Mẹ chồng khóc thương con dâu khờ dại
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 10:25, 20/07/2012
Bà Thoa nhếch nhác bế đứa cháu 4 tuổi nhưng còm nhom đón xe khách ra Quảng Ninh từ chiều hôm trước. Không đủ tiền thuê nhà nghỉ, hai bà cháu vạ vật ngoài đường cho tới khi phiên tòa xử cô con dâu bắt đầu. Đã nửa năm rồi, kể từ ngày con dâu bà bảo đi tìm việc rồi biệt tăm cho đến lúc gia đình bà nhận được giấy báo dự Tòa. Cả nhà nhìn nhau ngơ ngác, không hiểu chuyện gì nhưng bà Thoa vẫn quyết định đi vì nhẽ tên người trong giấy đúng là con dâu bà.
Khác với vẻ tiều tụy của mẹ chồng và con gái, Lương Thị Chon ra Tòa với vẻ mỡ màng của tuổi trẻ. Vừa nhìn thấy mẹ chồng, nhìn thấy con, người đàn bà trẻ này đã rơi lệ, nước mắt sụt sùi.
Lương Thị Chon
Chon SN 1987 ở Thanh Hoá. Là người dân tộc sống ở vùng cao nên sau khi học hết cấp 2, Chon theo chúng bạn vào Khu công nghiệp Bình Dương làm công nhân. Năm 21 tuổi, sau khi xây dựng gia đình, sinh con, Chon đưa con về quê chồng ở xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định sinh sống.
Thấy cuộc sống vất vả, suốt ngày chân lấm tay bùn, Chon bàn với chồng tìm việc khác nhưng với một người mà trình độ văn hóa còn chưa hết cấp 3 thì kiếm một việc làm đâu phải dễ. Trong lúc Chon chưa tìm được việc, người chồng tiếp tục Nam tiến với nghề công nhân, hàng tháng dành dụm ít tiền gửi về cho vợ. Trong một lần về Thanh Hoá chơi, Chon tình cờ gặp lại hai người bạn là Lan và Hương, khi đó cũng về thăm nhà. Biết hai bạn đang làm thuê cho một nhà hàng ở Đông Hưng (Trung Quốc), có thu nhập ổn định, Chon ngỏ ý nhờ xin việc hộ. Hương và Lan đồng ý nên ghi số điện thoại và địa chỉ lại cho Chon, bảo cô khi nào ra gần tới nơi thì điện để họ đón.
Đầu tháng 6-2011, Chon gửi đứa con 4 tuổi cho mẹ chồng chăm hộ, đón xe khách ra Quảng Ninh rồi tìm đường sang Đông Hưng. Đến nơi ở của Lan và Hương, thấy hai bạn đi làm từ sáng sớm đến tận đêm khuya mới về, Chon thấy công việc cũng vất vả nên trở về quê. Tuy nhiên, trước khi chia tay, cô được Hương dẫn tới làm quen một người có tên là A Bắc, nói là anh ta biết nhiều điểm cần người làm. Hai bên đã cho nhau số điện thoại để liên lạc khi cần.
Về quê một thời gian, Chon nhận được điện của A Bắc bảo đã tìm được việc làm cho cô, có thu nhập cao, yêu cầu sang Đông Hưng gấp. Chưa biết cụ thể việc làm là gì, nhưng vì tin tưởng, Chon lần nữa xin phép mẹ chồng đi làm. Được bà Thoa đồng ý, Chon để con gái lại cho bà trông coi, làm chuyến xuất ngoại với hy vọng kiếm tiền gửi về gia đình.
