Nỗi đau của những người mẹ có con mang tội giết người

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 10:38, 10/12/2014

Chứng kiến con mình đứng trước vành móng ngựa, mỗi bà mẹ biểu hiện cảm xúc một cách khác nhau. Có bà chỉ đứng yên mà khóc, có bà ngất xỉu, có bà kêu gào, phản ứng dữ dội.

Bà Trương Thị M. (quận 10, TP.HCM) không dám bước vào khán phòng của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM chứng kiến phiên tòa xét xử con trai bà, Nguyễn Quang Mạnh (SN 1985). Nghẹn ngào, bà cho biết, hai vợ chồng kết hôn hơn 30 năm. Ở với nhau được một cậu con trai, bà chăm bẵm từng bữa cơm, giấc ngủ, mong con lớn lên ngoan hiền, sống tốt.

Nỗi đau của những người mẹ có con mang tội giết người

Mạnh nhận án tử hình

Vì cuộc sống kinh tế gia đình quá khó khăn, sợ nuôi con không đầy đủ, ông bà không dám nghĩ đến chuyện sinh thêm đứa nữa. Do đó, trong căn nhà nhỏ, Mạnh trở thành quý tử của ông bà. Do bận cơm áo gạo tiền, vợ chồng bà ít quan tâm con. Bà không thể ngờ, chỉ một chút lơ là của mình đã khiến con rơi vào cảnh hư hỏng. Năm lên lớp 6, Mạnh thông báo sẽ nghỉ học. Vợ chồng bà nhỏ nhẹ khuyên nhủ có, lớn tiếng, đánh đập có. Nhưng, cuối cùng, cả hai đành bất lực nhìn con bỏ học.

Ở nhà, Mạnh chơi bời cùng bạn bè, không đi làm kiếm tiền nuôi thân. Năm 20 tuổi, Mạnh bị tập trung vào cơ sở giáo dục trong thời hạn 2 năm về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý gây thương tích”. Nghe tin, bà M. rụng rời tay chân, nhưng bà tự động viên mình, có thể, vào đó ra, con bà sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Đó vẫn là tâm nguyện của người mẹ.

Thế nhưng, mong ước của bà M. đã tan vỡ khi Mạnh vừa được trở về hòa nhập cộng đồng đã tụ tập với đám bạn cũ. Sau đó không lâu, bà lại hay tin con trai dính vào con đường nghiện ngập. Nhiều lần, Mạnh ngửa tay xin tiền mua thuốc để thỏa cơn nghiện. Dặn lòng không cho, nhưng thương con, người mẹ lại rút ví.

Về sau, bà không cho tiền nữa. Lợi dụng lúc cha mẹ vắng nhà, Mạnh lấy vật dụng trong nhà đi bán. Chỉ một thời gian, trong nhà không còn bất kì vật gì đáng tiền. Nhiều lần, bà M. bị hàng xóm phàn nàn việc Mạnh thường “xin đểu”. Hai năm trước, Mạnh dẫn một thiếu nữ về nhà giới thiệu là bạn gái. Mạnh là con trai duy nhất, bà cũng mong có cháu ẵm bồng. Tuy nhiên, nghĩ lại, thấy Mạnh không công việc, lại nghiện ngập, nếu có con thì lấy gì để nuôi nấng. Do đó, bà khuyên Mạnh không nên kết hôn. Thế nhưng, sau đó không lâu, Mạnh thông báo, bạn gái đã có thai. Từ đó, vợ chồng bà lại phải nuôi thêm một người. Điều bà xót xa là ngay sau sinh con, vì không chịu đựng được cảnh Mạnh nghiện ngập nên cô “con dâu” đã bỏ đi, bà phải cưu mang luôn đứa cháu.

Chiều 4/10/2013, sau khi hít keo chó, dùng ma túy đá rồi đi “xin đểu”, Mạnh ra tay sát hại chị Lê Thị Mỹ Nguyệt (16 tuổi, sống cùng khu chung cư). Chị Nguyệt bị người yêu ruồng bỏ và mới sinh con chưa tròn 20 ngày.

Tại phiên sơ thẩm, Mạnh bị tuyên án tử hình về hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Bà biết con mình phạm tội rất nặng. Tuy nhiên, là một người mẹ, bà vẫn đặt niềm tin vào phiên tòa phúc thẩm là con trai sẽ được giảm án. Đầu tháng 12/2014, phiên tòa phúc thẩm diễn ra, một lần nữa, bà bất lực khi vị chủ tọa tuyên y án.

