Kết cục buồn của hôn nhân “lệch nhịp”

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 09:24, 22/08/2012

Bản án ly hôn được tuyên, vị nữ Thẩm phán đọc xong vẫn ngập ngừng như muốn nói thêm điều gì...

Chứng kiến nhiều cuộc chia tay giữa chốn công đường với đủ tình tiết éo le ngang trái, tôi vẫn thấy nao lòng vì việc ly hôn của đôi vợ chồng này chỉ do sự chênh lệch về trình độ học vấn, dẫn đến những mâu thuẫn khó hàn gắn, hôn nhân đi vào bế tắc...

Chị Nguyễn Thanh Thảo đưa ra nhiều lý do để xin Tòa chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình. Nguyên nhân chủ yếu là do vợ chồng chênh lệch về trình độ học vấn. Chị Thảo tâm sự: Khi mới yêu nhau, chị biết rằng anh học hành chưa đến nơi đến chốn, mới hết lớp 8. Trong khi đó, chị tốt nghiệp đại học, làm công chức nhà nước. Bố mẹ chị khuyên nên cân nhắc khi lập gia đình vì trình độ học vấn quá “lệch nhịp” sẽ khó tìm được sự đồng cảm trong cuộc sống vợ chồng. Do men say tình ái mà chị Thảo bỏ qua tất cả những rào cản đó, chị nghĩ rằng tình yêu mới quan trọng, còn địa vị hay trình độ không làm nên hạnh phúc gia đình.

Anh Trần Thanh Hùng, chồng chị Thảo tuy không học cao nhưng cũng rất chí thú làm ăn, biết vun vén cho gia đình. Thời gian đầu, cuộc sống vợ chồng khá hạnh phúc với một cô con gái dễ thương. Chị Thảo tiếp tục học cao học để tiếp tục nâng cao trình độ. Chị cũng khuyên chồng nên đi học bổ túc để có thêm kiến thức, phân tích cái hay, cái lợi của việc học thêm đối với anh. Tuy nhiên, anh lắc đầu vì ngại ngùng. 

 

Sau một thời gian chung sống, những mâu thuẫn vì sự chênh lệch học vấn giữa  vợ chồng chị Thảo dần phát sinh. Hai người gặp khó khăn trong việc tìm sự đồng cảm tâm hồn, anh Hùng rất ít tâm sự. Ban đầu, chị Thảo trao đổi với chồng về những khó khăn trong công việc, chuyện học hành, chị tâm sự cùng anh với mong muốn nhận được lời khuyên thì chỉ được anh đáp: “Việc của em quá phức tạp, anh không thể giúp được!” Đến nỗi, vợ chồng sống chung nhà mà họ chỉ nói vài câu qua loa về những chuyện vặt vãnh, thấy cần thì nói, không thì cứ im lặng như chiếc bóng. Sau vài lần không tìm được tiếng nói chung với chồng, chị Thảo thu mình lại, tìm vui nơi công việc và bạn bè.  

 

Chính vì vợ ít nói chuyện nên anh Hùng lại nghĩ chị Thảo thay lòng đổi dạ, anh nghi ngờ và ghen tuông. Chị Thảo phát hiện chồng lén kiểm tra điện thoại, đọc tin nhắn để kiểm soát việc quan hệ của chị. Thậm chí, buổi tối chị đi học, anh Hùng lấy lý do ngăn cản, khó chịu, thậm chí nặng lời mắng mỏ vợ. Khi chị Thảo góp ý, anh Hùng tự ái: “Cô đừng cậy mình học cao biết rộng mà về nhà xem thường chồng”. Sự phản ứng của anh Hùng càng tạo ra khoảng cách vô hình giữa đời sống vợ chồng. Bản thân anh cũng hiểu rằng, sự chênh lệch trình độ học thức là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân của họ rạn nứt. Tuy nhiên, anh Hùng không vượt qua được chính mình. Chị Thảo đành đưa ra quyết định ly thân để cả hai cùng có thời gian nhìn lại bản thân. Anh Hùng tự ái, chấp nhận chia tay vợ để giải phóng cho nhau.

 

Tại phiên tòa xét xử vụ ly hôn, chị Thảo và anh Hùng đều bày tỏ nguyện vọng  chia tay nhau do “hạnh phúc hôn nhân không đạt được”. Nữ Thẩm phán cố gắng hòa giải hàn gắn tình cảm vợ chồng chị Thảo vì xét thấy mức độ mâu thuẫn không đến mức nghiêm trọng. “Hai người đã vượt qua nhiều trở ngại để đến được với nhau, lập tổ ấm gia đình, vậy thì tại sao ông bà không điều chỉnh bản thân để tiếp tục cuộc sống vợ chồng? Vẫn còn cơ hội để đoàn tụ, chúng tôi mong ông bà nghĩ lại, không chỉ là hạnh phúc bản thân mà còn vì tương lai con cái”. Tuy nhiên, cả anh Hùng, chị Thảo đều bày tỏ không thể chịu đựng được nhau vì sự chênh lệch trình độ học vấn và bất đồng về lối sống. 

 

Bản án chấp nhận thuận tình ly hôn được tuyên đã chính thức chấm dứt đời sống vợ chồng của anh Hùng, chị Thảo. Sau phiên tòa, vị Thẩm phán trầm tư: “Một vụ ly hôn thật đáng tiếc. Cả hai người từng khó khăn mới đến được với nhau, cùng đều chăm lo tạo dựng kinh tế gia đình vững chắc. Giá như cả hai đều tìm cách bổ sung, hoàn thiện bản thân thì nhận thức giữa họ sẽ không bị “lệch nhịp”, không tạo ra những khoảng trống tâm hồn. Thật khó để giữ ngọn lửa hạnh phúc nếu vợ chồng thiếu sự đồng cảm, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống...!”.  

 

An Dương