Bi kịch đứa con rơi
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 15:57, 19/03/2014
Phía sau bi kịch của An là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc làm cha, làm mẹ về sự ảnh hưởng của môi trường sống đến nhận thức và tâm lý của trẻ…
Nguyễn Hoàng An sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc. Bố mẹ An đều là những người dân sinh sống lênh đênh sông nước nay đây mai đó ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. An tâm sự, bị cáo dường như không có tuổi thơ, những gì An nhớ được chỉ là những chuỗi ngày buồn, bố bị đưa đi cải tạo, mẹ sống buông thả, kết quả là bố An bỏ đi biền biệt. Còn mẹ An tiếp tục nuôi 4 anh em, có điều mỗi đứa một người cha khác nhau. Không đứa nào nhận được sự quan tâm, dạy dỗ từ bố mẹ nên sống như cây cỏ, không được cắp sách đến trường học như những đứa bạn cùng trang lứa.
Cuộc sống nghèo khó cứ trôi qua, An rất tò mò muốn khám phá cuộc sống trên bờ. Trong một lần ghe của mẹ An ghé qua TP Vĩnh Long, anh em An được đưa lên bờ. Được tự do bay nhảy nên An thường đến các tụ điểm cờ bạc chơi, thỉnh thoảng được cho tiền mua quà nên cậu bé rất thích. An bắt đầu thấy chán chường cuộc sống chen chúc trong chiếc ghe nhỏ. Đến năm 12 tuổi, An đoạn tuyệt với cuộc sống lênh đênh sông nước bằng cách bỏ lên bờ lang thang nay đây mai đó. An lấy công viên làm nơi cư ngụ, thường la cà các sòng bạc, kết bạn với những đứa trẻ cùng cảnh ngộ. Ban ngày cả nhóm đi rình rập, trộm cắp tài sản lấy tiền tiêu xài. Nếu có tiền thì cả nhóm vào các tiệm chơi game thâu đêm suốt sáng. An và những đứa trẻ xem trộm cắp là nguồn nuôi sống bản thân, sống không cần biết đến tương lai.
Trong một lần trộm cắp, An bị Công an bắt giữ, An không có giấy tờ, ngay tuổi của mình cũng không biết. Tuy nhiên, do giá trị tài sản trộm cắp không nhiều nên An chỉ bị nhắc nhở. An không biết sợ, tiếp tục thực hiện nhiều vụ trộm ngày càng nghiêm trọng. Đến giữa năm 2013, An lại bị bắt quả tang trong một vụ trộm xe đạp, trong đó có một túi xách đựng 8 nhẫn vàng 24K và 3,4 triệu đồng (tổng trị giá hơn 77,5 triệu đồng). Cơ quan điều tra Công an TP Vĩnh Long đã trưng cầu giám định tuổi An để xử lý. Kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự cho thấy, lúc thực hiện hành vi trộm cắp, An đã 17 tuổi. Công an TP Vĩnh Long đã khởi tố bị can đối với An để xử lý.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo An khai nhận toàn bộ hành vi “Trộm cắp tài sản”. Những người dự khán không ngạc nhiên về những điều một đứa trẻ như An thực hiện mà ngỡ ngàng về những điều mà người bố của bị cáo thể hiện tại phiên tòa. Ông Nguyễn Hải Triều (bố An) được Tòa án triệu tập đến dự tòa với tư cách người giám hộ cho bị cáo. Thế nhưng, thay vì thương cho đứa con lầm lỗi và nhìn thấy trách nhiệm của bản thân, ông Triều lại thể hiện thái độ “vô cảm” đến không ngờ. Ông nhìn đứa con ốm yếu đứng trước vành móng ngựa bằng ánh mắt ráo hoảnh, tỏ vẻ gắt gỏng vì bị các cơ quan chức năng triệu tập khi xử lý vụ án. Thậm chí, ông còn tuyên bố: “Nó không phải là con tôi, lần sau hãy mời mẹ nó ra Tòa”. Tuy nhiên, mẹ của An cũng đã bị khởi tố về tội “Tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có” nên không thể tham gia tố tụng. Nghe bố nói những điều đó, bị cáo An cúi đầu, nước mắt nhạt nhòa. Trước khi tòa vào nghị án, ông Triều cũng không hề xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho con, những gì người đàn ông vô tâm này thể hiện tại Tòa khiến những người dự khán phải lắc đầu ngao ngán. Ai đó thốt lên: “Có người cha tồi tệ như vậy, trách gì con cái không hư hỏng”.
Vụ án khép lại bằng hình phạt 1 năm 6 tháng tù dành cho bị cáo An về tội “Trộm cắp tài sản”. Vụ án cho thấy, để hạn chế trẻ phạm tội cần phải kết hợp nhiều yếu tố, sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình là quan trọng nhất. Các bậc phụ huynh phải là tấm gương về đạo đức, nhân cách để con cái noi theo…