Phiên họp thứ 24 của UBTV Quốc hội khóa XIII: Nhiều ý kiến xác đáng cho các dự án Luật

Chính trị - Ngày đăng : 14:00, 15/01/2014

Sáng 14/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến vào dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Đề nghị tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách

 

Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện Luật hiện hành, gồm 6 chương với 140 điều. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật này nhằm thể chế hóa các văn kiện của Đảng, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức hoạt động Quốc hội cho phù hợp với thực tiễn. Về phạm vi điều chỉnh, các đại biểu đề nghị chỉ tập trung quy định các vấn đề về tổ chức của Quốc hội. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ bố cục và cơ cấu của Luật Tổ chức Quốc hội như hiện nay, chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung thật cần thiết để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp mới và yêu cầu thực tiễn.

 

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Tuy nhiên, Hiến pháp mới không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy, các đại biểu cũng nêu câu hỏi, trong lần sửa đổi này, Luật Tổ chức Quốc hội có nên quy định về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm hay không? Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm cũng như hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 35% (khoảng 175/500 đại biểu) tổng số đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến còn đề nghị nâng tỷ lệ này lên cao hơn. Theo thống kê, Quốc hội khóa XI có 121 đại biểu chuyên trách (chiếm gần 25%), Quốc hội khóa XII và XIII lần lượt có 145 và 150 đại biểu chuyên trách (tương đương 29% và 30%). 

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, qua các nhiệm kỳ, cơ cấu đại biểu Quốc hội ngày càng hợp lý hơn, số đại biểu chuyên trách tăng thêm đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, thành viên Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chủ yếu là đại biểu kiêm nhiệm nên phải phân bổ quỹ thời gian để giải quyết nhiều nhiệm vụ, áp lực công việc lớn dẫn đến khó nâng cao chất lượng hoạt động. Dự kiến, Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được lấy ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 vào giữa năm 2014.

 

Sửa đổi nhiều Luật quan trọng khác

 

Trước đó, sáng 13/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII đã khai mạc Phiên họp thứ 24. UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHY). Trong đó, nội dung được các thành viên UBTVQH tranh luận nhiều nhất là quy định bắt buộc mọi đối tượng phải tham gia BHYT. Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trong điều kiện hiện nay, rất khó để quy định về chế tài xử lý với người không tham gia BHYT bắt buộc. Vì vậy, thống nhất với việc kế thừa quy định của Luật hiện hành.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp đề nghị tiếp tục quy định bắt buộc toàn dân phải tham gia BHYT. Bộ trưởng lý giải, để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân thì cần phải quy định bắt buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng. Đồng thời, kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công BHYT xã hội đều phải quy định bắt buộc tham gia thì mới đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Bổ sung thêm lý lẽ cho rằng, cần quy định bắt buộc tham gia BHYT, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói: Toàn dân hưởng thì toàn dân đóng, còn những trường hợp đặc biệt thì có chính sách riêng.

 

Cũng trong buổi họp ngày 13/1, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đề xuất bổ sung quy định ngoại lệ đối với tập quán kết hôn sớm của một số dân tộc thiểu số. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi quy định tuổi kết hôn của cả nam lẫn nữ sẽ là 18, nhưng ở một số vùng dân tộc thiểu số, tuổi kết hôn có thể dưới 18.

 

Về kết hôn đồng giới, các ý kiến đề nghị cần tiếp tục tổng kết, phân tích để có quy định phù hợp với xu thế phát triển chung, tuy nhiên trong dự thảo luật lần này, cần bỏ quy định "cấm" như trong Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành.

Tống Toàn