
Chúng ta biết rằng, trong Hội nghị 4 của Ban chấp hành TƯ khóa II họp tại Tỉn Keo từ ngày 25 đến 30/1/1953 cũng đã xác định: “Ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng thì tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều nên, nên nói chung chỉ có thắng không được bại, vì bại là hết vốn”. Bác Hồ cũng đặc biệt căn dặn: “Phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh”.
PV: Phía cố vấn Trung Quốc có ý kiến thế nào, thưa GS.
GS Phan Huy Lê: Sau khi quyết định như vậy, sáng 26-1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nắm ngải cứu đắp trên trán vì đau đầu, đã đi cùng Hoàng Minh Phương sang gặp Vi Quốc Thanh. Sau nửa giờ trao đổi, phân tích tình hình, Vi Quốc Thanh đã nhất trí với nhận định của Đại tướng và đồng ý hoãn cuộc tấn công, chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Bộ đội ta được lệnh kéo pháo ra. Trận quyết chiến Điện Biên Phủ được chuẩn bị lại theo phương án mới và đi đến chiến thắng ngày 7-5-1954, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương với 21 tiểu đoàn phòng ngự, được đánh giá là “pháo đài khổng lồ bất khả công phá”.
De Castries và Bộ chỉ huy ra hàng ngày 7/5/1954
Bài học lịch sử
PV: Thưa GS, về phương diện sử học, thời gian cũng đã lùi xa để có những nhận định, đánh giá mới, việc thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ để lại cho chúng ta kinh nghiệm gì, nếu không thay đổi cách đánh thì hậu quả sẽ như thế nào?
GS Phan Huy Lê: “Đánh nhanh, thắng nhanh” được đưa ra, có sự tham mưu của cố vấn Mai Gia Sinh dựa trên cơ sở khảo sát “con nhím Nà Sản” và tận dụng thời cơ quân địch mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu thốn. Phương án đã không lường hết được việc địch tăng cường binh lực, xây dựng trận địa cũng như những hạn chế, khó khăn của ta. Do đó, nếu vẫn áp dụng phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” thì rất mạo hiểm và chắc chắn là sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng của một trận quyết chiến chiến lược thất bại.
Sau này, nhà Việt Nam học người Pháp Georges Boudarel đã tham gia cuộc kháng chiến 1945-1954, là người đầu tiên nhận ra hậu quả của cách “đánh nhanh thắng nhanh” trong bài “Tướng Giáp suýt thất bại ở Điện Biên Phủ” đăng trên Tạp chí Nouvel Observateur ngày 8/3/1983.
Đại tướng thăm hầm chỉ huy của De Castries năm 1984
PV: Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ được đánh giá thế nào trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, thưa GS.
GS Phan Huy Lê: Kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến thắng Điện Biên Phủ là một bước kế thừa và phát triển tất cả những truyền thống chống ngoại xâm cùng với di sản tư tưởng và nghệ thuật quân sự cũng như bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tất nhiên trong bối cảnh mới của đất nước và thế giới, cuộc kháng chiến chống Pháp mang những đặc điểm mới và biểu thị nhiều sáng tạo, nhiều biến đổi lớn về phương diện tổ chức và lãnh đạo chiến tranh, phương diện diễn tiến của chiến tranh. Thành công lớn của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là nguyên nhân sâu xa của chiến thắng là đã biết kế thừa và phát huy những di sản lịch sử - văn hóa của dân tộc, kết hợp với những tư tưởng tiên tiến của thời đại, không những phát huy mọi tiềm lực trong nước mà còn tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Pháp.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.
Nguyễn Phan Khiêm