“Cơn bão trắng” và “khoảng lặng” phía sau bản án (Kỳ 2)

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 06:50, 05/10/2014

Đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày Giàng A Tính bị tổ công tác phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên bắt quả tang khi đang vận chuyển trái phép ma túy, Hạng Thị Lý cũng không quá lo lắng.

Bởi trong suy nghĩ rất giản đơn của Lý “chồng mình có lỗi thì cứ để cán bộ nhốt mấy hôm rồi cho về”. Chỉ đến khi dự phiên toà xét xử Tính về tội buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý và Tính bị tuyên án 15 năm tù giam, lúc ấy Lý mới bàng hoàng trước sự thật nghiệt ngã mà chưa bao giờ chị từng nghĩ đến.

Bài 2: Người phụ nữ Mông và niềm tin sau bản án 15 năm

Với mỗi người có mặt tại phiên tòa xét xử lưu động bị cáo Giàng A Tính (SN 1978, trú tại bản Lọong Luông 2, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) tại UBND xã Mường Phăng sáng hôm ấy đều để lại cho tôi nhiều suy tư, trăn trở.

Trăn trở về cuộc sống một đời người, hạnh phúc và đau thương, bi kịch và gia đình... đặc biệt đối với người thân gia đình Tính.

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ câu nói bằng tiếng phổ thông lơ lớ của Hạng Thị Lý (vợ của Tính – PV) trước khi Giàng A Tính bị áp giải lên xe đặc chủng về trại giam: “Chúng tôi chỉ muốn cho nó cái bánh, hộp sữa thôi mà”.

“Cơn bão trắng” và “khoảng lặng” phía sau bản án (Kỳ 2)

Hai đứa con của Tính

Chứng kiến hình ảnh Giàng A Liên (SN 2004, con trai thứ 2 của Tính) trên tay cầm sữa và những chiếc bánh chạy đến định đưa cho người cha lầm lỗi nhưng bị lực lượng chức năng ngăn lại mà xót xa. Không phải vì thương xót cho bị cáo mà xót xa cho ân tình vợ con dành cho Tính nhưng y đã không biết trân trọng, để giờ đây gia đình phải lâm cảnh chia ly.

Phiên tòa lưu động xét xử Giàng A Tính diễn ra trong sự chứng kiến của đông đảo người dân xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Đối với những người không liên quan đến vụ án có lẽ họ thầm nghĩ rằng: kẻ gieo gió ắt gặt bão. Còn đối với đấng sinh thành, vợ con bị cáo thì họ luôn cầu mong những điều tốt lành nhất đến với người thân mình. Có người thì mỉa mai, châm biếm Tính nhưng cũng có người thương cảm cho Tính vì nhận thức còn hạn chế.

Phải mất thời gian khá lâu, nghĩ suy những câu hỏi chúng tôi mới tiếp xúc với chị Hạng Thị Lý, bởi đối với chị, nỗi bàng hoàng trước sự sa ngã của chồng vẫn chưa dứt, dường như nó chỉ mới xảy ra ngày hôm qua vậy.

Vừa nói chuyện với chúng tôi chị vừa đưa mắt nhìn về phía Tính đứng trước vành móng ngựa.

Theo lời kể của Lý thì không hiểu duyên tiền kiếp định thế nào, bản thân là một cô gái dân tộc Mông rất đỗi bình thường, thế mà lọt vào “mắt xanh” của Giàng A Tính. Bởi Tính vốn là một trong những thanh niên đẹp trai nhất bản Lọong Luông 2, xã Mường Phăng khiến không biết bao sơn nữ phải say mê đắm đuối. Trong con mắt Lý và tất cả mọi người trong bản, Tính là một con người năng nổ nhiệt tình, thường giúp đỡ mọi người. Trước sức hút của Tính, Lý đã đồng ý về làm vợ mà không một chút đắn đo suy nghĩ.

Họ quyết định đi đến hôn nhân và được đông đảo bà con hai họ chúc phúc. Trong ngôi nhà nhỏ ấy càng hạnh phúc hơn khi 3 đứa con lần lượt ra đời.

Tính và Lý cùng sinh năm 1978, cái tuổi mà theo các cụ nói chỉ cần “nằm duỗi mà ăn” ở một thời điểm khi Tính chưa dính vào ma tuý có lẽ là hoàn toàn đúng. Nếu như Tính không sa chân vào con đường buôn bán ma túy có lẽ cặp “song mã” này sẽ là ước mơ của nhiều cặp vợ chồng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi một buổi chiều chị bất ngờ nhận được tin chồng chị là một chân rết trong đường dây buôn bán ma túy.

“Cơn bão trắng” và “khoảng lặng” phía sau bản án (Kỳ 2)

Hạng Thị Lý bật khóc trong phiên tòa xét xử chồng

Cũng từ đây người đàn bà chưa hưởng trọn niềm vui hạnh phúc gia đình phải đối mặt với sóng gió cuộc đời, những lời thị phi từ dư luận.

Và cho đến khi biết chồng lĩnh 15 năm tù thì Lý mới thực sự nhận ra cuộc đời không hẳn là những ước mơ giản dị như chị từng nghĩ và ao ước.

Lý cho biết, đến tận bây giờ, trong tâm trí vẫn chưa thể nào quên được nỗi ám ảnh khi biết tin chồng mình bị kết án 15 năm tù vì tội buôn ma tuý. Khi Tính bị tuyên án, nhiều người bảo Lý đi lấy chồng khác.

Ai cũng chê Lý ít học, nhưng có lẽ Lý còn hơn rất nhiều người, bởi Lý đã không bỏ chồng, bỏ con để chạy theo dục vọng tầm thường như nhiều phụ nữ Mông khác có chồng đi tù.

Có lẽ trong cuộc đời, có quá ít người chỉ trong một thời gian ngắn phải trải qua những cú sốc tâm lý buồn vui khốc liệt như chị vậy.

Bản án 15 năm tù của Tính thực sự là cú sốc đối với Lý và gia đình. Tuy nhiên, với bà Ly Thị Khía (SN 1950), mẹ chồng của Lý giờ đây càng quý trọng cô con dâu hiếu thảo, bởi tất cả gánh nặng cơm áo, gạo tiền đều dồn hết lên đôi vai yếu đuối của Lý, một mình phải nuôi 3 con nhỏ cùng mẹ chồng.

 Bà đã khóc khi Lý nói sẽ ở vậy nuôi con và chờ ngày chồng trở về. Với nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số, khi chồng đi tù thường lấy chồng khác nhưng với Lý thì “đã làm dâu nhà họ Giàng thì sẽ sống và chết ở nhà họ Giàng”.

15 năm tù giam – một bản án đủ để trừng trị kẻ coi thường pháp luật. 15 năm ấy, liệu Tính có thay tính đổi nết hay không nhưng ngày ngày Lý vẫn nai lưng chống gối nuôi năm miệng ăn.

Có lẽ trong con người chị, ký ức và niềm tin mãnh liệt về tình yêu đã khiến Lý có một sức mạnh phi thường như vậy. Và người phụ nữ ít học ấy vẫn tin tưởng, chung thủy đợi Tính trở về đoàn tụ với gia đình.

 

Văn Tâm-Đức Hạnh