Giết người, trước tòa vẫn không hiểu mình phạm tội gì

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 17:06, 08/04/2015

Chỉ vì mâu thuẫn khi thách nhau vật tay để đi mua rượu nhậu tiếp, Thân đã "lỡ tay" giết chết Nhân. Đáng buồn là trước toà, bị cáo này không hề nhận thức được mình phạm trọng tội phải ngồi tù.

Một lít rượu đổi một mạng người

Phiên tòa xét xử bị cáo Cao Văn Thân (người dân tộc Rắc Lây, SN 1996, trú thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) còn chưa bắt đầu, nhưng từ rất sớm bà con người dân tộc ở huyện miền núi huyện Khánh Vĩnh đã lặn lội kéo xuống Nha Trang để nghe tòa phân xử. Sự lo âu, nỗi đau và sự mất mát là những sắc thái tình cảm lộ rõ trên khuôn mặt những người thân của hai bên gia định bị cáo và bị hại đến tham dự phiên toà. 

Theo hồ sơ thể hiện, chiều tối ngày 15/9/2014, Thân, Cao Đình Nhân, Cao Văn Việt, Cao Trọng Biên, Cao Văn Tuấn cùng trú tại thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh, tổ chức uống rượu tại nhà Tuấn. Uống rượu đến 23h30’ thì hết rượu nên Nhân rủ mọi người vật tay, ai thua thì đi mua 1 lít rượu về uống tiếp. Sau đó, Nhân vật tay với Tuấn; Biên vật tay với Việt, còn Thân ngồi làm trọng tài, thấy Nhân vật tay thua Tuấn thì Thân nói: “anh Nhân thua thì đi mua rượu uống” nghe vậy thì Nhân chửi “Đ. Má mày đi mua đi”, Thân nói “anh không được chửi má tui nha”, cho rằng Thân nhỏ tuổi hơn mà dám hỗn láo với mình, Nhân lao vào túm cổ áo dùng tay đánh vào mặt Thân 3 cái.

Thấy xảy ra xô xát Việt, Tuấn và Biên đã can ngăn không cho hai người lao vào nhau nữa, thì Thân bỏ đi về nhà cách đó 20m. Ai cũng nghĩ mọi chuyện sẽ dừng lại ở đó nào ngờ, Thân về nhà lấy một thanh kim loại đầu nhọn dài khoảng 20cm (dùng để bẫy gà rừng), chạy sang đâm 1 nhát vào vùng hông phải của Nhân, lúc đó đang đứng ở sân nhà Tuấn. Bất ngờ bị đâm đau, Nhân bỏ chạy thì Thân đuổi theo đâm vào lưng Nhân thêm 1 nhát nữa. Sau đó, Nhân chạy được 60m nữa thì ngã xuống và tử vong.

Giết người, trước tòa vẫn không hiểu mình phạm tội gì

Bị cáo Cao Văn Thân trước vành móng ngựa

Sau khi đâm Nhân thì Thân bỏ về nhà rồi qua lại nhà Tuấn nói Tuấn chở xuống thị trấn Diên Khánh nhậu tiếp. Khi vừa đến quán nhậu thì nghe tin Nhân chết, Tuấn chở Thân đến Công an xã Khánh Đông đầu thú, nộp thanh kim loại đã dùng đâm Nhân và khai nhận toàn bộ hành vi của mình.

Cái giá phải trả cho sự thiếu hiểu biết

Cúi đầu trước vành móng ngựa, Thân thừa nhận chính mình là thủ phạm gây ra cái chết cho anh Nhân chứ không phải ai khác. Ngoài ra, nhắc đến chuyện gì Thân cũng bảo “không biết”, “không hiểu”, thậm chí, không biết cả VKSND tỉnh Khánh Hòa truy tố mình về tội gì?. Điều này khiến không ít người thấy day dứt trước câu chuyện về nhận thức pháp luật ở một vùng quê miền núi. 

Trong phần thủ tục, chủ tọa hỏi bị cáo đã nhận được cáo trạng chưa, đã đọc chưa, có đồng ý với nội dung truy tố không?, bị cáo đã ngớ người một lúc rồi nói không hiểu truy tố là sao.

Vị chủ tọa hỏi:

 - Bị cáo có biết đọc không? 

Bị cáo lắc đầu. 

Vị chủ tọa nghiêm giọng:

- Trong hồ sơ ghi bị cáo học lớp 3 sao không biết đọc?

- Hồ sơ ghi lớp 3, nhưng thực tế bị cáo chỉ học lớp 1; 2 lớp sau đi học nhưng không biết gì, thấy học không vào nên bỏ đi làm rẫy, bỏ học lâu rồi, cái chữ cũng không nhớ nữa.

