Xuất hiện chứng cứ mới, tạm hoãn phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng ngày thứ 5

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 10:37, 28/04/2014

Phiên tòa xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm ngày thứ 5 (28/4) đã bất ngờ tạm hoãn do có tình tiết mới. Sáng mai 8h, HĐXX tiếp tục làm việc.

15h33: Vị chủ tọa cho biết thêm, do có những tài liệu điều tra mới từ phía Nga, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa ngày hôm nay (28/4). Sáng mai 29/4, đúng 8h sáng HĐXX tiếp tục làm việc. Việc tạm dừng phiên tòa là để cho HĐXX, đại diện VKS và các luật sư bào chữa có thêm thời gian xem xét, nghiên cứu các tài liệu mới này. Theo chủ tọa, những tài liệu này là những chứng cứ mới rất quan trọng, liên quan đến việc bán ụ nổi 83M từ phía công ty ở Nga. Do tài liệu gồm nhiều nội dung, HĐXX mới nhận được vào đầu giờ chiều nay, chưa kịp nghiên cứu. Mặt khác, các luật sư cũng mong muốn có tài liệu này để làm căn cứ bào chữa cho các bị cáo. HĐXX đồng ý sẽ cung cấp bản sao các tài liệu này cho các luật sư.

15h25: HĐXX tiếp tục trở lại làm việc.

Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn cho biết, sau giờ giải lao, HĐXX nhận được một số văn bản xác minh quá trình điều tra, do VKSNDTC đề nghị, được thu thập từ Nga. Những biên bản này do cơ quan nội vụ của Nga điều tra và cung cấp.

Tuyen an Duong Chi Dung, Xet xu Duong Chi Dung, Xet xu phuc tham Duong Chi Dung, Duong Chi Dung thoat an tu, vo Duong Chi Dung

Dương Chí Dũng trước vành móng ngựa chiều ngày 28/4

15h15: HĐXX tuyên bố tạm nghỉ giải lao.

15h10: HĐXX xét hỏi bị cáo Chiều. Tòa hỏi: Bị cáo cho biết khi Sơn đưa tiền, Sơn không nói đó là tiền ụ nổi đúng không?
Bị cáo: Dạ đúng ạ. Thưa HĐXX, bị cáo nhận số tiền 340 triệu trước, sau đó Sơn mới chuyển khoản 1 tỷ cho bị cáo vay. Ngoài ra, bị cáo khẳng định không còn khoản nào khác.

14h40: Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục đặt câu hỏi cho bị cáo Trần Hải Sơn. Luật sư bắt đầu bằng câu hỏi về khoản tiền 2 tỷ Sơn đưa cho em gái: Khi anh cho chị Hà 2 tỷ, anh nói với chị Hà đây là tiền gì? Bị cáo: Tôi chỉ nói cho tiền chứ không nói đây là tiền gì.

Luật sư hỏi: Bị cáo cho tiền em gái vào thời điểm nào?
Bị cáo: Cho sau khi em gái rút tiền đổi đưa cho bị cáo thì bị cáo trích lại 2 tỷ đưa cho em gái.
Luật sư: Căn cứ vào đâu mà bị cáo cho rằng nhà bị cáo Phúc có bàn ghế kê giữa nhà?
Bị cáo: Dạ cái này bị cáo không nhớ rõ lắm.
Luật sư: Tiền như bị cáo khai là tiền của 2 lãnh đạo, trách nhiệm phải chuyển trả cho các lãnh đạo là buộc bị cáo phải làm đúng không?
Bị cáo: Dạ đúng.
Luật sư: Vì sao bị cáo chuyển tiền nhiều lần cho bị cáo Dũng và Phúc, mà không phải đưa một lần? Bị cáo Sơn lý giải: Vì số tiền quá lớn, lúc chuẩn bị cho đến lúc đưa, nếu đưa 1 lần thì rất khó khăn. Tuy nhiên, khi được hỏi có nhớ là đưa tiền cho ai trước không thì Sơn lại cho rằng mình không nhớ.

