Đầu thú khi nghe tiếng con cười
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 11:01, 20/12/2013
Dù lo sợ nhưng Trọng vẫn là người chồng, người cha thương vợ, nhớ con nên gọi điện thăm hỏi. Sau khi nghe tiếng vợ khóc và tiếng cười của con nhỏ, Trọng sám hối vô cùng và quyết định ra đầu thú, chấm dứt những ngày trốn chui lủi để đối diện với sự trừng phạt của pháp luật. Đó là sự lựa chọn đúng đắn để bị cáo còn nhìn thấy tương lai…
Phiên tòa xét xử Nguyễn Trọng diễn ra lặng lẽ trong thái độ ân hận của bị cáo xen lẫn tiếng nấc của người vợ trẻ. Trọng là con trai trưởng trong một gia đình có hai con trai. Trọng lấy vợ khi còn trẻ và sớm có 2 con, cháu lớn đã 5 tuổi và cháu nhỏ mới 1 tuổi. Trọng chăm chỉ làm ăn và sống có trách nhiệm với vợ con. Khác với Trọng, cậu em Nguyễn Trung (18 tuổi) lại rất ham chơi, các buổi tối, Trung thường tụ tập cùng bạn bè đi chọc ghẹo phụ nữ. Đêm 2/3/2013, Trung đi đến khu vực trước cổng Trường THPT Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch thì gặp Vũ Văn Tiến (19 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch) điều khiển xe máy chở bạn gái là Ngọc Trinh đi trên đường. Thấy Trinh xinh đẹp, Trung liền buông lời ong bướm. Tiến không khỏi bực tức vì Trung quá coi thường mình nên gọi điện thoại cho Phước và Tâm (Cơ quan điều tra chưa xác định được lai lịch) chuẩn bị hung khí để “dạy cho Trung một bài học”.
Để kích động Trung, Tiến liền rú ga khiêu khích và phóng về phía quán cà phê Ngọc Trâm, nơi hai “chiến hữu” đã chuẩn bị hung khí chờ sẵn. Trung hăng máu đua theo Tiến, khi gần đến gần quán Trung đuổi kịp và dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu Tiến. Trúng đòn đau, Tiến loạng choạng ngã xuống đường. Cùng lúc này, Phước và Tâm đã chuẩn bị dao từ trước, bất ngờ xông ra chém Trung vào đầu và lưng. Một sự sắp đặt nghiệt ngã, đêm đó Trọng chở vợ cùng 2 đứa con nhỏ về nhà ngoại chơi, sau đó quay về nhà và đi qua hiện trường vụ đánh nhau. Nghe mọi người xung quanh hô hoán nên Trọng quan sát và nhìn thấy Trung đang bị ba thanh niên lạ mặt đuổi đánh. Mặc dù không biết nguyên nhân ra sao nhưng trước hoàn cảnh đó, Trọng vẫn dừng xe để xông vào giúp em. Nhóm thanh niên thấy Trung có “đồng minh” nên xông vào đánh cả hai người. Nguyễn Văn Long, bạn của Tiến dùng dao định đâm Trung, thấy em trai nguy cấp, Trọng chạy tới chặn Long và giật được con dao. Sau đó, Trọng dùng dao đâm một nhát trúng ngay vào cổ Long khiến nạn nhân gục chết tại chỗ. Gây án xong, Trọng bỏ chạy khỏi hiện trường. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và truy bắt Trọng, riêng Tiến bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”.
Khi đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Trọng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Vị Thẩm phán xét hỏi: Vì sao sau khi đâm chết người bị hại, bị cáo lại bỏ trốn? Trọng cúi đầu giải thích nguyên nhân: “Bị cáo bỏ trốn vì quá hoang mang. Sau hai ngày chui lủi, bị cáo đã suy nghĩ rất nhiều và nhớ vợ con. Khi gọi điện thoại về nhà, nghe tiếng khóc của vợ, tiếng cười ngây thơ của con, bị cáo đã bừng tỉnh. Bị cáo nhận thấy cần ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”
Trong khi đó, ngồi ở hàng ghế người bị hại do bị Tiến gây thương tích, Nguyễn Trung tỏ ra rất buồn bã, ân hận vì chính sự hiếu thắng của Trung là nguyên nhân gây ra vụ án. Trung tâm sự: “Lẽ ra em phải chịu tội chứ không phải là anh Trọng. Anh ấy còn vợ và hai con nhỏ, để anh ấy vào tù về tội “Giết người”, em thật đau đớn”. Sự hối hận lên đến đỉnh điểm khiến Trung bật khóc ngay tại Tòa vì thấm thía hệ lụy của một phút bồng bột nhất thời đã gây ra bi kịch quá lớn.
Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, trong đó có việc bị cáo ra đầu thú, HĐXX đã tuyên phạt Trọng 8 năm tù về tội “Giết người”, riêng Tiến lãnh 16 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Trọng lê bước chân nặng nề ra khỏi phòng xử án, ngoái mắt nhìn lại người vợ trẻ đã gục xuống ghế vì quá đau khổ. Gánh nặng chăm lo gia đình đã dồn hết xuống đôi vai người vợ trẻ, còn Trọng ôm nỗi ân hận khôn nguôi, giá như bị cáo tỉnh táo, có ý thức tuân thủ pháp luật thì đã tránh được một bi kịch thương tâm…
(Tên bị cáo đã được thay đổi)
An Dương