Phiên toà ở vùng biên hoá giải chuyện “con ma rừng”
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 21:35, 10/09/2012
Trong vụ án nói trên, cả bị hại lẫn bị cáo đều là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, để có một bản án hợp tình hợp lý, vừa đủ cứng rắn để răn đe, làm gương nhưng lại mang tính nhân văn là một áp lực với những người tham gia xét xử…
Thượng tá Đoàn Ngọc Đăng, Phó Chánh án Tòa án quân sự Quân khu 5
Áp lực từ luật tục “giết người phải đền mạng”
Nguyễn Văn Phụ (SN 1990, quê Thạch Thành, Thanh Hóa; cư trú tại xã Mô Rai, Sa Thầy, Kon Tum) là người dân tộc Mường đã từng yêu thương Vi Thị Tình (SN 1990, ở Yên Khương, Lang Chánh, Thanh Hóa) người dân tộc Thái nhưng họ không đến được với nhau. Cả hai cùng vào Kon Tum làm công nhân khai thác mủ cao su tại Công ty 78 Binh đoàn 15 và mỗi người đều lập gia đình riêng.
Cùng cảnh tha phương, là đồng hương, công việc cùng một chỗ và lại là “tình xưa nghĩa cũ” nên họ thường xuyên gặp nhau. Thời điểm xảy ra án mạng là khoảng 3 giờ sáng 1-1-2011. Lúc này, tại lô cao su 9B của đội 3, Phụ chuẩn bị ra về thì nhìn sang thấy lô của Tình có ánh đèn pin sáng, Phụ tưởng đó là anh Hậu (chồng của Tình) nên đi qua để hỏi chuyện.
Phụ hỏi Tình: “Thằng Hậu đâu?”
Tình: “Nó bị sốt ở nhà”
Phụ: “Chồng mày lừa tao, nợ tiền tao, nói nó coi chừng…”
Tình: “Mâu thuẫn gì thì hai người tìm nhau mà giải quyết, tôi không biết”.
Nghe vậy, Phụ đã đánh Tình, khiến cô khóc lớn. Sợ mọi người xung quanh nghe thấy nên Phụ đã xông đến bịt miệng Tình. Không hiểu vì trong ánh đèn pin mờ ảo Phụ thấy Tình đáng yêu hay vì những va chạm cơ thể khi Phụ ôm Tình để bịt miệng đã khiến cho hắn thấy trong người “khó chịu”. Những khát khao thể xác của một người đàn ông khi vợ đang ở cữ khiến hắn dùng vũ lực kéo chị Tình vào vùng vắng của vườn cao su để chiếm đoạt thân xác chị.
Thỏa mãn dục vọng với “người yêu cũ” và bây giờ là “vợ bạn” xong, Phụ lờ mờ nghĩ ra, bây giờ mà để như vậy hẳn Tình sẽ tố cáo hành vi của mình. Hắn nghĩ ngay đến việc giết Tình để phi tang chứng cứ. Phụ đã ra tay sát hại chị Tình một cách tàn độc. Xong, hắn đưa xác chị Tình vứt vào một lùm cây ở bìa rừng rồi quay về như chưa có chuyện gì xảy ra.
Thượng tá Đoàn Ngọc Đăng, Phó Chánh án TAQS-QK5 cho biết, ngồi ghế HĐXX hôm đó, cái khó không phải là xử án mà là làm như thế nào để làm yên lòng dân vì dư luận xã hội ở vùng quê xa xôi, nơi mà người ta thường nói với nhau “Một con gà gáy ba nước cùng nghe” đang thực sự hoang mang vì vụ án. Họ không hiểu được đó là án mạng do con người gây ra mà một mực cho rằng đang có yếu tố thần linh, ma quỷ về bắt tội dân làng. Một người nói mười người nghe, mười người nói thì cả làng, cả xã đều cho đó là sự thật.
