Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao

Chính trị - Ngày đăng : 14:01, 15/01/2014

Ngày 14/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014.

Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cùng gần 600 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, cơ quan báo chí cả nước.

 

Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao

 

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị

 

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, năm 2013, tính đến tháng 12/2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí, 1 hãng thông tấn quốc gia, 92 báo, tạp chí điện tử, 265 trang thông tin điện tử tổng hợp, 67 đài phát thanh, truyền hình. Trong đó, có 199 báo in tăng 25 cơ quan chủ yếu là các tạp chí nghiên cứu khoa học chuyên ngành. Số lượng cơ quan báo chí tăng, nhưng doanh thu lại có chiều hướng giảm đáng kể: Số bản báo phát hành trên thị trường năm 2012 khoảng 850 triệu bản, nhưng năm 2013 chỉ còn 836 triệu bản. 

 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, trong năm qua các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin, thông tin nhanh nhạy, khá toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.

 

Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng chỉ ra: một số tờ báo đưa thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, khai thác mặt trái, hình ảnh phản cảm nhằm câu khách vì mục tiêu kinh tế, nhất là các ấn phẩm phụ, chuyên đề, trang thông tin điện tử… Năm 2013, cơ quan quản lý đã xử lý 49 trường hợp, trong đó phạt tiền 34 trường hợp với số tiền 324 triệu đồng, cảnh cáo 1 trường hợp, nhắc nhở 14 trường hợp, thu hồi thẻ nhà báo 3 trường hợp, thu hồi 3 tên miền .vn, chủ yếu do thông tin sai sự thật.

 

Năm 2013, báo chí cũng bị phê là thông tin nhiều về tiêu cực, “lá cải hóa”, thông tin có lúc thiếu trách nhiệm, vi phạm đạo đức nghề báo. Theo ông Hoàng Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo thiếu chuyên nghiệp dẫn đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp: bóp méo sự thật bằng cách bỏ qua hoặc nhấn mạnh những ý theo ý đồ nhà báo; người viết bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, chạy theo thị hiếu tầm thường, bất chấp hậu quả xã hội. Nhà báo đôi khi còn “kết án” trước khi Tòa án ra phán quyết. 

 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh biểu dương những kết quả đạt được của báo chí năm 2013 và nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí trong năm 2014; yêu cầu các cơ quan báo chí phải chủ động đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền, nhằm góp phần tích cực vào nhiệm vụ chung của công tác tuyên giáo là tạo sự đồng thuận trong tư tưởng, thống nhất trong hành động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới đất nước. Những người làm báo cần tiếp tục nỗ lực để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, khả năng tác nghiệp, nhằm hoàn thành trách nhiệm vẻ vang nhưng cũng nặng nề của báo chí cách mạng Việt Nam.

B.N