Tập đoàn kinh tế và khung pháp lý.
Bất động sản - Ngày đăng : 11:18, 13/04/2012
Gần đây, một công ty cổ phần tự nhiên lại “mọc” ra xưng danh là tập đoàn. Tìm hiểu đơn vị này thì được biết, công ty đăng ký kinh doanh lần đầu vào năm 2002, đăng ký thay đổi vào năm 2006 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán TP.Hồ Chí Minh năm 2006. Công ty có một công ty mẹ, một công ty con và có 4 công ty liên kết.
Ngành đầu tư, kinh doanh bất động sản được thí điểm xây dựng tập đoàn kinh tế.
Như một “hội chứng”, hàng loạt công ty cổ phần “có máu mặt” đều đồng loạt xưng danh tập đoàn: Tập đoàn T.T, Tập đoàn địa ốc Đ.X, Tập đoàn ô tô T.H, Tập đoàn thép H.P… Tổng giám đốc một công ty địa ốc ở TP.Hồ Chí Minh, phát biểu:“Theo tôi, một số công ty (nhất là những công ty cổ phần trong lĩnh vực bất động sản) đã lạm dụng danh xưng “tập đoàn”. Tên gọi tập đoàn phải là những công ty lớn như Điện lực, Dầu khí… thì mới gọi là tập đoàn. Còn một số công ty mới có vài dự án và mở thêm một vài công ty con mà đã xưng là “tập đoàn” thì đã lạm dụng danh xưng tập đoàn”.
Thực ra, hiện đã có 8 tổng công ty nhà nước hoạt động theo mô hình thí điểm tập đoàn kinh tế (TĐKT). Đó là các tập đoàn: Bưu chính- Viễn thông (VNPT), Than- Khoáng sản (Vinacomin), Dầu khí (Petro Vietnam), Điện lực (EVN), Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Dệt may (Vinatex), Cao su (VRG) và Tài chính- Bảo hiểm (Bảo Việt). Ngoài ra, còn có 4 tổng công ty nhà nước khác cũng đã hoàn tất đề án chuyển đổi sang mô hình TĐKT, đang chờ phê duyệt là: Hóa chất, Xăng dầu, Thực phẩm và Thép. Bên cạnh đó, cả nước còn có 96 tổng công ty và công ty nhà nước có quy mô lớn, tổ chức hoạt động theo mô hình Công ty mẹ- công ty con. Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội, cho biết: Qua giám sát, chúng tôi phát hiện nhiều tập đoàn, tổng công ty có tổng nợ trên vốn chủ sở hữu tăng trên 10 lần, có doanh nghiệp tới 14 – 15 lần. Đối với những doanh nghiệp đó thì cần được xem xét. Nếu phân tích tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thì trên 40% số tập đoàn, tổng công ty có tỷ suất này thấp, dưới 10%. Hoặc là so sánh về vốn đầu tư, doanh thu, sử dụng lao động…tại các doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì thấy hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước thấp hơn.
Như vậy, việc hoạt động, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế nhà nước cần phải được xem xét lại. Có những tập đoàn kinh tế rất to, nhưng cũng có tập đoàn “bé xíu”. Ông Trần Du Lịch, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, phát biểu: Hiện đang có nguy cơ hình thành trào lưu xin chuyển sang mô hình tập đoàn chỉ để “nâng cấp hành chính” và để được hưởng chế độ tiền lương và chế độ với các cán bộ lãnh đạo cao hơn mô hình tổng công ty.
Còn đối với các công ty cổ phần, công ty tư nhân thì chưa có một quy định hoặc thí điểm nào về hoạt động theo hình thức TĐKT.
Cần có khung pháp lý cho các tập đoàn kinh tế
Điều 26 Nghị định số 139/ 2007/ NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, nói rõ: “TĐKT bao gồm nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ- công ty con. TĐKT không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc tổ chức hoạt động của tập đoàn do các công ty thành lập tập đoàn tự thỏa thuận quyết định”.
Theo tiến trình pháp lý thì Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003 chỉ có khái niệm “tổng công ty”, chưa có khái niệm “tập đoàn kinh tế”. Đến Luật Doanh nghiệp 2005, Điều 149 Luật Doanh nghiệp, quy định: “Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”. Như vậy, việc tổ chức, hoạt động và quản lý các TĐKT thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Ngày 5- 11- 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định 101 “Thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý Tập đoàn kinh tế nhà nước”. Theo đó, chỉ có các ngành nghề kinh doanh sau mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tập đoàn: 1) Bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; 2) Đóng mới, sửa chữa tàu thuỷ; 3) Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng; 4) Khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến và phân phối dầu khí; 5) Khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến than và khoáng sản; 6) Dệt may; 7) Trồng, khai thác, chế biến cao su; 8) sản xuất, kinh doanh phân bón và các sản phẩm hoá chất; 9) Đầu tư và kinh doanh bất động sản; 10) Công nghiệp xây dựng và cơ khí chế tạo; 11) Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; 12) Các ngành nghề khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định 101 ngày 5- 11- 2009 đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận giữa các chuyên gia, luật gia và cả các cán bộ quản lý. Tại sao lại có một nghị định riêng về TĐKT Nhà nước mà không phải là một nghị định về TĐKT nói chung khi Luật Doanh nghiệp 2005 đã tạo cho tất cả các doanh nghiệp một sân chơi bình đẳng? Đó là chưa kể, theo Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2005 thì các công ty nhà nước thực hiện chuyển đổi theo lộ trình chuyển đổi hàng năm nhưng chậm nhất trong thời hạn 4 năm kể từ ngày Luật Doanh nghiệp có hiệu lực (Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1- 7- 2006). Như vậy, theo Luật Doanh nghiệp, đến ngày 1- 7- 2010 doanh nghiệp nhà nước đã “xóa sổ”. Thế nhưng, tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước còn chậm và chưa tuân thủ theo thời gian luật định.
Ông Nguyễn Đình Cung (Viện Quản lý kinh tế Trung ương) phát biểu: “Trên thế giới không có quy định một cách hệ thống về TĐKT mà chỉ có các quy định lẻ tẻ để hạn chế tác động của nó tới các đối tượng khác. Tuy thế giới không có quy định nhưng vẫn có rất nhiều TĐKT”. Nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển, hội nhập với thế giới và tất yếu sẽ xuất hiện các TĐKT. Thực tế là đang có 8 TĐKT hoạt động thí điểm. TĐKT không có tư cách pháp nhân nhưng danh xưng của nó có “uy lực”, “thể hiện đẳng cấp” và là “niềm mơ ước” của các doanh nghiệp. Theo chúng tôi, Chính phủ cần có quy định về tiêu chí, tổ chức và hoạt động của TĐKT nói chung để giám sát, quản lý; để hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, chống lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường hoặc lạm dụng vị trí độc quyền. Trong tương lai, cần ban hành luật quản lý các tập đoàn kinh tế.
NGUYỄN LINH GIANG