Gieo rắc “cái chết trắng” vì… thương mẹ, thương con(?!)
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 10:53, 13/04/2012
Ở vụ án thứ nhất, bị cáo có cái tên nghe rất hiền lành: Trần Thiện Đức. Trước đây, Đức lãnh án 8 năm tù về tội buôn bán trái phép chất ma túy. Ra tù, không kịp gặp lại đấng sinh thành vì trong thời gian Đức thụ án, ba mẹ lần lượt lâm bệnh nặng rồi qua đời. Ngày trở về, Đức không nhà không cửa, vợ con phải gửi bên ngoại chăm lo. Đức phải sống lang thang gầm cầu, bến xe vì “không muốn mất mặt với nhà vợ”. Một người lối xóm thương tình cho Đức mượn chiếc xe máy cũ để chạy xe ôm kiếm sống qua ngày.
Trước tòa Đức khóc kể lại: “Ba mẹ mất khi bị cáo còn trong tù. Bị cáo chưa một ngày báo hiếu. Ra tù bị cáo thực sự thấy hối hận. Đi viếng mộ ba mẹ, thấy mộ bị sụp và có vẻ hoang sơ, bị cáo đau lòng. Bị cáo định tu sửa lại phần mộ để lương tâm được thanh thản phần nào. Nhưng chi phí thì ít nhất phải trên 2 triệu mà lúc đó trong tay không có nổi 100.000 đồng”. Đức nói rồi ôm mặt khóc. Trong lúc túng quẫn, Đức lại tìm tới nghề cũ, tìm mua ma túy bán cho con nghiện. Đức nói bản thân bị cáo nghĩ chỉ kiếm đủ 2 triệu làm lại phần mộ cho ba mẹ rồi không bao giờ dính dáng tới ma túy. Nhưng mộ ba mẹ chưa kịp tu sửa, chưa kịp “trả hiếu” thì bị cáo đã phải đứng trước vành móng ngựa vì hành vi phạm pháp của mình.
Ảnh minh họa
Trong vụ thứ hai, bị cáo Ký Hồng Phượng cũng giống như Đức, đã vào tù về tội buôn bán ma túy. Khi đó, chồng mất, Phượng phải gửi bốn đứa con thơ nhờ người bác dâu trông nom. Nhưng rồi sức khỏe yếu, gia đình bấn túng chỉ có thể lo cơm nước, còn chuyện học hành của các cháu, người bác đành phải buông xuôi. Cả bốn đứa con của Phượng lần lượt nghỉ học ở nhà buôn thúng bán bưng kiếm sống qua ngày.
Ngày người mẹ được trả tự do, cả bốn đứa con vui mừng đón mẹ. “Mẹ Phượng bảo sẽ bù đắp bằng cách không bao giờ xa chúng tôi nữa” - Cô con gái Phượng có mặt tại Tòa tâm sự. Còn Phượng nói: “Ra tù, bị cáo đã tự hứa với lòng sẽ không tái phạm và sẽ bên cạnh lo cho con cái. Các con lớn lên trong suốt 8 năm ròng thiếu sự chăm sóc của mẹ nên tôi hứa sẽ bù đắp. Nhưng nhìn cảnh nhà nghèo, con cái bệnh tật, muốn con đỡ khổ tôi đã… lại phạm tội. Giờ thì tôi biết từ nay con tôi càng khổ rồi”. Người phụ nữ nói trong nước mắt nhưng vẫn không nguôi hướng về các con như chờ đợi một sự tha thứ.
HĐXX phân tích hành vi các bị cáo đã vi phạm pháp luật, đồng thời xét về đạo đức các bị cáo không làm tròn chữ hiếu và không chăm lo con cái mình chu đáo. Các bị cáo nói vì muốn báo hiếu, muốn lo cho con nhưng sao không nghĩ vì đâu mà mình không trọn hiếu, không có thời gian bên con cái? Các bị cáo đã có 8 năm ròng ngồi tù vì tội buôn bán trái phép chất ma túy.
Bị cáo Đức đã phải xa cha mất mẹ khi chưa kịp báo hiếu. Bị cáo Phượng, con cái phải bỏ học, thiếu tình thương của mẹ. Nếu các bị cáo thương ba mẹ, thương con thì phải sống thật tốt, chăm sóc chu đáo cho bậc sinh thành và con cái. Đằng này… Nay bị cáo Đức lại vào tù, lấy ai thăm viếng mộ ba mẹ? Bị cáo Phượng vào tù con của bị cáo ai sẽ chăm lo, thương yêu vỗ về? Hai bị cáo có thấy cách thể hiện tình cảm của mình như vậy là sai trái hay không?
Nghe Tòa hỏi, hai bị cáo đã cúi đầu nhìn nhận sai sót của mình.
Phiên xử kết thúc, Phượng và Đức bị Công an giải ra xe bịt bùng đưa về trại giam thụ án.
Cô con gái hơn 10 tuổi của Phượng chạy theo khóc lóc gọi mẹ, áo quần xộc xệch, mặt mày lem luốc…
An Dương