Thương gia ngoại đến Việt Nam để… “ăn trộm”

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 10:53, 13/04/2012

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các nhà đầu tư, thương gia nước ngoài sang nước ta làm ăn ngày càng nhiều.

Bên cạnh những người tìm kiếm lợi nhuận từ những phương cách kinh doanh hợp pháp đang xuất hiện không ít những “đại gia” làm ăn theo kiểu… “tay không bắt giặc”. Những thủ thuật trộm cắp được “thương gia” xứ Đài Hou Fu Chiang (SN 1959, tức Hào Phú Cường) khai nhận trước vành móng ngựa khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì sự ma mãnh, tinh vi…


Khởi nghiệp kinh doanh bằng nghề mua bán nông sản tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, Hào Phú Cường không gặp may mắn, làm ăn thua lỗ liên tục khiến Cường nản chí. Cường than thở với bạn là Phùng Vĩnh Thiên (Feng Yung Tien), chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại di động và thiết bị viễn thông Thiên Ký tại Đài Loan. Thiên biết Cường có nhiều mối quan hệ do làm ăn lâu năm tại Việt Nam nên gợi ý: “Chú có muốn trở thành “đại lý” cho anh ở Sài Gòn không? Làm ăn với anh đảm bảo “một vốn bốn lời”. Thời buổi người khôn của khó, Thiên trấn an Cường phải chấp nhận làm ăn bất chính bằng cách lắp đặt thiết bị viễn thông trái phép, kết nối liên lạc từ nước ngoài vào Việt Nam không thông qua hệ thống kiểm soát cước của ngành bưu điện, chuyển các cuộc gọi điện thoại chiều đến thành các cuộc gọi trong nước nhằm trộm cắp cước quốc tế. Thấy bùi tai, Cường mạnh dạn đồng ý, hai bên cùng thoả thuận, Thiên sẽ ứng vốn, mua và lắp đặt toàn bộ hệ thống thiết bị, chịu trách nhiệm về kỹ thuật và thu tiền cước phí các cuộc gọi tại Đài Loan. Cường quản lý duy trì sự hoạt động của hệ thông thiết bị tại Việt Nam và “xây dựng” mạng lưới điện thoại di động nội địa…


Để che mắt các cơ quan chức năng, Thiên bàn với Hào đi ra vùng ven đô đặt “đại bản doanh”. Bọn chúng được Lý Tô Há (SN 1956, thường trú tại khu phố 5, thị trấn An Lạc, Bình Chánh) hướng dẫn địa điểm thuê nhà ở khu vực Bình Trị Đông, Bình Chánh. Cường nhờ Phan Thị Ngọc Lan (không xác định được lai lịch) đứng tên ký hợp đồng thuê nhà số 283A, đường số 7, khu dân cư Bình Trị Đông, Bình Chánh với giá 450 USD/ tháng. Thiên bay đến Việt Nam đem theo các thiết bị viễn thông đến lắp đặt tại căn nhà 283A. Bọn chúng lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống viễn thông “chui”. Các thiết bị viễn thông được bọn chúng để trong hành lý xách tay qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng phát hiện.


Do Cường và Thiên không thường xuyên trực tiếp ở Việt Nam nên bọn chúng đồng đứng tên mở tài khoản tại Ngân hàng ICBC Trung Quốc, Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh. Bọn chúng chỉ đạo cho Lý Quý Hào (SN 1983, thường trú tại khu phố 5, thị trấn An Lạc, Bình Chánh) thu các giấy báo tiền cước cho toàn bộ số máy thuê bao rồi fax sang Đài Loan để chúng chuyển tiền sang Việt Nam nhờ Lý Tô Há thanh toán tiền cước. Tổng cộng Há đã nhận toàn bộ 41.000USD để thanh toán tiền cước cho 147 simcard thuê bao của Mobifone và Vinaphone. Phải mất rất nhiều thời gian, Cơ quan điều tra mới phát hiện bắt giữ Hào Phú Cường, Lý Quý Hào và Lý Tô Há khi chúng đang điều hành hệ thống viên thông “chui” trộm cước quốc tế. Riêng Phùng Vĩnh Thiên đã xuất cảnh rời khỏi Việt Nam nên Cơ quan điều tra hiện đang tiếp tục truy nã y.


Hội đồng giám định Bộ Bưu chính - Viễn thông kết luận hệ thống thiết bị trái phép của Hào Phú Cường và đồng bọn đã chiếm đoạt của các công ty viễn thông quốc tế của Việt Nam hơn 2,4 tỷ đồng. Hào Phú Cường, Lý Quý Hào và Lý Tô Há phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản”. Xét hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại kinh tế rất nặng nề nên HĐXX tuyên phạt Hào Phú Cường 10 năm tù, Lý Quý Hào 3 năm tù. Riêng Lý Tô Há lãnh 2 năm tù cho hưởng án treo.

An Dương

congly.com.vn