Luật sư: Chiếc cặp mà bị cáo dùng đựng tiền có mấy ngăn, lớn hay bé?
Bị cáo: Bị cáo không còn nhớ nó mấy ngăn, chỉ nhớ là nó lớn.
Luật sư: Bị cáo có khẳng định rằng số tiền 2,5 tỷ có đút vừa một chiếc cặp đựng máy tính loại lớn như bị cáo đã khai không?
Bị cáo: Bị cáo cam đoan là đút vừa. Sau lời khai này, LS Thiệp đã kính xin HĐXX thử nghiệm, bởi luật sư cho rằng, với tiền 2,5 tỷ đồng, rất khó đút vừa một chiếc cặp đựng laptop như Sơn đã khai nhận.

14h34: Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục xét hỏi bị cáo Mai Văn Phúc. Luật sư đề nghị bị cáo Phúc mô tả lại căn nhà ở quê, để xác minh tính phù hợp với lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn.

Bị cáo Phúc trả lời: Sáng nay rõ ràng bị cáo Sơn đã gian dối khi mô tả lại căn nhà của bị cáo. Nhà của bị cáo không hề có bộ bàn ghế để giữa phòng khách như Sơn đã khai sáng nay.
Luật sư: Có việc sau khi cầm tiền, bị cáo đi vào phòng trong cất tiền như Sơn đã khai không?
Bị cáo: Thưa HĐXX, nhà bị cáo không có buồng trong nên làm gì có chuyện bị cáo đi vào trong để cất tiền.

Bị cáo Mai Văn Phúc trình bày: Thưa HĐXX, bị cáo nhận thấy rằng những hành vi của bị cáo hoàn toàn có động cơ, mục đích là làm tốt công việc của mình. Còn sau khi đã biết rằng nó là sai, bị cáo cảm thấy mình có một phần trách nhiệm, cần phải khắc phục lại những gì mình đã làm sai.

14h30: Chủ tọa triệu tập ông Nguyễn Tuấn Khang, người đại diện theo ủy quyền của Maritime bank. Ông Khang cho biết, phía ngân hàng Maritime phải xem xét có đủ chứng từ để rà soát lại các hoạt động giao dịch liên quan đến các bị cáo hay không. Bởi, có rất nhiều giao dịch mà để tra lại mỗi giao dịch của ông Trần Hải Sơn thì rất khó.

14h15: HĐXX bắt đầu làm việc. Tòa triệu tập ông Bùi Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH hàng công nghệ cao (trực thuộc Vinalines).

Chủ tọa hỏi ông Trung, ông Trung cho biết thời điểm đó có tham gia dự án ụ nổi 83M. Lúc đó dự án này gồm có nhiều thành phần tham gia. Thời điểm 2007, ông Trung chỉ đạo trực tiếp Ban kinh doanh đối ngoại, nhưng không nhận được bất cứ đơn chào hàng nào liên quan đếnụ nổi 83M. Ông không tham gia bất cứ giao dịch nào, nhưng có tham gia thẩm định khi Đoàn khảo sát ụ nổi 83M về. Có một buổi tham gia họp HĐQT. Không biết Công ty AP chào hàng ụ nỏi trước đó là 220 (năm 2006-2007).

11h30: HĐXX tuyên bố kết thúc phiên xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm sáng nay. 14h chiều nay HĐXX tiếp tục làm việc.

11h20: Luật sư Được tiếp tục phần đặt câu hỏi với bị cáo Mai Văn Phúc.

Luật sư: Bị cáo biết thông tin về ụ 83M từ khi nào?

Bị cáo Phúc: Thưa HĐXX, quả thật là từ khi về nhậm chức, bị cáo không hề biết gì về dự án ụ nổi. Sau này, khi đã gặp ông Goh tại văn phòng làm việc, bị cáo mới biết được dự án này.

11h13: HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Dương Chí Dũng. Tòa hỏi: Bị cáo có biết việc mua ụ hoàn tất trước khi dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được phê duyệt sẽ gây hậu quả như thế nào không?