Lúc này, vị chủ tọa mới bảo bị cáo kể lại sự việc hôm đó xảy ra như thế nào, thì Thân cũng kể lại câu chuyện như đã nêu trong cáo trạng. Theo bị cáo vì quá bức xúc do bị Nhân đánh đau nên đã về nhà lấy một thanh kim loại dùng để bẫy gà rừng sang lại nhà anh Tuấn để rửa hận, chứ bị cáo không nghĩ là sẽ đâm chết Nhân.

Nghe Thân thuật lại sự việc, mẹ của bị hại Nhân gục đầu khóc nức nở. Tòa hỏi có đáng để bị cáo làm như vậy không thì Thân dõng dạc trả lời "có!", làm vị chủ tọa lại phải tiếp tục giải thích để cho bị cáo này hiểu thế nào là hành vi cố ý tước đoạt mạng sống của người khác.

Trước đó, khi tống đạt cáo trạng cho bị cáo, kiểm sát viên cũng phải giải thích rất nhiều vì bị cáo không hề hiểu gì. Thậm chí, người đọc giùm phải giải thích kiểu dân dã: “Nghĩa là mày đâm chết người, người ta bắt mày tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, mày thích đoạn nào?”, Thân tỏ ra “hiểu biết”: “Chẳng thích đoạn nào, đoạn nào cũng phải đi tù”.

Giết người, trước tòa vẫn không hiểu mình phạm tội gì

Vợ và con bị hại tại tòa.

Do là con của người mẹ thứ hai (nhưng cũng mất đã lâu), cha lại già nên Thân có phần thiệt thòi do sự giáo dục của gia đình hạn chế. Vì vậy, khi người khác chửi động đến mẹ mình, bị cáo bức xúc, không kiềm chế được. Bị cáo cũng khiến nhiều người vừa bực, vừa buồn cười khi nghe câu trả lời của mình: “Bị cáo có hối hận, vì phải đi tù”.

Trả lời câu hỏi của Tòa về việc có bổ sung gì thêm sau khi luật sư bào chữa cho mình không, Thân chỉ có một câu: “Bị cáo không hiểu”. Rồi bị cáo lại im lặng rất lâu như để suy nghĩ kỹ. Trước khi Tòa nghị án bị cáo đã bất ngờ nói: “Bị cáo không biết gì để nói, nhưng mà nói rồi có được nói tiếp nữa không?”. 

Đáng buồn hơn khi tình trạng tương tự cũng xảy ra với những người liên quan vụ án tại phiên toà. Trong phần giải quyết trách nhiệm dân sự, cha bị hại sang sảng đề nghị Tòa phân xử cho bị cáo nuôi cháu nội của ông. Nhưng cả nhà ông chẳng ai trình ra được tờ giấy chứng nhận kết hôn của con ông với người phụ nữ đi cùng ông bà. Cha mẹ bị hại chỉ biết cam đoan cô này đúng là con dâu của họ, tuy không có xác nhận của xã nhưng “cả thôn đều biết”. Trong khi đó, đứa trẻ 4 tuổi của cô này mới được làm khai sinh sau khi người bị hại chết, tuy nhiên, trên giấy khai sinh lại không ghi tên cha.

Toà phải phân tích, dù cha mẹ bị hại có cam đoan rằng người phụ nữ ấy là con dâu, thì cũng chưa đủ căn cứ để khẳng định đứa con mà cô này sinh ra là cháu nội của ông bà, con ruột của người bị hại. Vì thế, không thể yêu cầu bị cáo cấp dưỡng, đó là chưa kể tiền bồi thường tổn thất tinh thần cũng cần cân nhắc đến việc cô này có được hưởng hay không. Nghe giải thích vậy, cha bị hại than trời rồi cho biết, năm 2011, con dâu ông sinh con, khi đó, con trai ông bà còn sống nhưng chẳng nghĩ đến chuyện làm khai sinh. Sau này, khi con trai đã chết mới đi làm khai sinh, nhưng người làm khai sinh không ghi tên, ông hỏi thì người này bảo “chết rồi, còn ghi vào làm gì”. Lúc đó, ông thấy cũng có lý, ngờ đâu bây giờ cháu nội ông bị thiệt thòi. 

Cuối cùng sau khi nghị án, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt bị cáo Cao Văn Thân 15 năm tù về tội giết người. Ngoài ra, tòa còn buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 78.125.000 đồng.

Mặc dù trình độ của người dân miền núi đang từng ngày được cải thiện, nâng cao, tuy nhiên, tại phiên tòa này, vẫn cho thấy ở đâu đó, người dân và cả người thực thi nhiệm vụ còn hạn chế trong nhận thức pháp luật. Câu chuyện chở chữ lên non, gánh luật lên núi xem ra cũng còn nhiều gian nan.

Hoàng Thiên Lý