Quyền con người ở Việt Nam được khẳng định trong Hiến pháp: Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Chính trị - Ngày đăng : 09:22, 04/01/2014
Trước đó, Việt Nam trúng cử là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong tất cả các nước ứng cử viên, đã khẳng định tính đúng đắn trong chính sách của Đảng và Nhà nước, được quốc tế ghi nhận nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thực thi những quyền cơ bản của công dân.
Bảo đảm quyền con người: bản chất của chế độ
Ngày 2/9/1945, thay mặt toàn thể nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập. Sau khi trân trọng trích lại Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, Người đã khẳng định quyền dân tộc tự quyết của dân tộc ta, tính chất dân chủ và quyền con người của nước Việt Nam mới, Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Người tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các quyền công dân và quyền con người của nhân dân ta.
Đại hội đồng LHQ khóa 68 đã tiến hành bỏ phiếu bầu. Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Trong ảnh: Đại diện các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử với số phiếu bầu cao nhất
Tôn trọng, bảo đảm quyền công dân, quyền con người là bản chất của chế độ và cũng là truyền thống của dân tộc ta. Việc nâng cao sự thụ hưởng các quyền con người của người dân là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta, không tùy thuộc vào áp lực của bất cứ thế lực nào. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta khẳng định: Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Các quyền và tự do cơ bản của mọi người được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ; trong đó, quyền làm chủ trực tiếp của người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Trên lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là: Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và trong từng chính sách phát triển; tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, giúp đỡ mọi thành viên xã hội, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Để bảo đảm hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý đất nước, xã hội của cơ quan nhà nước và công dân, nhiều bộ luật, luật sửa đổi và luật mới được ban hành dựa trên các nguyên tắc: Tôn trọng con người, quyền con người; dân chủ XHCN; nhà nước pháp quyền XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đảng và Nhà nước ta luôn đặt vấn đề bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, nâng cao dân trí, hưởng thụ văn hóa, gắn liền với bảo đảm các quyền về kinh tế, xã hội của nhân dân. Đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, người nghèo là đối tượng được chăm lo hàng đầu. Nhờ đó, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Các quyền làm chủ của nhân dân cũng được đảm bảo ngày một tốt hơn thông qua việc thực hiện hiệu quả hơn các quyền dân chủ trực tiếp (quyền bầu cử, ứng cử) và gián tiếp (thông qua các cơ quan dân cử như Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp), quyền tham gia ý kiến, theo dõi, giám sát và sự vận hành tốt hơn của cơ chế khiếu nại, tố cáo.
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin ở Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn. Trong ảnh: Nhà báo luôn được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tác nghiệp.
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin - vốn được xem là nhóm quyền cơ bản và nhạy cảm - cũng đã đạt được những thành quả to lớn. Các phương tiện thông tin đại chúng không ngừng phát triển về số lượng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung, phát huy tốt vai trò truyền tải thông tin về mọi mặt đời sống xã hội đến nhân dân. Báo chí đã trở thành diễn đàn của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước, trong đó có quyền con người.
Vấn đề đảm bảo tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam cũng luôn được coi trọng. Kể từ khi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, đời sống tôn giáo ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Người dân được tự do sinh hoạt tôn giáo trên cơ sở tôn trọng chính sách tôn giáo và pháp luật của Nhà nước, đồng thời bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được đặt hài hòa trong tương quan với những yếu tố lịch sử - văn hóa của dân tộc, kết hợp với việc giữ vững an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc.
Quyền con người được hiến định
Bảo đảm quyền con người là mục tiêu nhất quán và lâu dài của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân ta. Theo đó, hệ thống pháp luật Việt Nam không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người. Trong dòng chảy chung ấy, Hiến pháp được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII được bổ sung những quy định mới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quyền con người được củng cố, mở rộng và phát triển. Điều đó đã thể hiện rất rõ nét thông qua kết cấu, bố cục và các điều khoản bổ sung tại chương II. Về mặt nội dung, bên cạnh việc làm rõ hơn các quyền công dân, Hiến pháp đã bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình phát triển đổi mới đất nước, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Đó là quyền sống (Điều 21), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 22), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 23), quyền sở hữu tư nhân (Điều 33), quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 35), quyền kết hôn và ly hôn (Điều 39), quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa (Điều 44), quyền xác định dân tộc (Điều 45), quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 46),... Những điều này đã khẳng định sự tôn trọng, quyết tâm bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người. Đặc biệt, Dự thảo bổ sung một nguyên tắc hiến định, đó là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng (Điều 15).
Tự do tín ngưỡng trong quyền con người là mục tiêu nhất quán và lâu dài của Đảng, Nhà nước. Trong ảnh: Lễ hội trong đời sống nhân dân luôn được tôn trọng.
Như vậy, có thể thấy, Hiến pháp 2013 đã hiến định và cụ thể hoá hơn quyền con người, quyền công dân; làm sáng rõ hơn mục tiêu bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong chế độ dân chủ XHCN mà Đảng và Nhà nước ta quyết tâm thực hiện. Cùng với việc quyền con người được hiến định, nước ta trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là bước đi quan trọng trong lộ trình triển khai chính sách đối ngoại “là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” và “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.”
Trên thực tế, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia tiến trình hợp tác quốc tế, khu vực, đa phương và song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Việt Nam là thành viên của 8 Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế có liên quan đến quyền con người tại các cơ quan, diễn đàn của Liên hợp quốc.
Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn - Non Nước TP Đà Nẵng bắt đầu được tổ chức từ năm 1991 đến nay. Hàng năm, vào ngày 19/2 âm lịch, người dân khắp nơi lại kéo về đây chung vui ngày hội Quan Thế Âm, lễ hội Phật Giáo nổi bật của Quảng Nam Đà Nẵng và cả miền Trung. Trong ảnh: Ca hát trong ngày hội Quan Thế Âm.
Có thể khẳng định rằng từ Hiến pháp đến việc Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là ý Đảng hợp với lòng dân, là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam; là đòn mạnh đánh vào các đối tượng luôn tìm cách vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam. Những thành quả về quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế thừa nhận, chứng tỏ việc nước ta trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là một kết quả khách quan, công bằng. Trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Là chế độ tôn trọng con người, trước khi là thành viên của Liên hợp quốc (ngày 20/9/1977), Việt Nam đã tự nguyện gia nhập nhiều công ước về Luật Nhân đạo quốc tế (về nội dung cũng mang tính nhân quyền), như: Công ước Giơnevơ về bảo vệ thường dân trong chiến tranh (năm 1957), Công ước Giơnevơ về đối xử với tù nhân trong chiến tranh (năm 1957)… Năm 1982, Việt Nam gia nhập hai Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966).
|
Trương Hưng Giang