Bị cáo Dũng thành khẩn: Thưa HĐXX, về việc này thì bị cáo đã nhận ra hành vi sai trái của mình. Kính mong HĐXX xem xét.

11h09: Luật sưThắng tiến hành truy hỏi bị cáo Dương Chí Dũng.

Luật sư: Trong quá trình trả lời thẩm vấn, bị cáo thừa nhận đã cố ý làm trái, bị cáo có suy nghĩ gì không?Bị cáo Dũng: Thưa HĐXX, quả thật là vào thời điểm đó bị cáo không biết những việc mình làm là sai. Sau này, thông qua các báo cáo thì bị cáo mới nhận ra điều sai trái.

10h50: HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Trần Hải Sơn. HĐXX hỏi bị cáo Sơn về mối quan hệ giữa Sơn và lái xe tên Quỳnh. Người mà Sơn khai nhận đã lái xe chở Sơn đi rút tiền, đi đến đưa tiền cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Sơn khai nhận: Công ty của Sơn đã ký hợp đồng với Quỳnh mỗi tháng một lần. "Nếu thấy làm việc tốt thì tôi tiếp tục ký hợp đồng, mỗi tháng một lần ký như vậy", Trần Hải Sơn khai.

10h45: Luật sư Triển đặt những câu hỏi xoay quanh về nguồn tiền, số tiền, thời gian và địa điểm mà Sơn đưa tiền cho Dũng và Phúc. Bị cáo Sơn một mực khẳng định rằng: "Việc đưa tiền là hoàn toàn có thật còn nguồn tiền ở đâu thì tôi không quan tâm. Bởi vì, tôi đã yêu cầu gia đình, em gái phải chuẩn bị cho tôi số tiền đó, chứ tôi không cần biết tiền lấy từ đâu".

10h30: Luật sư Triển hỏi thêm bị cáo Trần Hải Sơn: “Có việc trước khi Chiều tiếp nhận dự án, Phó Tổng GĐ Bùi Văn Chung đã được AP chào giá bán ụ nổi 83M giá 9 triệu USD?”. Sơn xác nhận lời khai này tại cơ quan điều tra. Có văn bản Sơn gửi cho ông Goh bàn về việc thương lượng giá, Sơn cũng xác nhận. Trả lời trước HĐXX, bị cáo Sơn cho biết đã khai những vấn đề đó trước chủ tọa nên không khai lại. Bên cạnh đó, bị cáo Sơn nói: "Thưa HĐXX, tất cả tôi đã khai và tôi kính mong HĐXX xem xét, đánh giá".

10h25: Luật sư Trần Đình Triển đề nghị được thẩm vấn thêm bị cáo Mai Văn Khang. Khang phủ nhận việc Sơn khai một lần tại phòng Khang, Dũng xuống có dặn Sơn, Khang phải mua bằng được ụ nổi 83M. Khang không biết người nào liên hệ với công ty AP trước đó để biết thông tin về ụ nổi 83M.

 

Lần cả đoàn đi khảo sát ở Nga có đến văn phòng nhà máy Nakhodka và được cung cấp hồ sơ pháp lý của ụ nổi.

Về công ty Global Success thì chỉ đến khi bị bắt, tại cơ quan điều tra Khang mới nghe thông tin về công ty này.

 

10h20: HĐXX hỏi bị cáo Sơn: Khi vay tiền, Chiều đã nói vay để làm gì? Bị cáo Sơn: Anh Chiều vay nhưng không nói là vay vì việc gì. Theo Sơn, khi đưa số tiền 340 triệu đồng cho Chiều, Sơn đã nói đây là tiền bồi dưỡng. Tòa hỏi rõ Sơn về khoản tiền bồi dưỡng này thì Sơn một mực khẳng định: "Thưa HĐXX, vấn đề này để bị cáo trình bày. Ở Vinalines có những việc bất thành văn, có những việc mà người ta biết rõ số tiền ấy..."

 

Tòa hỏi: Đến bây giờ, bị cáo có nhận thức rằng số tiền đưa cho Chiều là tiền nằm trong số tiền lại quả việc mua ụ không?

