Bông hoa rừng lạc lối
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 08:59, 26/10/2014
Bông hoa giữa đại ngàn
Mới bước vào tuổi 13, 14 cái tuổi dậy thì, Lô Thị Kim đẹp rực rỡ như bông hoa pơ lây trên đỉnh Đùng Đình quanh năm mây phủ. Vẻ đẹp rực rỡ của Kim làm tan nát biết bao trái tim các chàng trai bản. Đêm đêm, tiếng kèn gọi bạn, tiếng sáo gọi tình luôn réo rắt bao quanh nhà Kim. Bởi vậy, mới 16 tuổi, Kim đã lên xe hoa về nhà chồng cũng là người dân tộc Thái ở bản khe Quỳnh, xã Xiêng My, huyện Tương Dương (Nghệ An).
Ngày ngày, Kim theo chồng lên nương trồng rãy, xuống khe bắt cá, chăm chỉ làm ăn, đầu tắt mặt tối. Thế rồi 3 đứa con lần lượt ra đời làm cho cuộc sống vốn đã khó khăn càng khó khăn thêm. Cho dù có vợ có chồng cùng chung lưng đấu cật nhưng cái nghèo cái đói vẫn len vào từng bữa ăn, đè lên từng giấc ngủ nặng nề khó nhọc.
Cuộc sống cơ cực là vậy nhưng ông trời vẫn không thương, tiếp tục trút tai ương xuống đầu Kim. Chồng Kim lâm bạo bệnh, cuộc sống miền rừng núi khó khăn nên Kim chỉ biết dựa vào thầy mo đuổi tà bắt ma và uống thuốc lá rưng. Vào một đêm rét cắt da cắt thịt, chồng đã bỏ 4 mẹ con ra đi khi Kim mới vừa 23 tuổi. Không thể tả xiết nỗi đau của người vợ trẻ, Kim chết lặng, không khóc được tiếng nào rồi khụy xuống quyết định tự kết liễn cuộc đời trốn thoát nỗi bi ai cơ cực. Kim như người mộng du đưa nắm lá ngón lên miệng, nhưng đúng lúc đó, tiếng khóc ngằn ngặt của đứa con thơ đã làm Kim giật mình vùng dậy bỏ nắm lá ngón xuống. Kim tiếp tục làm lụng nuôi con. Nhưng mảnh đất cỗi cằn sỏi đá không cho các con Kim no cái bụng. Vốn có nhan sắc lại nhanh nhẹn, Kim được một người hàng xóm kèm đi buôn hàng tạp hóa, cất từng mẻ từ xuôi lên chợ huyện miền núi Tương Dương bán.
Lô Thị Kim trước vành móng ngựa
Thói đời là vậy, khi đã ấm cái bụng nhờ cái duyên buôn bán, tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài làng bản, Kim thấy sao nhà mình nghèo thế. Thêm vào đó, mỗi khi về Vinh lấy hàng, các ông chủ hàng ở Vinh cứ nhìn Kim nuốt nước miếng ừng ực. Những bộ quần áo cũ mèn, sự lam lũ bên ngoài không sao che được làn da trắng ngần, đôi môi đỏ thắm, bắp tay bắp chân thon chắc và bộ ngực đầy đặn quyến rũ. Kim bắt đầu quen với những món quà và những lời tán tỉnh.
Tham tiền phạm tội
Thế rồi Kim sa vào lưới tình một tay anh chị chợ Vinh, hắn cho Kim thử một loại thuốc gì đó làm cho Kim đê mê, bay bổng quên hết nỗi bi ai cơ cực ở đời. Kim sa vào ma túy từ đó. Nhưng làm gì có của cho không mãi, muốn có dùng thì phải xách hàng thôi.
