Nỗi đau của người cha lỡ hại “quý tử” bất hiếu
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 07:05, 03/08/2012
Ông Thành chảy nước mắt trên gò má nhăn nheo khi đối mặt với hình phạt nghiêm khắc về tội “Giết người” và một bản án lương tâm khiến ông phải day dứt đến cuối đời...
“Trong suy nghĩ của tôi, chưa bao giờ tôi muốn con trai bị đau đớn huống chi dám vung dao đâm vào người nó. Chỉ là một phút giận quá mất hết lý trí mà tôi phải trả giá quá đau đớn”, ông Thành rơi nước mắt khi nói về bi kịch do chính ông gây ra. “Sinh con ra, cho nó hình hài mà không dạy dỗ nó nên người thì trách nhiệm thuộc về tôi, tất cả là do sự bỏ bê, thiếu giáo dục khiến nó trở thành đứa con bất hiếu, bất trị”.
Theo lời khai của ông Thành tại phiên tòa, vợ chồng ông chỉ sinh được một mụn con trai, đặt tên là Trần Hạnh. Đứa con chào đời không bao lâu thì vợ ông Thành không may lâm bệnh qua đời. Thương con sớm côi cút, ông Thành dành hết tình cảm cho Hạnh, quyết định không đi thêm bước nữa, sống lủi thủi một mình nuôi con.
Dù cuộc sống cơ cực do không có nghề nghiệp ổn định nhưng ông Thành vẫn nuông chiều con, đáp ứng mọi yêu cầu của nó. Khi thằng Hạnh lớn lên, nó bắt đầu nghiện ngập rượu chè. Mỗi lần có chút hơi men, Hạnh lại quậy, thường réo tên ông Thành ra chửi bới, lăng mạ. Không có nỗi đau nào xót xa khi sinh ra đứa con hỗn xược, ông Thành không biết bao nhiêu lần phải nuốt chén đắng. Cho đến ngày Hạnh thông báo cưới vợ, ông Thành lại bừng lên niềm hy vọng: Có thể sau khi lập gia đình, người đàn ông sẽ trở nên chững chạc hơn, khi có con cái, Hạnh sẽ hiểu được nỗi lòng cha mẹ mà sống hiếu nghĩa hơn. Vậy nhưng chút hy vọng mong manh đó cũng tan nhanh như bong bóng xà phòng. Hạnh cưới vợ, sinh hai đứa cháu nội cho ông Thành nhưng vẫn “chứng nào tật nấy”, mỗi lần rượu vào là gây sự với cả cha ruột của mình. Ông Thành có niềm vui để sống là nhờ hai đứa cháu nội. Tuy nhiên, sự mâu thuẫn giữa hai cha con dường như chỉ chờ có cơ hội là bùng nổ.
Nhiều người láng giềng với ông Thành đi dự phiên tòa không khỏi cám cảnh cho hoàn cảnh của ông. Dù là cha con ở chung nhà nhưng cuộc sống lại tách biệt, ông Thành thường lủi thủi một mình, ngay cả chuyện cơm nước ông cũng phải tự phục vụ. Nhiều lần ông Thành sang nhà hàng xóm tâm sự, than thở về nỗi buồn có “quý tử” bất hiếu. Mỗi khi Hạnh nhậu say lại quậy phá, xưng hô không có tôn ti trật tự, thậm chí ông Thành phải bỏ chạy tháo thân vì bị con trai cầm gậy rượt đánh cha khiến bà con lối xóm phải can ngăn. Có những lúc quá bức xúc, ông Thành phải nhờ chính quyền can thiệp. Thành bị xử lý hành chính, phải viết cam kết không ngược đãi cha già và nộp phạt. Ông Thành không muốn con mình phải nộp tiền phạt nên tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng.
Ông Thành khai lại buổi tối định mệnh trong nỗi đau nghẹn ngào: Hôm đó, Hạnh đi uống rượu về trong tình trạng say khướt. Ông Thành thấy vậy nên chỉ ngồi im xem tivi. Hạnh chửi, gọi bố bằng “thằng già” và xông lại gây sự. Nỗi bức xúc tích tụ bấy lâu nay trong người ông Thành như trào ra không còn sự kiểm soát, ông Thành đã vung dao... Thật oan nghiệt, nhát dao đâm trúng vào người thằng Hạnh. Đứa con mà ông nuôi nấng hơn 30 năm ngã gục xuống nền nhà. Ông Thành cay đắng. Ông phải trả giá cho giây phút nóng giận mất khôn đó bằng tội danh “Giết người”.
Mặc dù ông Thành cho rằng không có chủ ý đâm chết con, chỉ dùng dao để dọa con nhưng ông lại xin Tòa tuyên hình phạt nghiêm khắc nhất “để bị cáo nhẹ lòng”. Vị chủ tọa phiên tòa trầm ngâm: Vụ án là một bi kịch thật đau lòng! Người bị hại là con của bị cáo có một phần lỗi, đối với bị cáo, là người cha nhưng không giáo dục được con, để xảy ra hậu quả, bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Sau khi cân nhắc các tình tiết, mức án 5 năm tù được tuyên đối với ông Thành.
Nhìn người đàn ông gầy gò, ốm yếu lê bước chân mệt mỏi lên xe bịt bùng về trại giam, nhiều người láng giềng đều mong rằng ông Thành sẽ sớm được trở về, những đứa cháu nội vẫn mong ông...
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
An Dương