Bị cáo Sơn: Bị cáo xác nhận là có. Tuy nhiên bị cáo không nói với Chiều rằng đây là tiền từ khoản 1,666 triệu USD.

Theo Sơn, bị cáo đã đưa tiền cho Chiều ở nhà riêng. Sơn khai mang theo 500 triệu đồng, chứ không phải 340 triệu đồng nhưng sau đó anh Chiều nói với cơ quan điều tra là 340 triệu đồng nên Sơn nghĩ Chiều khai thế thì đúng thế thôi vì bị cáo rất tin Trần Hữu Chiều. Có thể là tiền bị cáo rút ra rút vào nhiều, có thể lẫn.

10h00: Tại lần xét hỏi này về việc ăn chia tiền, bị cáo Trần Hải Sơn vẫn khẳng định mình đã đưa tiền cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.

9h50: HĐXX xét hỏi bị cáo Trần Hải Sơn.

Tòa hỏi: Về lời khai của bị cáo Chiều, nói rằng sau khi đi khảo sát về chỉ có Chiều và Sơn lên báo cáo. Lúc đó có thêm ai nữa không, lúc đó có thêm bị cáo Khang không?

Bị cáo Sơn: Bị cáo đã khai là lên báo cáo nhiều lần, chứ không phải lên chỉ một lần.

Tòa hỏi: Việc bị cáo nhận khoản tiền 1,666 triệu USD, cho đến giờ, bị cáo thấy thế nào?
Trần Hải Sơn khằng định lại: Bị cáo đã nói là phải là những người biết rất rõ điều đó thì mới chỉ đạo như vậy.

Tòa hỏi: Bị cáo có căn cứ nào để xác định là chắc chắn mình đã đưa tiền cho Dũng và Phúc không?
Trần Hải Sơn: Bị cáo khẳng định chắc chắn đã đưa tiền cho Dũng và Phúc. Còn về lời khai của Dũng và Phúc thì có lúc thế này lúc thế kia...

Xuất hiện chứng cứ mới, tạm hoãn phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng ngày thứ 5

Bị cáo Trần Hải Sơn

9h34: HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Mai Văn Khang. Một lần nữa, HĐXX xét hỏi bị cáo Khang để khẳng định lại tính chính xác của những lời khai các bị cáo khác đã khai trước đó. Bị cáo Khang không nhận xét gì về việc Chiều phán đoán, chiếc ca nô đặt trên ụ nổi 83M ở Nakhodka chỉ là sắp đặt. Còn bị cáo Chiều không nói gì với Khang về việc làm báo cáo để mua ụ nổi mà Chiều chỉ nói với bị cáo Lê Văn Dương về việc tạo điều kiện, giúp việc làm báo cáo để mua ụ nổi.

Xuất hiện chứng cứ mới, tạm hoãn phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng ngày thứ 5

Mai Văn Khang bị truy hỏi tại tòa phúc thẩm ngày 28/4

9h30: Khi HĐXX và đại diện VKS công bố một số lời khai mà Dương Chí Dũng đã khai tại CQĐT, bị cáo Dũng cho rằng đó là những bản ghi của cán bộ điều tra, còn mình hoàn toàn không khai như vậy. "Thưa HĐXX, lúc đó là gần hết giờ thẩm vấn tại CQĐT, điều tra viên đưa biên bản cho bị cáo ký, bị cáo đã không đọc lại những biên bản đó mà vẫn ký", Dương Chí Dũng trả lời trước tòa.

9h10: Dương Chí Dũng phân trần: “Nói như này thì không hay nhưng thực tế là anh Phúc luôn chống đối Chủ tịch HĐQT, không tuân theo chỉ đạo. Vì vậy mọi việc ở dưới bị cáo không trực tiếp làm, quyết định được gì”. 

