Còn mãi bản án lương tâm

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 10:53, 13/04/2012

Lén quan hệ với em kết nghĩa của chồng, Bích không ngờ mối tình vụng trộm của mình đã đẩy chồng trở thành kẻ sát nhân, còn người mà cô thầm yêu thì thiệt mạng. 15 tháng tù cho hưởng án treo vì không tố giác tội phạm nhưng với Bích có lẽ không dai dẳng hơn sự cắn dứt lương tâm, bởi cô sẽ sống ra sao với miệng lưỡi xóm làng khi chồng cô phải 23 năm ở tù?

Vợ chồng Thân - Bích và bà Bạt đau khổ khi nghe Tòa tuyên án

Người đàn bà bỗng dưng “mất nết” ấy là Đỗ Thị Ngọc Bích, SN 1984, trú tại thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Hai con, làm ruộng, Bích không xinh nhưng dáng dong dỏng cao nên cũng gọi là tạm được. Chồng cô, Đặng Trần Thân, SN 1980, dáng gầy còm. Có đôi mắt nhưng “cửa sổ tâm hồn” này lại tật nguyền sau lần đưa hàng xuống Hải Phòng bị tai nạn giao thông. Chẳng biết có phải vì chán anh chồng còn trẻ đã nhìn cái gì cũng mù mờ trong khi người em kết nghĩa là Lê Văn Hùng, SN 1985, quê Thanh Hóa, trai tráng khỏe mạnh mà Bích “say nắng” chàng thanh niên chưa vợ này. Sự quan tâm quá mức của Bích với Hùng được anh ta đáp lại, họ vụng trộm quan hệ tình cảm với nhau song chỉ được một thời gian thì bị phát hiện.


Theo cáo trạng, một ngày giữa tháng 10-2010, thấy điện thoại của vợ có tin nhắn đến, Thân cầm lên định xem thì bị vợ giật lại và xóa ngay tin nhắn. Không thể lấy cớ gì thanh minh cho hành động bất thường của mình, cuối cùng Bích đành phải thú nhận việc mình lén lút quan hệ tình cảm với Hùng, em kết nghĩa của chồng, khi đó đang là công nhân thi công Đại lộ Thăng Long. Theo lời Bích thì những ngày chồng đi Lào Cai, cô thấy trống vắng nên khi Hùng vẫn thường xuyên tới nhà chơi đã không giữ nổi mình và cánh đồng làng là nơi hai người thường hẹn hò, tâm sự. Nghe chuyện tày đình nhưng Thân vẫn giữ thái độ bình tĩnh. Ngoài việc kể với mẹ vợ để tìm cách giải quyết, Thân còn dùng điện thoại của vợ nhắn tin cho Hùng, đề nghị chấm dứt quan hệ bất chính để giữ mái ấm gia đình nhưng Hùng không nghe. Nghĩ rằng người nhắn tin cho mình là Bích, Hùng nhắn tin ép người phụ nữ này nếu muốn chấm dứt quan hệ phải cho anh ta “yêu” lần cuối.


Không kìm được sự uất hận, chiều 15-10-2010, Thân giả là Bích nhắn tin cho Hùng hẹn gặp ở cánh đồng Bói và bắt vợ phải đi tới điểm hẹn. Và, oan nghiệt đã xảy ra, kết thúc mối tình vụng trộm. Khi Hùng vừa tới đã lao vào ôm Bích, khiến Thân lúc đó đang nấp dưới mương nước, không còn đủ tỉnh táo, cầm dao lao vào chém kẻ mà anh ta từng coi như em mình. Hùng chết ngay tại chỗ, còn vợ chồng Thân ngày hôm sau bị bắt giữ để rồi ngày 8-8-2011, vợ chồng họ mới gặp mặt nhau tại phiên tòa sơ thẩm.


