Hàng loạt phụ nữ sập bẫy lừa của “thương gia” gốc Phi
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 11:06, 05/07/2014
Vì lòng tham, hai bị cáo cấu kết lừa đảo 15 nạn nhân với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Với hành vi trên, Tòa tuyên phạt Okoye 15 năm tù giam và Hồng 10 năm tù giam cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hàng chục phụ nữ sập bẫy
Khoảng tháng 3/2013, chị Nguyễn Thị Ngọc N. (SN 1968, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) thông qua mạng internet làm quen với một người đàn ông tên Piero Dwain quốc tịch Anh. Sau nhiều lần trò chuyện, Dwain ngỏ ý muốn đến Việt Nam để đầu tư làm ăn và kết hôn với chị N.. Ngày 24/3/2013, Dwain gửi email cho chị N. một lịch trình chuyến bay từ Heaththrow Anh Quốc về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) rồi về Cần Thơ.
Hai bị cáo tại phiên tòa
Khoảng 13h ngày 26/3/2013, Dwain điện thoại cho chị N. nói là đã lên đến sân bay rồi sau đó tắt máy. Khoảng 15 phút sau, có một người đàn ông sử dụng số điện thoại nước ngoài điện cho chị N. giới thiệu là cảnh sát Malaysia. Người này nói, hiện, cảnh sát Malaysia đang tạm giữ ông Dwain vì kiểm tra hành lý phát hiện có mang theo 600.000 bảng Anh nên phải nộp phạt mới được thả. Chị N. yêu cầu được nói chuyện với Dwain thì Dwain cũng nói như vậy.
Sau đó, người này còn gửi email hình ảnh một vali đầy tiền cho chị N. xem. Người tự xưng cảnh sát Malaysia yêu cầu chị N. phải nộp một khoản tiền 1.600 USD (gần 34 triệu đồng) vào tài khoản của một người tên Võ Thị Xuân Hồng. Chị N. tưởng thật, chạy vạy, vay mượn nhiều nơi để chuộc bạn trai.
Ngày 26/3/2013, chị N. chuyển toàn bộ số tiền này vào tài khoản của Hồng. Sau đó, người đàn ông tự xưng cảnh sát Malaysia tiếp tục yêu cầu chị N. chuyển thêm số tiền hơn 76 triệu đồng vào tài khoản của Hồng. Ngày 2/4/2013, chị N. chuyển thêm 15 triệu đồng. Đến lúc này, chị kể chuyện này với một số người bạn và những người này nghi ngờ có sự lừa đảo. Chị N. nghe lời khuyên của mọi người trình báo với PC45 (công an TP. Cần Thơ). Nhận được trình báo của chị N., công an TP. Cần Thơ nhận thấy đây là một màn lừa đảo nguy hiểm nên quyết tâm tìm ra những kẻ tạo ra màn kịch này. Qua quá trình xác minh, thẩm tra, công an xác lập chuyên án, kết hợp với Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an nhằm đập vỡ sự lừa dối của những kẻ lừa đảo. Sau đó, công an xác minh được số tài khoản chị N. nộp tiền vào là của Võ Thị Xuân Hồng (SN 1962, ngụ tại khu phố 3, phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Từ lời khai của Hồng, công an bắt giữ đồng phạm của thị là Okoye Uchenna (SN 1977, quốc tịch Nigeria, trú tại huyện Nhà Bè, TP.HCM).
Tại cơ quan điều tra, Hồng khai nhận, trước đây, lên mạng internet làm quen với Okoye. Sau vài lần trò chuyện, cả hai cùng vạch ra kế hoạch lừa đảo để chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn sử dụng internet liên hệ. Theo kế hoạch, Okoye lấy tên giả là Piero Dwain, giả vờ đang ở nước ngoài, doanh nhân thành đạt và muốn cưới vợ Việt Nam. Sau đó, Okoye sẽ ngỏ ý yêu đương và muốn tiến đến hôn nhân. Sau một thời gian tạo niềm tin thì gửi thông tin với nội dung đã gửi một gói quà gồm máy tính, điện thoại, trang sức và tiền… để tặng cho những người này.
Sau đó, theo sự hướng dẫn của Okoye, Hồng sẽ đóng giả là nhân viên của công ty chuyển hàng hóa từ nước ngoài về để gọi điện thoại liên lạc với người nhận quà yêu cầu họ chuyển tiền vào các tài khoản của Hồng để đóng phí nhận hàng hoặc phí hải quan và nói hàng sẽ được công ty chuyển đến địa chỉ của họ. Sau khi nhận được tiền thì Hồng và Okoye sẽ rút ra chia nhau và bỏ số điện thoại liên lạc đã sử dụng. Về sau thì chuyển sang lừa đảo bằng cách giả vờ về Việt Nam và bị công an hàng không giữ hành lý lại vì đem theo quá nhiều ngoại tệ. Lúc này, sẽ nhờ các phụ nữ nộp tiền để chuộc ra. Với các hành vi nêu trên, cặp đôi này đã lừa được tổng cộng 15 người phụ nữ với số tiền chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.
Vắt kiệt túi con mồi
Mới đây, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Okoye và Hồng cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đứng trước vành móng ngựa, cả hai bị cáo đều thừa nhận hành vi đã gây ra. Cả hai cho biết, nghĩ đến chuyện lừa đảo phụ nữ Việt một cách dễ dàng vì họ quá tin tưởng và luôn cho rằng, đàn ông nước ngoài luôn giàu có. Cả hai đã nắm được sự nhẹ dạ, cả tin của phụ nữ để lừa đảo.