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa: “Chính vì như thế mới phải thông qua Sơn chứ nếu quan hệ của bị cáo với Tổng GĐ bình thường thì bị cáo sẽ chỉ đạo xuống dưới Phúc rồi mới đến Sơn. Lời khai của bị cáo như vậy là hoàn toàn phù hợp với Sơn”. Dương Chí Dũng khai thêm: “Nếu có làm thì bị cáo phải bí mật bên ngoài chứ không bao giờ để cho mấy ông cấp dưới biết việc sắp đặt như này được”.

9h03: Trước HĐXX, bị cáo Dương Chí Dũng muốn trình bày lại động cơ, mục đích về dự án mua ụ nổi tại thời điểm mà nhà máy chưa được phê duyệt là sai quy trình. Về việc làm này của mình, Dương Chí Dũng thừa nhận tại tòa "Bị cáo biết là sai".

Tòa hỏi: Bị cáo có biết ai là người đàm phán mua ụ nổi không?

Dương Chí Dũng: Trong quá trình đàm phán, bị cáo nghĩ rằng mình không hề tham gia. Bị có nghĩ rằng anh Phúc là người giao cho toàn ban quản lý. Bị cáo khẳng định rằng mình không hề trực tiếp chỉ đạo phải mua cho bằng được ụ nổi.

Dũng trình bày, hoạt động đối ngoại, đầu tư đáng ra là thuộc phần trách nhiệm của Phó Tổng GĐ Bùi Văn Chung nhưng không hiểu sao lại giao Chiều phụ trách dự án ụ nổi 83M. Tuy nhiên, xác minh lại thông tin từ Mai Văn Phúc, Phúc cho biết bản thân cũng không quyết định chuyển cho Chiều làm thay Chung mà khi về làm Tổng GĐ Vinalines đã thấy như vậy.

Xuất hiện chứng cứ mới, tạm hoãn phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng ngày thứ 5

Dương Chí Dũng trước vành móng ngựa ngày 28/4

9h: HĐXX xét hỏi bị cáo Dũng. HĐXX lại quay về việc xác định làm rõ mối quan hệ của Dương Chí Dũng và ông Goh. Theo đó, bị cáo Dũng thừa nhận mối quan hệ quen biết của mình với Goh là bắt đầu từ khoảng năm 2000. Do lúc đó Dương Chí Dũng làm ở Hải Phòng, công ty của bị cáo Dũng có mua một số hàng hóa từ Singapore. Đoàn của Dũng có mấy anh em sang Singapore để mua thì quen ông Goh.

8h59: Lúc này, HĐXX đề nghị bị cáo Dũng đứng dậy để khẳng định lời khai trên của Mai Văn Phúc. Đứng trước HĐXX, bị cáo Dũng khai rằng không hề có việc mình nói sẽ đề nghị cách chức Mai Văn Phúc.

8h57: HĐXX: Tại CQĐT, bị cáo khai rằng bị cáo Dũng chỉ đạo phải mua bằng được ụ nổi, nếu không sẽ báo cáo Thủ tướng và đề nghị cách chức mình, có việc đó không?
Bị cáo Phúc: Dạ có ạ.

8h45: HĐXX xét hỏi bị cáo Mai Văn Phúc.

Tòa hỏi: Khi lập đoàn khảo sát, có quyết định ai là trưởng đoàn không? Phúc trả lời: Bị cáo không nhớ lắm, tuy nhiên anh Chiều lúc đó là Phó Tổng GĐ thì chắc chắn phải có trách nhiệm này. Tòa hỏi: Bị cáo có giao nhiệm vụ cho đoàn không? Mai Văn Phúc: Bị cáo không giao gì cho ai cả.

Tòa hỏi: Khi đi khảo sát về, bị cáo Chiều và bị cáo Sơn có đến báo cáo trực tiếp với bị cáo không? Bị cáo Phúc: Dạ đúng. Ngoài ra Mai Văn Phúc còn khai thêm: Thưa HĐXX, lúc đó có cả Khang nữa ạ. Báo cáo tại văn phòng làm việc của bị cáo.

