Lấy "mác" sỹ quan lừa hàng trăm triệu đồng
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 09:37, 08/06/2013
Phạm Tuấn Anh (SN 1985) là con thứ hai trong một gia đình nghèo ở xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ nhỏ, Anh đã chăm chỉ với nghiệp đèn sách mong thoát được cái nghèo. Ở cái xã mà hắn đang sống người dân chỉ bám vào mấy sào ruộng, còn những gia đình có con trong độ tuổi lao động thì “Nam tiến” mong kiếm được việc làm vừa nuôi sống bản thân vừa có tiền phụ giúp thêm gia đình. Cái nghèo cứ đeo đẳng gia đình mãi. Được cái y có một cái đầu sáng lạng, nổi tiếng học giỏi nhất làng, gia đình lối xóm ai cũng kỳ vọng y sẽ thành tài và có một chỗ đứng trong xã hội. Hằng ngày y vừa đi học vừa phụ giúp gia đình. Cuộc sống cứ thế mỗi ngày trôi qua trên cái xóm nhỏ là những ngày vất vả của người nông dân cần cù chịu khó. Niềm vui vỡ òa với gia đình khi Anh thi đỗ Đại Học Khoa học Huế. Có lẽ y đã hoàn thành được niềm mong mỏi của từng thành viên trong gia đình nhỏ bé ấy. Giờ bố mẹ y lại phải làm nhiều hơn trước để chu cấp cho cuộc sống cũng như việc học hành của con.
Cuộc sống vất vả sinh viên cũng để cho y biết được quý trọng những gì mà mình đang có. Ra trường với ước mơ sẽ tìm một công việc xứng đáng với năng lực của bản thân. Nhưng có lẽ ước mơ cháy bỏng nhất của một chàng thư sinh là khoác trên mình bộ quân phục người lính. Y lại thi đỗ trường sỹ quan chính trị Bộ Quốc phòng. Ngôi trường y học là niềm mong mỏi và ước mơ của nhiều người, thế nhưng y đã tự bóp chết cái tương lai mà mình đã tạo dựng bấy lâu nay.
Theo cáo trạng của VKS, Phạm Tuấn Anh là sỹ quan tại ngũ, cấp bậc Thiếu úy, nhập học hệ 2 trường sỹ quan chính trị vào tháng 12-2011, sau đó buộc thôi học trả về địa phương vào tháng 5-2012. Biết được cái xóm nơi y sống là những người nông dân chân chất, thật thà, đánh vào tâm lý những ông bố bà mẹ muốn đầu tư vào tương lai của con nên với “mác” học viên Trường sỹ quan chính trị, quen biết nhiều, có khả năng xin việc cho người khác vào học các trường của quân đội. Đầu năm 2011 đến năm 2012, y đã thực hiện hai vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi được HĐXX yêu cầu tường trình lại quá trình phạm tội, y đã kể một cách rạch ròi: Ngày 6/2/2011 trong lúc về quê ăn tết, y đã đến nhà ông Đỗ Văn Tùng ở Hòa Trạch, Bố Trạch và nói với ông Tùng sẽ lo cho con trai ông là Đỗ Văn Tú (Đại học sư phạm Huế) thi đỗ vào hệ hai trường sỹ quan chính trị với chi phí 120 triệu đồng. Tin vào đức tính thật thà của anh sĩ quan cùng với mong muốn cho con được vào một trường danh tiếng nên ông Tùng đã đồng ý ngay và chuyển trước 20 triệu đồng vào ngày 7/2/2011, sau đó ông Tùng tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của Anh 4 lần với số tiền 100 triệu đồng. Sau đó, Phạm Tuấn Anh tiếp tục nói dối là phải lo để cho người thi hộ cho Thái và yêu cầu ông Tùng phải chuyển tiếp 60 triệu đồng nữa.
