Nước mắt kiều nữ làm “thê thiếp” xứ người
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 10:53, 13/04/2012
Ảnh minh họa
Hai phiên toà diễn ra trong lặng lẽ với những tiếng nấc nghẹn của các cô gái trẻ do không kiềm chế được cảm xúc. Họ khóc khi hồi tưởng lại những tháng ngày cay đắng nơi đất khách quê người.
Trước toà, cô Nguyễn Thị Thuý (SN 1988) không giấu được những giọt nước mắt kể lại quá khứ một “cuộc tình”: Chị Thuý quen biết Tsai Cheng (SN 1970, quốc tịch Đài Loan) qua sự giới thiệu của bạn bè. Thời gian mới quen, Cheng tỏ ra rất ga-lăng, chiều chuộng và liên tục thể hiện mong muốn được nên duyên vợ chồng cùng Thuý. Chỉ nửa tháng, chị Thuý đồng ý kết hôn, hai bên tổ chức tiệc cưới linh đình trong những lời chúc trăm năm hạnh phúc, chị Thuý xuất ngoại theo Cheng về huyện Cao Hùng, Đài Loan sinh sống với khát vọng sẽ đổi đời. Thế nhưng khi “ván đã đóng thuyền”, Cheng liền cởi bỏ vẻ bề ngoài lịch lãm để “sống thật” bằng tính lười nhác, suốt ngày bỏ vợ đi chơi, thường xuyên nhậu xỉn, đánh bạc… Chị Thuý thú thật tại toà: “Chỉ sống chung được ba tuần là tôi chịu hết nổi, mâu thuẫn giữa hai người đã lên đến đỉnh điểm. Cheng hiện nguyên hình là kẻ cờ bạc, vũ phu, mỗi lần đi đánh bạc thua sạch tiền là về trút hận lên vợ khiến tôi lãnh nhiều thương tích”. Vị Thẩm phán chủ toạ không giấu được sự ngạc nhiên: “Vậy là hai người sống chung chưa được 1 tháng?”.
Theo lời khai của chị Thúy, chỉ sau 23 ngày, Cheng dắt chị đến “Văn phòng thoả thuận ly hôn” rồi đường ai nấy đi. Vị chủ toạ nhận định: “không thể kết hôn vội vàng, ly hôn nhanh chóng như vậy”. Chị Thuý rơi nước mắt: “Hồi tôi kết hôn với Cheng là do thấy gia đình khổ quá nên cưới đại chứ có yêu thương gì đâu. Tôi cũng hy vọng sẽ “cưới trước, yêu sau” nhưng không thể do bất đồng ngôn ngữ, lối sống… Về được đến Việt Nam tôi mừng quá vì thấy bản thân còn may mắn vì nhiều cô dâu đã phải bỏ mạng nơi xứ người!”.
Khác với chị Thuý, chị Trần Lệ Hằng (SN 1985) vốn là một cô gái năng động, có công việc ổn định tại Tp. Hồ Chí Minh với mức thu nhập cao. Chị quen với Hao Huang (SN 1967, quốc tịch Đài Loan) qua sự giới thiệu của bạn bè. Tuổi trẻ xốc nổi nên chị Hằng tìm hiểu không kỹ đã quyết định tiến tới hôn nhân cùng Huang. Huang dụ dỗ chị cùng sang xứ Đài vì y là con trưởng, có gia tài kếch xù, không cần lao động vất vả vẫn tha hồ ăn ngon mặc đẹp. Tin lời đường mật, chị Hằng đồng ý rời bỏ quê hương bay sang Đài Loan cùng Huang. Thời gian đầu, cuộc sống trôi qua khá hạnh phúc nhưng càng về sau, những bất đồng về quan niệm, lối sống… càng bộc lộ khiến hôn nhân nhanh chóng rơi vào bi kịch.
Khi đã “tỏ đường đi lối về”, Huang bắt đầu chán vợ, quay sang cặp kè với một cô gái trẻ địa phương. Huang ngang nhiên đưa nhân tình về coi đó là “vợ cả”, còn chị Hằng trở thành “thê thiếp” ngay trong ngôi nhà của mình. Chị ghen tuông liền bị Huang nổi khùng, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân tàn nhẫn. Chị Hằng uất ức nhớ lại: “Tôi phải phục dịch như ôsin ở nhà Huang. Ngoài nỗi cay đắng vì phải làm “thiếp” cho Huang, có lần tôi suýt bị gã em chồng lạm dụng. Nhiều đêm, tôi bị chồng đuổi ra khỏi nhà giữa khuya một cách không thương tiếc. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi tôi lại bị Huang đuổi về Việt Nam”. Vị chủ tọa hỏi: “Sau lần này vợ chồng chị có liên lạc với nhau không?”. Chị Hằng buồn bã: “Thưa toà, một vài lần Huang có gọi điện, nhưng tôi phát hiện không phải ông ta gọi vì có tình cảm mà do… rượu điện. Ông ta luôn say mèm khi nhấc máy gọi cho tôi”. Không chỉ mất mát hạnh phúc, những phụ nữ ly hôn chồng ngoại phải chịu nhiều thiệt hại về vật chật. Chị Hằng tích cóp tiền cùng chồng hùn hạp làm ăn, nay chị đơn phương ly hôn xem như mất trắng toàn bộ tài sản. “Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi, phải ly hôn thôi, xin toà giải quyết”, chị Hằng khẩn khoản.
Khi được Toà án chấp nhận đơn ly hôn, hai cô gái trẻ bước nhanh ra toà như vừa được tự do sau những năm tháng bị cầm tù. Phải chăng họ tự gây bi kịch cho bản thân do học vấn thấp, nông nổi, ít được tiếp xúc với phương tiện thông tin đại chúng? Nếu kết hôn không có tình yêu, những nẻo đường ly hôn, bất hạnh sắp chờ họ ở phía trước. Làm thế nào để giúp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài không bị bạo hành, đảm bảo được nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, tôn trọng giữ gìn những phong tục, tập quán tốt đẹp? Đó là những câu hỏi nhức nhối sau hai phiên toà buồn…
An Dương