Chiêu lừa ngoạn mục của “bà đại úy”
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 09:54, 27/12/2013
Mới đây, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Hồng (29 tuổi, ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bằng thủ đoạn sử dụng quân phục, tự xưng đại úy, Phó Giám đốc một trường dạy nghề của quân đội, Hồng đã khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin, giao hàng tỷ đồng để “chạy việc”, trong đó có cả những người tàn tật nghèo khổ bị sập bẫy lừa một cách chua xót…
Những giọt nước mắt mặn đắng của các nạn nhân đã rơi xuống khi nghe bị cáo Nguyễn Thị Hồng khai nhận lại quá trình phạm tội. Hồng xuất thân bằng nghề cắt tóc gội đầu tại gia, năm mới ngoài hai mươi tuổi, Hồng quen thân với một người khách thường xuyên đến tiệm thư giãn. Sau đó, hai người nảy sinh tình cảm và đi đến hôn nhân. Do tuổi đời còn trẻ, chưa có kinh nghiệm sống nên ở với nhau được một thời gian, vợ chồng Hồng thường cãi vã liên miên, sau đó, hai người kéo nhau ra Tòa ly hôn. Việc người chồng bỏ đi để lại Hồng một mình xoay xở với hai đứa con thơ dại là một cú sốc tâm lý khiến Hồng thay đổi tâm tính.
Sau khi bỏ chồng, Hồng bắt đầu tìm những mối quan hệ mới. Dù nhan sắc vào loại trung bình nhưng Hồng lại có cái mồm dẻo quẹo nên sớm có cuộc tình mới với một cán bộ địa chính xã là Trần Dương Long, quê ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian tìm hiểu nhau, Hồng thường vỗ ngực tự xưng là “đại úy quân đội”, Phó Giám đốc Trường dạy nghề số 8, thuộc Bộ Quốc phòng. Tưởng Hồng thuộc loại “có số, có má” nên chỉ sau một thời gian quen biết ngắn ngủi, anh Long đã ngỏ lời muốn được chung sống với Hồng. Thấy tình mới “cắn câu”, Hồng bỏ mặc hai con nhỏ cho bố mẹ nuôi dưỡng để thoải mái tái hôn.
Tại quê chồng, Hồng liên tục tô vẽ để tạo dựng hình ảnh một bà “đại úy” kiêm Phó Giám đốc trường dạy nghề có mối quan hệ rất rộng. Để tạo sự tin tưởng của mọi người, Hồng thường diện bộ quân phục sỹ quan với quân hàm đại úy sáng loáng với bảng tên Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trường dạy nghề số 8, Bộ Quốc phòng. Với mác “sỹ quan”, Hồng nhanh chóng kết thân được với một số Công an viên xã Xuân Trường, trong đó có anh Trần Văn Cảnh. Từ mối quan hệ này, Hồng quen biết thêm nhiều người và luôn kể về những mối quan hệ có thể “chạy trường”, “chạy việc” làm sỹ quan quân đội, Công an và nhiều công việc quan trọng khác… Tin lời Hồng, bà Nguyễn Thị Quỳnh, một người bị tật, phải đi lại bằng nạng gỗ đã thế chấp “sổ đỏ” gia đình, vay mượn đưa cho Hồng 110.000.000 đồng để xin cho con bà vào ngành Công an. Kể cả những người thân phía gia đình chồng, Hồng cũng không tha. Với suy nghĩ “một người làm quan cả họ được nhờ”, nhiều người đã không tiếc tiền gửi gắm cho Hồng để rồi sau đó ngậm “trái đắng”.
Không chỉ kiếm tiền theo kiểu “tay không bắt giặc”, Hồng còn dùng chính các mối quan hệ với một số Công an, quen biết để lừa chính người nhà họ. Trong số đó có chị Tuyết (ngụ xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc), vốn là chị gái của một Công an xã Xuân Trường. Trong một lần ghé chơi nhà chị Tuyết, Hồng “nổ” về khả năng xin việc, chị Tuyết tin tưởng nên đưa trước cho Hồng gần 80.000.000 đồng để “quan hệ” kiếm việc làm cho hai con. Với những thủ đoạn tinh vi, Hồng đã lừa tổng cộng 9 người, chiếm đoạt số tiền hơn một tỷ đồng…
Hồng khai nhận, số tiền lừa đảo được đã dùng để mua sắm nhiều vật dụng cho gia đình chồng. Tuy nhiên, chồng và mẹ chồng của Hồng đều bác bỏ lời khai của bị cáo. Hồng ân hận: “Bị cáo xin lỗi mọi người, xin Tòa giảm án, cho bị cáo cơ hội để về làm lại cuộc đời bên hai đứa con nhỏ của mình”. Vụ án khép lại với mức án 12 năm tù dành cho Hồng. Ngoài ra, bị cáo còn phải khắc phục hậu quả, trả lại khoản tiền đã chiếm đoạt của 9 người bị hại. Vụ án một lần nữa là bài học cảnh giác đắt giá cho tất cả mọi người.
(Tên người bị hại đã được thay đổi)
An Dương