Cô giáo vì sĩ diện phải trả giá 8 năm tù

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 19:59, 27/10/2014

Đứng trước vành móng ngựa, nhìn khuôn mặt phúc hậu với dáng người nhỏ nhắn, hồi lâu lại đưa cánh tay lau vội những giọt nước mắt trực tuôn trào. Không ai nghĩ, người đang đứng trước tòa ấy lại là một cô giáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cô giáo vì sĩ diện phải trả giá 8 năm tù

Bị cáo Nguyễn Đức Lưu Giang trước vành móng ngựa

Từ cô giáo… trở thành kẻ lừa đảo

Nguyễn Đức Lưu Giang (SN 1969, trú thôn Phụng Cang, xã Ninh Hưng, TX Ninh Hòa) vốn là cô giáo dạy cấp hai ở một trường ngoài thị xã Ninh Hòa của tỉnh Khánh Hòa mới đây đã bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hồ sơ vụ án thể hiện, do cần tiền tiêu xài cá nhân và trả nợ cho các khoản vay từ trước, nên Giang đã gặp những người quen biết, trong đó, có đồng nghiệp và một số phụ huynh, nói dối là cần tiền để mua bán cà phê tại Công ty café cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Đăk Lăk, số 228 Hoàng Diệu, TP Buôn Mê Thuột, nên mọi người tin là thật đã cho Giang vay tiền, vàng để đầu tư làm ăn.

Theo đó, từ tháng 7 đến tháng 10/2010, Giang vay nợ của 10 bị hại, tổng số tiền Giang chiềm đoạt lên tới 794.160.000 đồng. Trong đó, Giang đã trả lãi cho một số người là 336 triệu đồng.  

Sau khi chiếm đoạt số tiền trên, vào tháng 10/2012, Giang bỏ trốn khỏi địa phương

Ngày 4/3/2014, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định truy nã đối với Giang.

Ngày 12/3/2014, Giang đến Công an tỉnh Khánh Hòa đầu thú. Quá trình điều tra, xác minh tại Công ty café cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Đăk Lăk đã xác định, Giang không giao dịch mua, bán cà phê tại đây. Giang khai nhận số tiền chiếm đoạt được Giang dùng để trả những khoản nợ trước và tiêu dùng cá nhân.

Cái giá phải trả cho sự “sĩ diện”

Tại tòa, khi bước vào phòng xử, Giang ngó trước, ngó sau chỉ thấy có một mình cô con gái đầu trong bốn đứa con đến an ủi mẹ, còn người chồng bao nhiêu năm “đầu ấp tay gối” thì bặt vô âm tín, còn xung quanh là những người bị hại, Giang cúi đầu ngậm ngùi đưa tay dụi khóe mắt, không tránh khỏi hụt hẫng, ngồi một mình trước hàng ghế bị cáo Giang như người mất hồn.

Sau khi nghe vị đại diện VKS công bố cáo trạng, Giang trả lời rành rọt từng câu hỏi của vị chủ tọa.

 - Số tiền vay mượn được Giang dùng để trả lãi, nếu không nói lý do thì người ta không cho mượn, nói buôn cà phê là vì quê Giang ở Đăk Lăk nên nói là người ta tin ngay. Có người bị cáo chỉ nói cần việc riêng tư, việc cá nhân không nói cụ thể như anh Huy bạn đồng nghiệp cho bị cáo vay không lấy lãi… bị cáo mang trả một phần gốc và lãi cho những người mà người ta quá đòi và xiết nợ, cũng do một số người bị hại quá khích đánh bị cáo nên bị cáo sợ mới bỏ trốn. Bị cáo có ăn học thật nhưng lại nghĩ đơn giản, nói dối để mượn cho được tiền, mà không nghĩ là vi phạm pháp luật.

Vị chủ tọa hỏi: Chồng bị cáo không giúp được gì cho bị cáo sao?

 - Những khoản tiền chồng bị cáo làm đưa không đủ trả nợ, bị cáo rất hoảng sợ muốn dừng lại, nhưng bị hại không cho bị cáo dừng lại, do sức ép đó mà bị cáo đi vay tiếp, lừa dối gia đình không nói thật với chồng nên mới có ngày hôm nay.

Lời khai của Giang đã khiến cho những người dự khán ít nhiều xúc cảm: Chồng bị cáo từng là thợ hồ, nay là lái xe. Khi chồng bảo xây nhà lại, vì quá sĩ diện, bị cáo đã vay ngân hàng 50 triệu đồng để góp một phần nhỏ bé vào công việc này. Khoản vay đó, bị cáo đã phải dùng toàn bộ tiền lương của mình để trả. Nhưng bị cáo giấu không cho chồng biết. Không có tiền chi tiêu, bị cáo nghĩ cách vay lãi để trả dần. Nhưng lãi mẹ cứ đẻ lãi con. Thế là bị cáo nghĩ cách vay người quen, phụ huynh học sinh, giáo viên cùng trường... Và cũng từ đó bắt đầu cái vòng luẩn quẩn lừa dối, vay tiền, trả nợ lãi, nợ góp trong khi vẫn phải chi tiêu hàng ngày.