Qua quá trình tìm hiểu ông Tùng biết năm 2011, Trường sỹ quan chính trị không tuyển sinh hệ 2 nên đã trao đổi với y. Với những lời lẽ ngọt ngào,cùng với khả năng thuyết phục, y đã rót vào tai ông Tùng đường tương lai đầy rộng mở của con ông, anh sẽ xin vào làm giảng viên tại trường và yêu cầu ông chuyển tiền thêm. Và gia đình ông Tùng lại chuyển vào tài khoản của y 3 lần với số tiền là 35 triệu đồng. Để ông Tùng được yên tâm, Anh đã làm hợp đồng vay tiền vào ngày 3/9 với số tiền là 270 triệu đồng. Nhưng thực tế số tiền mà y nhận từ ông Tùng là 215 triệu đồng. Khi HĐXX hỏi trong quá trình học trong trường chính trị bị cáo có cờ, bạc, rươu chè gì không? Y trả lời là có. Số tiền mà y lấy của ông Tùng chủ yếu chi vào mục đích cá nhân và trang trải nợ nần trong những ngày ăn chơi trác táng.
Thấy công việc có vẻ thuận lợi, lấy tiền người dân quá dễ nên y đã thực hiện phi vụ thứ 2. Biết được con bà Dương Thị Luận ở Hòa Trạch, Quảng Trạch, Quảng Bình vừa thi trượt đại học, ngày 22/1/2012 với bộ quân phục áo lính, y đến nhà bà Luận và đặt vấn đề về việc sẽ lo cho con bà vào trường Học viện kỹ thuật quân sự với chi phí 205 triệu đồng. Như bắt được mối bà Luân đồng ý ngay và giao trước cho y 5 triệu đồng, sau đó bà Luân chuyển khoản 3 lần với số tiền 150 triệu đồng. Trong quá trình chuyển tiền để bà Luân yên tâm Anh đã làm hợp đồng vay tiền vào ngày 3/2/2012 với số tiền 205 triệu đồng gửi về cho bà Luân. Nhưng thực tế y đã chiếm đoạt của bà Luân tổng số tiền là 155 triệu đồng và sử dụng vào mục đích cá nhân.
Biết được hành vi lừa đảo của Anh, gia đình ông Tùng đã báo cáo sự việc với Ban giám hiệu trường sỹ quan chính trị. Nhà trường buộc y phải thôi học, gia đình bị hại nhiều lần gọi điện bắt y trả lại số tiền mà y đã lấy, y không trả mà con có những lời nói thô lỗ và lăng mạ gia đình nạn nhân.
Sau khi thôi học, Phạm Tuấn Anh sống lang thang ở thành phố Huế cho đến ngày 20/12/2012 bị Công an phường Vĩnh Ninh, TP Huế bắt theo lệnh truy nã của cơ quan CSĐT Công an Bố Trạch.
Tham dự phiên tòa có đông đủ bà con lối xóm của hắn, ai cũng ngơ ngác và không ngờ được rằng hắn có thể lừa tiền người dân vô tội một cách trắng trợn đến vậy. Ai cũng lắc đầu và ồ lên khi mỗi lần nghe hắn trả lời các câu hỏi của HĐXX đưa ra. Mẹ bị cáo khóc nức nở không dám ngẩng lên nhìn mặt ai, lâu lâu nghe mắt nhìn lên vành móng ngựa nơi đứa con tội lỗi của bà đang đứng đó, còn y thì không dám nhìn về đằng sau cứ đi thụt lùi khi chủ tọa cho về chỗ ngồi, mắt hắn ngấn lệ có lẽ lòng hắn đang sám hối.
Sau phần nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo 9 năm tù về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Phiên tòa khép lại để lại trong lòng người dân Hòa Trạch một bài học cảnh tỉnh cho những ai hay nhẹ dạ cả tin, còn những người bị hại thì mặt buồn rười rượi, bao năm làm ăn vất vả, chắt góp lại mới được ít tiền, còn gia đình hắn làm sao trả nổi trong khi bố mẹ hắn đã già, còn anh trai lại không bình thường, đứa em gái thì còn quá nhỏ.
*Tên nạn nhân đã được thay đổi