Nỗi đau của những người mẹ có con mang tội giết người

Bà M. đau đớn, xót xa khi nghe tin con lãnh án tử hình

Ăn vạ, đòi tự tử khi con bị tăng án

Trước đó chưa lâu, cũng tại phiên Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM, một người mẹ khác đã gây náo loạn trong phiên xét xử con trai của mình. Hôm đó, bị cáo Nguyễn Thế Sơn (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) thừa nhận hành vi đã gây ra.

Nỗi đau của những người mẹ có con mang tội giết người

Sơn bị tăng lên án chung thân

Tối 4/8/2013, Sơn cùng em họ và một người tên Tuấn (chưa rõ lai lịch) ngồi uống nước thì thấy anh Đinh Kim Hoàng chạy xe ngang qua. Sơn nhớ lại việc trước đó bị anh Hoàng đánh nên rủ hai người ngồi cùng rượt theo. Sơn rượt vào tận phòng trọ của anh Hoàng. Lúc này, Hoàng lấy một con dao rồi nấp sau cánh cửa.

Tuấn xông vào, dùng roi điện chích vào người khiến Hoàng làm rơi con dao. Sơn lao đến, nhặt con dao, đâm Hoàng tử vong. Sau đó, Sơn bỏ trốn. Hai ngày sau, biết chắc chắn không thể cứ trốn chui trốn lủi như thế được nên Sơn quyết định ra đầu thú.

Với hành vi trên, Sơn bị TAND TP.HCM tuyên phạt mức án 20 năm tù giam về tội “Giết người”. Sơn viết đơn kháng cáo xin giảm án. Nhưng không ngờ bị VKS ký quyết định kháng nghị tăng hình phạt lên mức chung thân. Mẹ Sơn thật sự bất ngờ khi hay tin. Trong phiên tòa phúc thẩm, bà ngồi yên và khóc. Bà hy vọng chủ tọa sẽ không chấp nhận yêu cầu của VKS. Tuy nhiên, sau giờ nghị án, bà đã chết lặng khi nghe tin chủ tọa bác đơn của Sơn và quyết định tăng hình phạt lên chung thân.

Nỗi đau của những người mẹ có con mang tội giết người

Mẹ Sơn ăn vạ, đòi chết khi con bị tăng án

Xót xa, bà không giữ được bình tĩnh, thấy con trai được lực lượng công an viện dẫn vào phòng lưu phạm, bà la hét, phản ứng dữ dội, ầm ĩ cả một góc tòa mặc cho lực lượng bảo vệ ra sức khuyên can.

Thấy bóng con khuất dần sau cánh cửa, bà lật đật chạy xuống sân tòa. Trong tích tắc, bà nằm ngửa ngay trước bánh chiếc xe bít bùng. Bà không chịu được việc con trai bị tăng án. Bà yêu cầu tòa giảm án cho con mình. Dường như, lòng thương con của người mẹ khiến bà quên rằng, con trai bà là kẻ đã cố tước đoạt mạng sống của người khác. Bà chỉ nghĩ đến nỗi đau của mình mà quên đi nỗi đau mất con của gia đình bị hại.

Do mọi việc diễn ra quá bất ngờ, phía gia đình bị cáo phản ứng quá gay gắt, cảnh sát tư pháp đành dẫn Sơn về trại tạm giam bằng lối sau. Trong khi đó, dưới ánh nắng chói chang, bên chiếc xe bít bùng, mẹ Sơn vẫn khóc, vẫn thét cho nỗi xót xa của mình.

XÓT XA, MỦI LÒNG KHI THẤY MẸ BỊ CÁO KHÓC LÓC, ĂN VẠ

Một vị thẩm phán cho biết, mỗi khi tham gia xét xử bất kỳ phiên xử nào, ông cũng đều gặp rất nhiều áp lực. Lắm khi, thấy mẹ của bị cáo khóc lóc, ăn vạ, ông cũng cảm thấy xót xa, mủi lòng. Tuy nhiên, trước hết, ông cũng như nhiều đồng nghiệp khác phải làm việc theo pháp luật.

 

Quỳnh Lâm