Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng góp ý về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 13:46, 19/03/2020
Hội thảo cũng thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH và các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, trình UBTVQH xem xét, điều chỉnh, bổ sung trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.
Tác động tích cực đến sự ổn định xã hội
Dự thảo Luật quy định phạm vi hòa giải, đối thoại được thực hiện đối với các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (gọi chung là vụ việc dân sự), khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các bên không phản đối hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc.
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tán thành với phạm điều chỉnh này và cho rằng hòa giải, đối thoại mang tính xã hội, nhân văn sâu sắc, tác động tích cực đến sự ổn định xã hội, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, giảm áp lực với Tòa án. Để đảm bảo Luật khả thi sau khi ban hành cần cân nhắc áp dụng đối với cả những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nhưng đương sự không lựa chọn khởi kiện mà lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Các ý kiến cho rằng, khi có những tranh chấp phát sinh trong dân sự hay khiếu kiện hành chính, xét xử không phải là con đường duy nhất mà hòa giải, đối thoại là một biện pháp đã được áp dụng tại các nước, là xu thế chung. Dự thảo phù hợp với thực tiễn, phát huy được sự tự do ý chí, giảm chi phí cho đương sự, giải quyết nhanh, bảo đảm bí mật thông tin và hài hòa lợi ích giữa các bên trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, “hòa giải thành, hai bên cùng thắng”. Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng cần được cân nhắc chỉnh sửa ở một số điểm, cụ thể:
Quy định tại Điều 7 khoản 1 điểm g, về trách nhiệm của TANDTC, một số ĐB đề nghị bổ sung quy định: “TANDTC báo cáo Quốc hội về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong báo cáo công tác hằng năm hoặc khi có yêu cầu”; Tại Điều 8, khoản 1 điểm đ cần bổ sung quy định: “… Đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch trong trường hợp người tham gia hòa giải, đối thoại là người không biết tiếng Việt, người khuyết tật nghe, người khuyết tật nói hoặc người khuyết tật nhìn và chịu chi phí phiên dịch” để hòa giải những vụ việc liên quan đến đương sự là người nước ngoài hoặc người dân tộc thiểu số không biết tiếng Việt.
Một vài ý kiến khác cũng đề nghị bổ sung trong phần quy định chung về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến những việc không được làm của Toà án, Thẩm phán, Hoà giải viên, các bên tham gia hoà giải, đối thoại; những người có liên quan đến hoạt động hoà giải, đối thoại… Tập hợp các các điều cấm thành một điều để dễ theo dõi, thực hiện thay vì quy định rải rác trong một số điều của dự thảo Luật này.
Trong quy định về thay đổi Hòa giải viên, một số ý kiến cho rằng nội dung “có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư, khách quan trong khi làm nhiệm vụ” lại... chưa rõ ràng. Để tránh có nhiều cách hiểu, cần bổ sung cụm từ “theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự” ở cuối câu, các đại biểu đề nghị.
Băn khoăn quy định về Hòa giải viên
Ông Trần Hữu Viên - Phó Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng nêu, trong 11 quyền của Hòa giải viên quy định ở khoản 1 Điều 14, có 4 quyền cuối cùng chưa phù hợp, gần giống quy định về chế độ, chính sách cho Hòa giải viên, như: được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, được cấp thẻ hòa giải viên, được hưởng thù lao...
Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Lâm Đồng lại cho rằng: Quy định về bảo mật thông tin cũng chưa rõ ràng, vì Điều 4 quy định “không được tiết lộ bí mật thông tin hòa giải” nhưng Điều 28 lại quy định lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại như vậy liệu có mâu thuẫn hay không?
Một buổi hòa giải tại Tòa án
Đặc biệt, nhiều ý kiến băn khoăn về Điều 10 - điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên. Trong các đối tượng được liệt kê để xem xét thỏa mãn các điều kiện bổ nhiệm, ngoài Thẩm phán, Thẩm tra viên, Kiểm sát viên... đã nghỉ hưu, còn có Luật sư, Luật gia, nhà chuyên môn khác nhưng phải có 10 năm kinh nghiệm, trong khi đó các Luật sư thường là người am hiểu pháp luật và khả năng thỏa thuận, hòa giải. Việc đưa ra yêu cầu Hòa giải viên phải có kinh nghiệm nhất định là đúng, nhưng điều kiện 10 năm kinh nghiệm đối với Luật sư là quá dài; giảm bớt thời gian kinh nghiệm với Luật sư sẽ góp phần huy động được nguồn lực lớn tham gia công tác hòa giải, đối thoại, các đại biểu nhận định.
Một số ý kiến cũng đề nghị bỏ quy định Hòa giải viên “người có hiểu biết về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng” hòa giải, bởi rất khó định lượng khái niệm này. Tương tự, điều kiện bổ nhiệm lại Hòa giải viên, trường hợp “thuộc 10% hòa giải viên mà trong 2 năm Hòa giải viên đó có mức độ hoàn thành nhiệm vụ thấp hơn so với các hòa giải viên khác tại nơi họ làm việc, cần được thay thế” cũng chưa rõ ràng; chưa kể trường hợp này cũng đã bao gồm trong trường hợp quy định ở điểm b Điều 10 là “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Một số nội dung khác cũng cần được điều chỉnh, bổ sung. Ví dụ, Điều 7 liệt kê rất nhiều trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại nhưng lại chưa quy định trách nhiệm của Tòa trong chi trả thù lao cho hòa giải viên. Dự thảo nêu 2 hoạt động hòa giải và đối thoại nhưng lại chỉ xác định tư cách Hòa giải viên, chưa có Đối thoại viên; Tổ chức trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án có giám đốc, phó giám đốc, hòa giải viên nhưng chưa có thư ký giúp việc;…
Trong khi đó, ở các trung tâm hòa giải, đối thoại thuộc các Tòa án cấp quận ở khu vực đô thị lớn, lượng công việc phải hòa giải, đối thoại rất nhiều, Hòa giải viên không thể vừa hòa giải vừa thụ lý, tống đạt giấy mời, thống kê, báo cáo số liệu, lưu trữ hồ sơ… Về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên, Điều 18 có nêu: “Trong thời hạn 3 ngày làm việc,... người được thông báo tại khoản 3 điều này phải trả lời bằng văn bản...”. Quy định này gây khó khăn nếu người được thông báo không biết chữ. Vì thế, đề nghị bổ sung “tiếp hoặc đến trực tiếp trình bày bằng lời nói và được thư ký Tòa án ghi lại nội dung, điểm chỉ vào văn bản...”.
Về xử lý hòa giải, đối thoại không thành, không tiến hành hòa giải, đối thoại được quy định tại Điều 27, các đại biểu đề nghị nên thay cụm từ “Được coi là hòa giải, đối thoại không thành” bằng “Lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại, chuyển đơn cho Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 38”...
Các ý kiến góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tiếp thu, tổng hợp và trình UBTVQH xem xét, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.