Tòa hỏi tiếp: Trong báo cáo có đề cập đến chào giá không? Bị cáo: Dạ, hoàn toàn không. Khi khai đến đây, bị cáo Mai Văn Phúc đưa ra những nhận định của mình về Trần Hải Sơn: "Thưa HĐXX, đến thời điểm này bị cáo thấy Sơn khủng khiếp quá ạ. Bị cáo nghĩ rằng, chỉ có mình và ông Dũng có quyền thỏa thuận về số tiền lại quả 1,666 triệu USD thôi. Tuy nhiên, bị cáo nghĩ rằng Sơn không thể ôm trọn số tiền lại quả kia".

Nhiều lần nhắc lại nhận xét “Sơn khủng khiếp quá”, cựu Tổng GĐ ngầm ý chỉ Trần Hải Sơn dựng chuyện “đổ vấy” cho lãnh đạo Vinlines sau khi ăn mảnh khoản tiền 1,666 triệu USD lại quả của ụ nổi 83M.

 

8h40: Tòa trích đọc bút lục Chiều khai “bộ hồ sơ chứng từ thanh toán ụ nổi đáng ra là Loan – kế toán trưởng Vinlines phải ký nhưng Loan không ký nên Chiều phải ký thay”. Lời khai này, tòa cho rằng khớp với lời khai của Loan trước đó là Loan phát hiện hồ sơ còn thiếu nhiều chứng từ, đã lên gặp Phúc báo cáo, đề nghị yêu cầu đối tác chuyển đầy đủ nhưng Phúc nói hồ sơ anh Chiều đã cầm đầy đủ, cứ ký nháy vào nhưng Loan không chịu.

 

Một lời khai khác của Chiều cũng được công bố là “Giữa tôi với Sơn không có quan hệ cá nhân gì để Sơn phải đưa tiền như vậy”. Chiều thừa nhận việc này đã khai tại cơ quan điều tra nhưng trình bày, muốn thanh minh thêm về hoàn cảnh lúc đó để tòa hiểu.

 

8h29: Tòa tiếp tục xét hỏi về số tiền 340 triệu đồng bị cáo Chiều nhận từ Sơn: "Bị cáo nhận 340 triệu đồng từ Sơn mà lại không biết đó là tiền gì?" Bị cáo Chiều biện giải: Thưa HĐXX, xin HĐXX xem xét lại hoàn cảnh lịch sử tại thời điểm đó. Lúc đó, bị cáo đã hỏi là số tiền này có dính dáng đến ụ nổi không. Sơn đã trả lời rằng, không liên quan gì đến dự án. Sơn cho biết thấy gia đình bác đang gặp khó khăn nên giúp đỡ. Lúc đó, gia đình bị cáo gặp nhiều khó khăn, bị cáo đã đi vay tiền Sơn. Bị cáo không chỉ vay tiền của Sơn mà còn vay của nhiều người khác. Cho nên, khi Sơn đưa số tiền 340 triệu đồng thì bị cáo nghĩ rằng đó là số tiền Sơn cho vay. Hơn nữa, bị cáo nghĩ mình không hề có phần trong khoản tiền lại quả 1,666 triệu USD.

 

Sau khi nghe Chiều lý giải, HĐXX tiếp tục hỏi: Động cơ, mục đích của bị cáo trong hành vi cố ý làm trái vụ án này là gì? Bị cáo: Thưa HĐXX, động cơ mục đích của bị cáo là mua ụ nổi về để sữa chữa phục vụ cho dự án. Mục đích mua ụ 83M là mua về để sửa chữa rồi sử dụng, chứ không phải mua về sử dụng ngay.

 

8h20: HĐXX đang tiến hành xét hỏi Trần Hữu Chiều về hợp đồng mua ụ nổi với mức giá chào hàng từ phía công ty Nga là dưới 5 triệu USD.

Xuất hiện chứng cứ mới, tạm hoãn phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng ngày thứ 5

Bị cáo Chiều trả lời các câu hỏi của HĐXX

8h13: Tòa hỏi: Khi khảo sát tại Nga, bị cáo có biết được phía công ty Nga chào giá ụ là dưới 5 triệu USD không? Chiều trả lời: Bị cáo có nghe loáng thoáng điều đó.