Đầu tháng 1-2012, Chon đi xe khách đến Tp. Móng Cái, điện cho Lan, Hương và A Bắc hẹn gặp nhau ở Đông Hưng. Sáng hôm sau, Chon xuất cảnh sang Đông Hưng, đến nơi ở của Lan, Hương và gặp A Bắc. A Bắc bảo Chon: “Hiện nay bọn anh đang mở dịch vụ chuyển “hàng trắng” từ Đông Hưng sang Móng Cái. Mỗi chuyến giao “hàng” trót lọt, được nhận từ 10 - 15 triệu đồng, nếu em đồng ý tối nay thực hiện luôn”. Sau giây lát suy nghĩ, Chon nhận lời. Ngay trưa hôm đó, Chon mượn của Lan 1 triệu đồng, trở lại Móng Cái để gửi tiền về quê sau đó quay lại nơi ở của Lan, Hương, gặp một thanh niên tự giới thiệu là người nhà của A Bắc. Người này đưa cho Chon 3 túi nilon bên trong chứa nhiều viên thuốc cùng số điện thoại của một người tên Tùng (người nhận ma tuý ở Móng Cái) và một đai nịt bụng để Chon cất giấu thuốc đem về Móng Cái.
Sau khi liên lạc, biết địa điểm Tùng chờ ở Móng Cái, Chon rời Đông Hưng, đến đúng điểm hẹn, thấy một thanh niên mở cửa xe taxi đang đỗ bên lề đường, giới thiệu là Tùng và đón Chon vào xe. Tùng bảo lái xe đi về chợ 2. Đến nơi, Tùng bảo Chon vào quầy đổi tiền của chị Trần Thị Lan với ý định xin túi nilon để lấy ma tuý trong nịt bụng ra cho vào túi, giao cho Tùng. Lúc này, chị Lan nghi ngờ Chon trộm tiền, liền hô hoán, mọi người xung quanh chạy đến bắt giữ. Chon bị bắt với 1.316 viên ma túy tổng hợp giấu trong người còn Tùng nhanh chân trốn thoát.
Trong tà áo trắng được may theo kiểu lỗi thời, Chon được dẫn ra trước vành móng ngựa. Ánh mắt dáo dác ngoái nhìn xung quanh, khi thấy mẹ chồng đang bồng con nhỏ, Chon òa lên khóc nức nở. Bà mẹ chồng ôm cháu vào lòng, nước mắt cũng giàn giụa, miệng lẩm bẩm: “Không biết nó làm gì mà đến cơ sự này?”. Trước vành móng ngựa, Chon thành thật khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Cô cho rằng tại mình văn hóa có hạn, hoàn cảnh quá nghèo túng, đang khát việc làm nên khi thấy A Bắc nói trả công cao đã lóa mắt, làm liều.
Phiên tòa không có đông người tới dự, chỉ có một vài người song ai cũng thấy cám cảnh cho hai người đàn bà đang khóc. Chỉ là tình mẹ chồng nàng dâu song bà Thoa rất thương Chon bởi cô thật thà và chăm chỉ. Ngày Chon xin phép đi làm, bà đã gật đầu đồng ý bởi thấy cảnh nhà nghèo túng, giữ Chon ở nhà cho con trai cũng không phải là cách tốt nhất khi mà cô còn quá trẻ, đang tuổi lao động. Bà đâu ngờ con dâu mình ít học, nhận thức kém cỏi để giờ đây gánh nặng nuôi dạy đứa cháu nhỏ lại dồn lên vai bà. Gần nửa năm bặt tin Chon, bà không dám báo cho con trai biết vì sợ nó buồn chán mà bỏ việc nhưng đến bây giờ, khi đã biết Chon phạm tội gì, bà quyết định sẽ nói ra sự thật.
Ôm cháu nhỏ vào lòng, nựng cho đứa trẻ ngủ, bà Thoa nước mắt vắn dài vừa thương mình, vừa thương cháu và thương con. Chỉ đến lúc này, bà Thoa mới hiểu tại sao con dâu mình lại phạm tội, để lại đứa cháu thơ dại cho bà chăm sóc, nuôi dưỡng.
Xét thấy bị cáo là nữ, người dân tộc thiểu số, kém hiểu biết pháp luật, lần đầu phạm tội, thật thà khai báo, hậu quả đã được ngăn chặn nên sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt Lương Thị Chon mức án 20 năm tù. Chon rời Tòa với đôi mắt sưng húp, trong tiếng khóc não nuột của mẹ chồng...