Đứng trước vành móng ngựa, cả hai bị cáo cho biết, phi vụ đầu tiên là lừa chị Ngô Thị M. (SN 1982, quận Gò Vấp, TP.HCM). Khoảng tháng 1/2012, Okoye giả vờ tên là Tony Brow, quốc tịch Anh. Sau một thời gian trò chuyện tình tứ, bày tỏ tình cảm thắm thiết của mình, thông qua email, Tony nói đã gửi quà cho chị M. gồm máy tính xách tay, nước hoa, đồng hồ… giao hàng ở Malaysia. Sau đó, chị M. nhận được email và điện thoại của một người đàn ông xưng là hải quan Malaysia yêu cầu chuyển số tiền 2.500USD vào tài khoản của Hồng để đóng phí ngân hàng.
Ngày 18/4/2012, chị M. chuyển số tiền 52 triệu đồng vào tài khoản của Hồng. Khi nhận tiền, Hồng giữ lại hơn 2 triệu đồng để chi tiêu, số còn lại chuyển cho Okoye thông qua tài khoản ngân hàng. Phi vụ đầu tiên thành công rực rỡ khiến Hồng và Okoye thêm tin tưởng vào kế hoạch mình đã vạch ra. Vào tháng 10/2012, Okoye giả tên John Kevin Kennedy có quốc tịch Anh, là kỹ sư cầu đường muốn làm quen với chị Đặng Hữu Thùy D. (SN 1979, quận Gò Vấp). Sau hơn hai tháng trò chuyện, John cho biết muốn đầu tư vào Việt Nam và chuyển tiền cho chị D. để mua căn hộ trước khi John sang Việt Nam. Ngày 21/12/2012, chị D. nhận được tin từ Ahmed thông báo John bị tai nạn lao động cần phẫu thuật ở cổ. Chị D. gửi email đề nghị ngân hàng Hoàng Gia Scotland chuyển tiền để Jonh phẫu thuật. Ngân hàng trả lời yêu cầu luật sư của John đến để làm thủ tục. Chị D. đề nghị Ahmed giúp đỡ.
Sau đó, Ahmed thông báo là sẽ về London làm thủ tục nhưng chị D. phải trả chi phí là 3.850USD. Chị D. nói không có tiền và nhờ Ahmed giúp đỡ John phẫu thuật. Không lâu sau, Ahmed thông báo John sắp xuất viện và yêu cầu chị D. chuyển tiền vào tài khoản của Hồng để John mua vé máy bay về London ký giấy tờ ngân hàng. Ngày 18/1/2013, chị D. chuyển gần 10,5 triệu đồng cho Hồng. Ngày 26/1/2013, chị D. lại nhận được email của John với nội dung cảm ơn đã cứu sống và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản của Hồng để John mua vé máy bay bay về London. Chị D. bảo với John chỉ còn 800USD và đã chuyển hơn 16 triệu đồng vào tải khoản của Hồng vào ngày 28/1/2013. Tiếp theo, chị D. nhận được thông báo từ ngân hàng là John còn nợ tiền thuế và Jonh cũng xác nhận là chờ khi John hoàn thành công việc mới có tiền đóng thuế. Sau đó, chị D. liên lạc với John để đòi lại số tiền đã chuyển thì John chỉ hứa nhưng không thực hiện.
Trong tất cả các nạn nhân của Okoye và Hồng, có lẽ, chị Công Thị Ngọc A. (SN 1973, tỉnh Quảng Ngãi) bị lừa nặng nhất. Khoảng tháng 11/2012 Okoye giả tên là Kevin Kennedy, có quốc tịch Anh. Thông qua internet, Kevin làm quen với chị A.. Sau vài ngày trò chuyện, Kevin nói muốn sống chung với chị A. và nói đã gởi tiền và hàng rồi và bảo chị A. chờ nhận. Sau đó, chị A. nhận được email từ một người nước ngoài giới thiệu là nhân viên ngân hàng và yêu cầu chuyển 2.000USD vào một tài khoản để nhận tiền và hàng Kevin đã gửi.
Tưởng thật, ngày 6/11/2012, chị A. chuyển số tiền hơn 41 triệu đồng. Sau đó, chị lại nhận được một email yêu cầu nộp thêm 2.000USD để hoàn thành thủ tục. Một lần nữa, chị lại nộp vào hơn 41 triệu đồng. Sau một thời gian, vẫn chưa nhận được tiền và hàng như kế hoạch, chị A. lại nhận được email cho biết Kevin bị tai nạn lao động gãy cột sống và yêu cầu đóng tiền viện phí giúp. Chị A. đã mượn tiền của người thân nộp vào tài khoản ba lần nữa. Sau khi xuất viện, Kevin bảo rằng nhân viên ngân hàng thông báo ngân hàng gặp vấn đề nên chưa chuyển tiền cho chị A. được. Từ đó, Kevin ngắt liên lạc.
Toàn bộ gần 287 triệu đồng chị A. gửi được Hồng rút ra, chuyển vào tài khoản của Okoye 190 triệu đồng, số còn lại để lại tiêu xài. Thế nhưng, vẫn chưa hết, chị A. còn cho hay, vào ngày 22/11/2012, chị đã chuyển 156 triệu đồng cho Hồng và Okoye. Sau đó, này 17/12/2012, chị còn chuyển cho hai đối tượng này thêm 104 triệu đồng.
Phải có mức án nghiêm khắc để làm gương Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hành vi của Hồng và Okoye đặc biệt nghiêm trọng. Vì lòng tham, hai bị cáo cấu kết lừa đảo 15 nạn nhân với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Cả hai bị cáo thực hiện lừa đảo trong thời gian dài nên cần có mức án nghiêm khắc để làm gương. Cuối cùng, Tòa tuyên phạt Okoye 15 năm tù giam và Hồng 10 năm tù giam cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. |