Tòa hỏi: Sau khi đi khảo sát về, bị cáo có lên báo có trực tiếp với Phúc không?

Bị cáo Chiều: Có ạ.

Tòa hỏi: Bị cáo đi cùng ai lên báo cáo? Trần Hữu Chiều khẳng định đi cùng bị cáo Sơn để lên báo cáo.

Tòa hỏi: Khi đó Phúc có ý kiến gì về việc công ty Nga chào giá dưới 5 triệu USD không? Bị cáo Chiều lý giải: Anh Phúc nói xem xét để mua được ụ nổi. Bị cáo đã báo cáo rằng tình trạng ụ là xấu, đã hỏng máy phát điện. Bị cáo nói rằng mua về để sửa chữa sau đó cho hoạt động thì được.

8h07: HĐXX xét hỏi bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines). Tại CQĐT, bị cáo đã khai về việc nhận thức ụ nổi có phải tàu hay không? Bị cáo Chiều: Đầu tiên bị cáo khai rằng ụ nổi không phải là tàu. Tuy nhiên sau đó, bị cáo khai nó hoạt động nằm trong quy phạm của tàu biển. Sau đó bị cáo đề xuất phải thuê một đơn vị giám định độc lập. Trước khi đi khảo sát, bị cáo không hề gặp bị cáo Dũng và Phúc. Khi báo cáo kết quả khảo sát, bị cáo Phúc có nói là cố gắng xem xét để mua ụ nổi về cho dự án.

8h00: Bị cáo Dương Chí Dũng đã có mặt tại phiên xử từ rất sớm, vẫn như 4 phiên tòa xét xử trước, Dương Chí Dũng ngồi một mình tại tòa. Đúng 8h các bị cáo khác lần lượt được dẫn giải vào phòng xử án.

Phiên tòa bắt đầu từ sáng ngày 22/4 và cho đến nay đã bước sang ngày thứ 5. Cho đến thời điểm hiện tại, sau một lần nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm đã quyết định quay trở lại tiến hành các phần xét hỏi và tranh luận, trước khi bước vào tuyên án.

Xuất hiện chứng cứ mới, tạm hoãn phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng ngày thứ 5

Dương Chí Dũng có mặt từ rất sớm tại phiên xử phúc thẩm ngày thứ 5 (28/4)

Qua diễn biến những ngày xử vừa qua, dư luận có thể thấy được phiên tòa phúc thẩm có thêm một số tình tiết mới của vụ án. Đầu tiên, tại phiên phúc thẩm, hai bị cáo chính của vụ án là Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã một mực khẳng định rằng không hề nhận một khoản tiền ‘lại quả’ nào từ việc mua ụ nổi 83M.

Trong khi đó, bị cáo Trần Hải Sơn lại khai nhận trước tòa, rằng đã đưa cho bị cáo Dũng và bị cáo Phúc mỗi người 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng đã đích thân sang tận Singapore để thu thập được bản tuyên thệ của ông Goh Heun Seow (GĐ Công ty AP). Trong đó, ông Goh cho biết mình không hề có thỏa thuận hay trao đổi nào với Dương Chí Dũng trước khi diễn ra việc mua ụ nổi 83M. Theo các luật sư, đây là một tình tiết có lợi cho bị cáo Dũng.

10 bị cáo bị TAND Hà Nội tuyên phạt ở cấp sơ thẩm:

1. Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.Tổng án phạt là tử hình.

2. Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là tử hình.

3. Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines) 14 năm tù về tội Tham ô, 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 22 năm tù.

4. Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 19 năm tù.

5. Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

6. Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) 4 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

7. Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên - Cục đăng kiểm Việt Nam) 7 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

8. Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) 8 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

9. Lê Ngọc Triện (Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.

10. Lê Văn Lừng (Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Ngoài ra, HĐXX buộc các bị cáo trả lại số tiền 28 tỷ đồng tham ô, liên đới bồi thường số tiền hơn 366 tỷ đồng do hành vi làm trái quy định nhà nước. Trong đó, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người phải bồi thường 110 tỷ đồng.

 

Nhóm PV