21 tỷ đồng và giá trị hạnh phúc

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 14:13, 11/04/2014

Không còn “quý phái” như thời điểm làm phu nhân Viện trưởng VKSND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, bà Nguyễn Thị Sạnh lê bước chân nặng nhọc ra trước vành móng ngựa với khuôn mặt rầu rĩ, xộc xệch.

Tất cả tiền tài, danh vọng cũng chỉ là ảo ảnh khi bà phải đối mặt với mức án 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Chính lòng tham vô đáy của bà đã đẩy nhiều gia đình vào chỗ bi kịch…

Phiên tòa xét xử bà Nguyễn Thị Sạnh được TAND tỉnh Bình Phước mở công khai ngày 1/4/2014 là một phiên tòa có nhiều khoảng lặng, có nước mắt của cả bị cáo lẫn nhiều người bị hại. Tổng cộng 23 nạn nhân của bà Sạnh, mỗi người một hoàn cảnh nhưng tựu chung đều trắng tay khi gửi trọn niềm tin cho bà phu nhân cựu Viện trưởng VKSND huyện Hớn Quản. Theo cáo trạng, từ đầu năm 2009 đến ngày 31/3/2010, bà Sạnh lợi dụng các mối quan hệ quen biết, lấy lý do cần vốn làm ăn, kinh doanh xăng dầu hoặc đáo hạn ngân hàng… lừa vay tiền của nhiều người.  Sau khi ôm khoản tiền lớn, bà Sạnh không sử dụng vào những việc như đã hứa khi vay. Đồng thời, dù kinh doanh không thua lỗ nhưng ngày 4/4/2010, bà Sạnh bất ngờ tuyên bố vỡ nợ. Các bị hại liền gửi đơn tố cáo, ngày 29/9/2011, Công an tỉnh khởi tố Nguyễn Thị Sạnh về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Đến ngày 24/9/2012, bị cáo Sạnh bị CQĐT thay đổi tội danh khởi tố sang tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Kết quả điều tra cho thấy, bà Sạnh đã lừa đảo, chiếm đoạt của 23 người với tổng số tiền lên tới 21,1 tỷ đồng.

21 tỷ đồng và giá trị hạnh phúc

 Bị cáo Sạnh

Những người dự khán thấm thía nỗi đau của những người bị hại khi chứng kiến họ rơi nước mắt kể lại quá trình sập bẫy lừa của “quý phu nhân” một thời. Bà Nguyễn Thị Liên, một nạn nhân nghẹn ngào: “Chúng tôi thấy bà Sạnh có chồng là Viện trưởng VKSND, tin tưởng nên mới cho mượn tiền. Ai ngờ, tiền mất tật mang”. Bị cáo Sạnh cho rằng, việc bà vay tiền, ông Trần Hoàng Sơn (chồng bị cáo, hiện đang là cán bộ VKSND tỉnh Bình Phước) không hề hay biết. Song, theo các bị hại, nhiều lần bà Sạnh vay tiền cũng có mặt Viện trưởng Sơn, không thể nói ông Sơn không biết. Cũng theo các bị hại, với việc kinh doanh xăng dầu và cao su, việc bị cáo Sạnh cho rằng vay mượn tiền của các bị hại để trả lãi suất là không có cơ sở. "Kinh doanh xăng dầu lúc nào cũng có lãi. Điều này chứng minh ở các khoản nộp thuế của doanh nghiệp bà Sạnh. Hơn nữa, thu nhập từ kinh doanh cao su của gia đình bị cáo rất lớn nên không thể có chuyện bị cáo phải nợ lãi để mà huy động một số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng như vậy. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, bị cáo Sạnh cùng gia đình đã tẩu tán tài sản hòng chiếm đoạt của người dân chúng tôi”, một bị hại khẳng định. Các bị hại đề nghị HĐXX xử lý nghiêm hành vi của bị cáo Sạnh, đồng thời tuyên buộc bị cáo Sạnh cùng chồng hoàn trả lại số tiền cho các bị hại.

Trước khi HĐXX vào nghị án, bà Sạnh nói lời sau cùng với thái độ ăn năn, xin lỗi  những  người bị bà chiếm đoạt tài sản, rơi vào cảnh tan cửa nát nhà. Những người bị hại không chấp nhận lời xin lỗi vì họ cho rằng, bị cáo vẫn quanh co, nại lý do làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ để né tránh khắc phục hậu quả. Bản án sơ thẩm tuyên phạt bà Sạnh 17 năm tù, buộc bị cáo phải khắc phục hậu quả, trả lại khoản tiền chiếm đoạt của các bị hại theo luật định. Nhìn bà phu nhân nguyên Viện trưởng VKS lặng lẽ cúi đầu, cô đơn rời khỏi phiên tòa, bỏ lại phía sau một khoảng trống bất hạnh cho người bị hại và chính bản thân bị cáo, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Mong bị cáo ngộ ra rằng, hạnh phúc, sự bình an của bản thân, của gia đình không thể dùng tiền để đánh đổi… 

An Dương