Muốn người dân tin, tâm phục khẩu phục, tại phiên tòa xét xử lưu động hôm đó, những người ngồi ghế HĐXX đã từng bước làm sáng tỏ vụ án giết người. Việc luận tội và buộc tội bị cáo nhưng phải thể hiện được tình người ở một nơi dân trí còn thấp và luật tục “giết người phải đền mạng” còn tồn tại, không phải là chuyện đơn giản.
Bản án thuận lòng dân
Việc Tình mất tích khiến cả nông trường cao su dạo ấy vắng bóng chị em đi làm. Những con ma rừng đã bắt Tình là câu chuyện đi đâu, ngồi đâu cũng được người dân rỉ tai nhau. Dù cán bộ có hết lời giải thích thì cuối cùng đáp lại cũng chỉ là những cái lắc đầu nguầy nguậy. Chỉ đến khi nhìn Phụ trong bộ áo phạm nhân, đứng trước vành móng ngựa thì câu chuyện về “con ma rừng” mới có phần lắng xuống.
Nói về vụ án này, bị cáo Phụ vốn là một thanh niên hiền lành, chỉ một phút không làm chủ được dục vọng đê hèn đã có hành vi giao cấu trái ý muốn với chị Tình. Rồi từ hành vi phạm tội đó, y mới tiếp tục thực hiện hành vi khác để che đậy tội lỗi nên đã dẫn đến hậu quả đau lòng trên.
Bản thân Phụ là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức hạn chế, nên đã không kiểm soát được hành vi của mình. Rõ ràng, bị cáo đã phạm vào 2 tội danh rất nghiêm trọng “Hiếp dâm” và “Giết người”. Như vậy bị cáo phải đối mặt với hình phạt cao nhất, đó là tử hình.
Hành vi phạm tội của bị cáo đã quá rõ nhưng HĐXX nhận thấy bị cáo không hề có chủ định từ trước mà do bộc phát. Khi đạt được mục đích thứ nhất, bị cáo mới nghĩ ra việc làm tiếp theo… và không hề nghĩ rằng tất cả những việc mình làm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tuy vậy, luật tục “giết người phải đền mạng” của địa phương khiến cho HĐXX hôm đó bị áp lực rất lớn. Làm sao đưa ra một bản án để làm bài học giáo dục, phòng ngừa chung cho mọi người và bị cáo phải chịu một mức hình phạt thích đáng với những hành vi phạm tội của mình nhưng qua đó lại thể hiện được tình người? Cuối cùng, sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phụ 4 năm tù về tội “Hiếp dâm” và tù chung thân về tội “Giết người”, tổng hình phạt là tù chung thân.
Sau khi phiên tòa kết thúc, những lời đồn thổi về con ma rừng không còn nữa. Người dân vùng biên ải đã hiểu rõ kẻ thủ ác là ai và hắn đã phải nhận hình phạt nghiêm minh từ pháp luật.
“Nhận thức về pháp luật của người dân tộc thiểu số còn có phần hạn chế, vì vậy ngoài hình phạt, mình phải để họ có con đường hướng thiện. Trăn trở, băn khoăn nhưng cuối cùng bản án hợp lý, tương xứng với mức độ, tính chất hành vi phạm tội của bị cáo cũng được tuyên… Đó chính là khi cái đầu lạnh được hòa hợp với một trái tim luôn ấm tình người”… Thượng tá Đoàn Ngọc Đăng nói, như là cái kết cho câu chuyện của mình.
(Tên bị hại và bị cáo đã được thay đổi)
“Đứng trước bất kỳ một vụ án nào, đặc biệt là các vụ án hình sự nghiêm trọng, người ngồi ghế Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa cần phải có một cái đầu lạnh để phân giải cho thật chính xác hành vi phạm tội của bị cáo để tuyên phạt, đồng thời cần có một trái tim luôn nóng để thể hiện được tình người ở trong đó….” - Phó Chánh án TAQS-QK 5, Thượng tá Đoàn Ngọc Đăng. |
Mạnh Cường