Ngoại giao Việt Nam góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước

Chính trị - Ngày đăng : 19:38, 29/01/2014

Năm 2013, nước ta đã tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI. Trong tiến trình tham gia sâu vào hội nhập quốc tế, Việt Nam kiên trì nguyên tắc “lợi ích dân tộc là cao nhất”, vừa hợp tác vừa đấu tranh...

Ngoại giao đã đóng góp vào giữ vững môi trường hòa bình, ổn định tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước…

Ngoại giao Việt Nam góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Putin

 

Có thể nói năm 2013, ngoại giao Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công do tích cực đổi mới, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; đưa các mối quan hệ láng giềng thân thiện, hữu nghị, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào chiều sâu thực chất, tạo dựng sự gắn bó hữu cơ về lợi ích an ninh và phát triển giữa nước ta với các đối tác. Đặc biệt ngoại giao chính trị đã được triển khai tích cực, đưa quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, ổn định và lần đầu tiên xác lập khuôn khổ quan hệ với toàn bộ các đối tác quan trọng. Năm 2013 chúng ta đã thiết lập thêm 5 quan hệ đối tác chiến lược và 2 quan hệ đối tác toàn diện, góp phần thiết lập được 13 quan hệ đối tác chiến lược và 11 quan hệ đối tác toàn diện của Việt Nam, trong đó có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đó là những đối tác quan trọng trên thế giới như: Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc. Những nước nòng cốt trong ASEAN như: Indonesia, Singapore, Thái Lan. Bên cạnh đó quan hệ với các nước bạn bè truyền thống ở khu vực Châu Phi, Mỹ La tinh tiếp tục được củng cố và mở rộng. Trong tiến trình tham gia sâu vào hội nhập quốc tế, chúng ta kiên trì nguyên tắc “lợi ích dân tộc là cao nhất”, vừa hợp tác vừa đấu tranh. Ngoại giao đã đóng góp vào giữ vững môi trường hòa bình, ổn định tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước.

 

Song song với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế đã hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch 5 năm 2011-2015; đã chủ động nghiên cứu, dự báo các xu hướng phát triển lớn và kinh nghiệm của các nước để góp phần tham mưu cho Chính phủ trong điều hành và ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế. Nước ta cũng đẩy mạnh công tác vận động chính trị - ngoại giao, tạo thuận lợi cho quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do then chốt và công nhận quy chế kinh tế thị trường, tranh thủ ODA, thu hút FDI. Trong hai năm 2012-2013 nước ta đã vận động thêm được 14 nước, nâng tổng số nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam lên 43 nước, trong đó có 8 nước G-20. Hiện nay, nước ta đang đàm phán 6 Hiệp định khu vực mậu dịch tự do với các đối tác quan trọng trong các khuôn khổ đa phương và song phương, trong đó có các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... 

 

Ngoại giao Việt Nam góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

 

Ngoại giao Việt Nam thực hiện đa phương triển khai mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế, đã chuyển từ tham gia sang giai đoạn chủ động, tích cực đề xuất sáng kiến và đóng góp thực chất với trách nhiệm cao trong các vấn đề an ninh, phát triển chung của khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế đất nước ở khu vực và trên thế giới.

 

Ở tầm khu vực, chúng ta đã phát huy tư thế của một thành viên có trách nhiệm, góp phần đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố đoàn kết và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, thúc đẩy thực hiện DOC và tham vấn giữa ASEAN - Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).

 

Trên bình diện quốc tế, việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), và lần đầu tiên được bầu vào Ủy ban liên Chính phủ của Công ước 1972 về Di sản thế giới của Tổ chức UNESCO, đã nâng cao thêm uy tín và vị thế của nước ta trên thế giới. Trong tầm nhìn dài hạn, nước ta đã từng bước xây dựng kế hoạch tổng thể cho việc đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, ứng cử vào ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Bên cạnh đó ngoại giao văn hóa đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, quảng bá, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới, vận động UNESCO công nhận nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam là di sản văn hóa thế giới.

 

 Tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 28 được tổ chức ngày 16-20/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Năm 2014, nhiệm vụ hàng đầu của ngành Ngoại giao là phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng, tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Kiên trì đường lối đổi mới, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; đưa các mối quan hệ láng giềng thân thiện, hữu nghị, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào chiều sâu thực chất, tạo dựng sự gắn bó hữu cơ về lợi ích an ninh và phát triển giữa nước ta với các đối tác; Tích cực và chủ động tham gia các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế mà chúng ta có lợi ích thiết thân; Tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, tăng cường phổ biến và đề cao những giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần nâng cao vai trò, uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Phương Thanh