Từ đó trong các gùi hành tạp hóa của kim luôn lẫn lộn một ít bột trắng đem về bán lẻ cho các con nghiện quanh vùng. Thành phần giao tiếp với Kim bây giờ không chỉ là các chị, các mế mà còn thêm các thành phần bất hảo, các đối tượng có tiền án, tiền sự, các con nghiện, hút chích.
Cái Kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, lờ mờ nhận thấy việc làm ăn bất chính của Kim, anh em, họ hàng khuyên can, chính quyền địa phương nhắc nhở, xóm làng xung quanh lên án…nhưng muộn mất rồi, Kim đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Cô ta trở nên nanh nọc, gian xảo, lì lợm, bất chấp tất cả.
Khoảng 18 giờ ngày 8/6/2014, khi Kim vừa ăn cơm tối xong thì một người đàn ông xuất hiện, giới thiệu tên Thành trú tại huyện Quỳ Hợp. Sau vài câu xã giao, Thành ghé sát tai Kim nói nhỏ: “Có heroin bán không”? Là người nghiện, lúc nào cũng có một ít “hàng” để trong nhà vừa sử dụng, vừa bán lẻ, nên Kim trả lời: “Có 2 chỉ, nhưng để dùng”. Người đàn ông đặt vấn đề nhờ Kim tìm mua 1 cây heroin, Kim đồng ý và trả lời để liên hệ người bán, nếu có hàng sẽ thông báo lại.
Khoảng 22 giờ ngày 9/6/2014, Thành gọi điện hẹn gặp Kim tại cầu Khe Chan, xã Xiêng My để giao dịch. Khi Kim và người thanh niên lạ mặt cùng Thành đang kiểm tra chất lượng hêrôin thì Tổ công tác của Phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma túy Công an tỉnh Nghệ An xuất hiện bắt giữ cùng tang vật.
Rơi lệ muộn màng
Đứng trước vành móng ngựa, Lô Thị Kim lơ đãng nhìn vào mông lung, không quan tâm vị công tố viên đang đọc cái gì. Khi chủ tọa phiên tòa hỏi: “Bị cáo có ân hận với tội lỗi của mình không?”, khuôn mặt thị cưng, cưng: “Ta có tội chi? Ta không biết đó là Ma túy, ta thấy hắn cho thì ta lấy, vào tù thì ta khỏi phải đi làm thôi”. Thị cứ vậy, trơ tráo, bất cần thách thức sự kiên trì của hội đồng xết xử.
Đột nhiên, từ hàng ghế cuối, tiếng một đứa trẻ khóc gọi “Mế ơi…”. Thị ngoái nhìn lại và sững sờ câm lặng, hai chân như muốn khụy xuống khi thấy cảnh thằng con trai đầu thân hình gầy còm, nhỏ thó dắt theo đứa em gái út xanh như tàu lá đang rướn về phía Mẹ. Thị cũng vừa được biết thằng con trai thứ hai khi nghe tin mẹ bị bắt đã bỏ học rồi lâm bệnh trầm cảm, không ai lo thuốc thang. Toàn bộ gánh nặng gia đình đề lên vai thằng con trai đang tuổi ăn tuổi học kia. Thị bỗng gào lên: “Tòa ơi, ta có tội, ta có tội. các con ơi hảy tha thứ cho mế”. Cả khán phòng lặng đi cùng rưng rưng thương cảm.
Xét thấy bị cáo là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa thấp (4/12), nhân thân tốt, HĐXX tuyên phạt Lô Thị Kim 13 năm tù giam. Nhìn người mẹ bị còng tay lê từng bước chân nặng nhọc ra khỏi phòng xét xử, những đứa con của Kim chạy theo thi nhau gọi: “Mế!… mế ơi!”. Tiếng gọi của chúng đập vào không trung như một thông điệp buồn không chỉ đối với riêng Lô Thị Kim mà còn nhắn gửi đến những kẻ buôn bán “cái chết trắng”, để lại những hệ lụy đau lòng cho chính gia đình mình, gia đình người khác và toàn xã hội.