  - Một giáo viên đứng lớp dạy cho bao nhiêu học trò, mà lại đi làm một việc như vậy bị cáo nghĩ như thế nào?

 - Bị cáo không thể giải thích, bị cáo rất hối hận, chỉ vì bị cáo quá “sĩ diện” muốn cho chồng, con nở mặt, nở mày với hàng xóm cũng như để chồng bị cáo không khinh thường bị cáo”.

 - Tài sản của bị cáo còn gì để khắc phục hậu quả cho người ta không?

 - Tài sản không còn gì.

 -  Vậy còn chồng chị thì sao?

Giang, nước mắt ngắn nước mắt dài cho biết:

 - Từ ngày trốn đi đến khi ra đầu thú, bị cáo không tiếp xúc được gia đình, có lần bị cáo gọi điện về cho chồng, chồng bị cáo đã phẫn nộ với hành vi của bị cáo, chửi mắng bị cáo thậm tệ rồi cũng không một lần đến thăm bị cáo, nên bị cáo không biết được. Trong thời gian bỏ trốn vào khu công nghiệp ở Nha Trang, bị cáo vẫn đi buôn bán cà phê cóc để kiếm tiền trả lãi cho người ta, nay bị cáo đi tù, nên chỉ biết sau khi chấp hành xong hình phạt ra tù, mới có thể kiếm tiền trả lại cho người ta.

 - Những người già thì sao trả được, họ có đợi được bị cáo không, người ta dành dụm cả cuộc đời mới có được, mà bị cáo lại lừa người ta, một học sinh của bị cáo mà đi lấy trộm đã xấu rồi, mà bị cáo đi lừa cả người già bị cáo có thấy xấu hổ không?

Lúc này, Giang chỉ biết gục đầu im lặng.

Trong suốt phiên xử, ai cũng gọi bị cáo là “chị Giang” với thái độ ít nhiều đồng cảm. Không chỉ vậy, tất cả những người bị lừa, ít thì 10 triệu đồng, nhiều thì hơn 100 triệu đồng đều tự nguyện khấu trừ phần tiền lãi đã nhận theo thỏa thuận, để bớt số nợ gốc còn lại cho bị cáo. Trong những khoản cho vay, có món tiền được người bị hại dành dụm cả đời, có món tiền do bị hại tin tưởng mà đi vay của người thân, thậm chí vay lãi...

Sau nhiều lần cúi đầu cảm ơn từng bị hại, bị cáo Giang lại khóc. Đó là những giọt nước mắt ân hận trước tình cảm mà các bị hại dành cho một người đã từng lừa dối, phản bội lại sự tin tưởng của họ. Đó còn là nỗi buồn khó nói khi bị cáo trót sai lầm, bằng mọi cách tỏ ra là người giỏi giang, tháo vát trước chồng con, là người phụ nữ thành đạt trong mắt người ngoài.

Trong số 10 người bị hại 9 người Giang đều cúi đầu cảm ơn, chỉ có một người là không, Giang nói: “Tôi mang ơn các bị hại trừ chị Lệ”.

Theo Giang khai thì Lệ gửi con đến nhà chị học, rồi hai người quen nhau. Giang vay của chị Lệ 145 triệu đồng, đã trả lãi 100 triệu đồng, vậy mà chị Lệ còn đánh đập, đe dọa buộc chị phải viết giấy nợ 1 tỷ đồng, rồi bảo để mày có chuyện gì tao kiện mày, làm Giang sợ nên mới bỏ trốn, nay ra tòa, chị Lệ còn yêu cầu bị cáo trả đủ, bị cáo không đồng ý chỉ mong tòa xem xét quyết định.

Sau khi nghị án, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt bị cáo Giang 8 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Án tuyên xong, bị còng tay áp giải đưa ra xe để về trại, Giang quay vội lại nhìn đứa con gái như muốn nhắn nhủ điều gì đó, rồi quay đi trong dòng nước mắt lăn vội xuống đôi gò má.

Giá như bị cáo đừng vì một chút “sĩ diện”, chấp nhận làm một cô giáo có thu nhập khiêm tốn, không cố tỏ ra tháo vát thì mọi chuyện đã khác, song, mọi việc đã quá muộn.

Hoàng Thiên Lý