Nửa năm trời không nhìn thấy nhau nhưng khi bị đưa tới ngồi chung ghế trước vành móng ngựa, Bích không một lần dám ngẩng lên nhìn ngó xung quanh trong khi Thân cứ nhấp nhổm hướng đôi mắt dị tật xuống dưới tìm kiếm người thân. Người mà Thân mong gặp nhất lúc này là mẹ, bà Đỗ Thị Bạt. Từ sáng sớm, người đàn bà lam lũ này đã có mặt tại phiên tòa để ngóng chờ thời khắc được nhìn thấy con trai. Chồng bỏ, sinh được hai con trai thì chỉ có Thân “ở lại” với bà nên bao hy vọng bà dành hết vào Thân. Ngoài mấy sào ruộng, tranh thủ những lúc nông nhàn, bà Bạt đạp xe đi khắp làng trên, ngõ dưới mua bán đồng nát. Thương mẹ vất vả, Thân lấy vợ sớm. Khi Bích về làm dâu, nhiệm vụ của cô là sinh con và nội trợ nên thu nhập chính trong nhà chỉ dựa vào Thân và người mẹ lam lũ. Thân chăm chỉ làm ăn nhưng cách đây khoảng 3 năm, trong một lần đi làm ở Hải Phòng, vì một tai nạn, Thân hỏng một mắt, mắt thứ 2 cũng bị ảnh hưởng nên không đi làm ăn xa nữa. Đúng lúc kinh tế gia đình khó khăn thì công trường xây dựng Đại lộ Thăng Long triển khai, vợ chồng Thân bàn nhau mở quán bán hàng. Hai con đi học mẫu giáo, Bích như lột xác, trở nên mỡ màng hơn vì không còn phải vướng bận con nhỏ. Tai họa ập đến khi Hùng thường lui tới uống nước, được Thân quý mến, coi như em út trong nhà, có việc gì cũng gọi tới nhà chung vui và những lời tếu táo của người thanh niên này đã khiến người đàn bà hai con thêm tơ tưởng.


Trình bày trước HĐXX, bà Bạt nức nở: “Ngày cậu Hùng còn sống và làm việc tại công trường, tôi coi cậu ấy như con. Bởi nhà tôi vốn neo người, Hùng lại ngoan ngoãn nên có miếng gì ngon tôi đều phần cho cậu ấy. Cậu ấy vừa làm vừa học, tiền lương hàng tháng hay bị chậm, tôi còn thường xuyên cho cháu nó mượn tiền. Vậy mà…”, giọng mẹ bị cáo lạc đi. Chẳng riêng gì bà Bạt, Thân cũng có quan hệ khăng khít với Hùng. Mỗi khi gia đình có cỗ lạt, người đầu tiên Thân nghĩ đến chính là Hùng. Ngay cả chiếc điện thoại Hùng sử dụng để nhắn tin cho Bích cũng là của Thân tặng cho, thân thiết vậy nhưng sự đời thường vẫn khó đoán định. Từ mối thân tình của Hùng với gia đình mà Bích nảy sinh tình cảm với người thanh niên kém tuổi mình rồi lao vào mối tình tội lỗi, quên hết những người xung quanh, quên cả nghĩa tình chồng vợ, cả cái tình mà mẹ chồng và chồng dành cho mình.


Từ ngày xảy ra vụ án, bị khởi tố về tội che giấu tội phạm và cho đến tận phiên tòa này, Bích không còn đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào người đối diện. Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, cô không dám ngẩng mặt nhìn ai, ngay cả người chồng ngồi bên cạnh, chỉ có nước mắt chảy suốt phiên tòa nhưng sự ân hận của cô làm sao có thể xóa đi được tội lỗi. Thân bị kết án 23 năm tù giam về tội giết người và tội cướp tài sản. Nghe Tòa tuyên án, Bích chỉ biết nấc lên đau đớn. Còn gì đau khổ hơn khi phải tận mắt chứng kiến cảnh huynh đệ tương tàn vì chuyện trăng gió của mình, giờ đây nghe Tòa kết tội, Bích càng thấy đau khổ bởi cô không thể nói được lời nào thanh minh cho hành vi cướp tài sản của chồng. Chiếc điện thoại mà Thân lấy sau khi gây án là tài sản anh đã tặng người em kết nghĩa nhưng vì không có bằng chứng chứng minh nên bị kết tội cướp.


Bị xử phạt 15 tháng tù cho hưởng án treo, Bích nặng nhọc lê tấm thân đứng lên nhưng cô vẫn không dám ngoái nhìn về phía sau, nơi có mẹ cô, mẹ chồng và bố của Hùng đang ngồi. Cô không dám chạy theo chồng khi Thân bị dẫn giải trở lại trại tạm giam mà đứng ở một góc khuất, hướng đôi mắt chăm chắm nhìn chồng. Có lẽ trong lòng Bích lúc này không chỉ có một bản án của pháp luật mà hơn thế, đó còn là một bản án của lương tâm.


Xem ra bước đường tiếp theo của cô còn chông gai hơn chồng bởi dẫu sao thì Thân cũng ở nơi cách biệt, có công việc để nguôi ngoai, còn Bích hàng ngày phải đối diện với miệng lưỡi thế gian, phải nuôi dạy hai con và cô sẽ nói gì với người mẹ chồng hết mực thương yêu, chiều chuộng con dâu. Đó là chưa kể những lần đi thăm chồng, Bích sẽ phải nói những gì…?


Nguyễn Lam

congly.com.vn