Những ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội về công tác Tòa án
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 09:25, 29/01/2020
ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang):
Báo cáo công tác của Chánh án TANDTC thể hiện một cách sinh động, chân thực nhất về hoạt động của hệ thống Tòa án. Năm 2019 các Tòa án đã thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh hết sức khó khăn. Các chỉ tiêu công tác đặt ra rất nặng nề nhưng cơ bản các chỉ tiêu giao đều đạt và vượt, đặc biệt là không có trường hợp nào kết án oan sai.
Để có được kết quả này, toàn hệ thống TAND đã thực hiện 14 giải pháp đột phá mà Chánh án TANDTC cao đề ra. Những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, giảm tải cho Tòa án cũng đã được thực hiện bước đầu, đó là việc xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.
Hiện bình quân mỗi Thẩm phán phải giải quyết 9 đến 10 vụ/tháng, có những nơi gần 20 vụ/tháng, gấp 3 đến 4 lần chỉ tiêu giao. Trong khi biên chế phải giảm theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đến năm 2021 là 10% nên áp lực rất lớn.
ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu):
Trong năm 2019, TANDTC và các cơ quan tư pháp đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đã có nhiều chuyển biến, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều vụ án nổi cộm đã được phát hiện và xử lý kịp thời, đặc biệt là các vụ liên quan đến tín dụng đen cho vay nặng lãi, xâm hại trẻ em, các vụ án kinh tế tham nhũng được đưa ra xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
ĐB Trần Hồng Hà, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:
Tôi đánh giá cao các kết qủa mà ngành Tòa án đã nỗ lực thực hiện trong năm qua. Báo cáo của đồng chí Chánh TANDTC đã nêu bật được các mặt hoạt động của Tòa án, đặc biệt là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án cũng như công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm… đều thể hiện sự cố gắng và quyết tâm chính trị của toàn ngành.
Năm 2020, TANDTC nên tiếp tục chỉ đạo các Tòa án tập trung thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử. Tăng cường công tác hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, giải đáp kịp thời các vướng mắc về nghiệp vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Kiện toàn đội ngũ công chức của các Tòa án, nhất là đội ngũ Thẩm phán ở Tòa án cấp huyện. Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối của các Tòa án gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán.
Tôi cũng bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình với đề xuất của Chánh án TANDTC về việc nghiên cứu, sắp xếp lại một số TAND cấp huyện để tránh lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, TANDTC cần có các giải pháp cụ thể để khắc phục những khó khăn hiện nay. Việc giải quyết xét xử các vụ án rất nhiều áp lực, đòi hỏi Thẩm phán phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ, nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá để từ đó có các phán quyết chính xác, đúng pháp luật. Các chế độ đãi ngộ, mức lương dành cho Thẩm phán hiện nay chưa tương xứng. Các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng và có cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là với đội ngũ Thẩm phán để họ yên tâm công tác và thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả là bảo vệ công lý.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà):
Hoạt động xét xử của Tòa án phải lấy việc đảm bảo công lý, công bằng xã hội là mục tiêu hoạt động, đó chính là bản chất của quyền lực tư pháp. Khi quyền lực pháp được thực thi chính là điểm dừng của việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong xã hội và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Hệ thống Tòa án những năm qua đã làm được điều đó.
Về thực hiện các chỉ tiêu xét xử, theo quy định hiện hành, Tòa án được tổ chức theo hai cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Do đó, giám đốc thẩm và tái thẩm không được coi là một cấp xét xử và bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật từ khi tuyên án.
Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng,… và phải thực hiện nghiêm chỉnh”. Nếu Quốc hội ban hành Nghị quyết giao Tòa án xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính thì nên cân nhắc khi giao thêm chỉ tiêu về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo tôi thì nên để Tòa án chủ động và chịu trách nhiệm về việc kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm mà không nên giao chỉ tiêu.
ĐB Nguyễn Mai Bộ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội:
Kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã phát biểu, đánh giá cao và hoan nghênh sáng kiến của TANDTC trong việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, để chúng ta có thêm một cơ chế nữa trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, không phải đưa ra Tòa án xét xử.
Chúng tôi cũng đồng tình với nhận xét này. Nhà nước không chỉ quản lý xã hội bằng pháp luật mà còn cả các phong tục tập quán, như tinh thần Hiến pháp 2013 đã quy định. Việc giải quyết tranh chấp xã hội bằng đạo đức, phong tục, tập quán có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Việt Nam. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là giải pháp tối ưu trong nhiều giải pháp mà TANDTC đưa ra.
Việc giải quyết tranh chấp bằng cách hòa giải, đối thoại chính là việc áp dụng đạo đức, phong tục, tập quán và pháp luật để phân tích điều hơn lẽ phải, cái được cái mất, thuyết phục sự tự nguyện chấp hành của các bên đương sự. Với kinh nghiệm đã từng tham gia hòa giải ở cơ sở, chúng tôi thấy rằng khi hòa giải thành thì con người sẽ trở nên hiền hòa, nhân hậu và bao dung hơn, từ đó chắc chắn sẽ giảm số lượng án phải đưa đến giải quyết tại Tòa.
ĐB Mai Khanh (Ninh Bình):
Về chỉ tiêu công tác tư pháp, tôi cho rằng trong tất cả các vấn đề của xã hội nếu chúng ta không giao chỉ tiêu thì khó có căn cứ để đôn đốc nhau hoàn thành nhiệm vụ. Quốc hội nên cân nhắc khi giao chỉ tiêu xét xử các vụ án hình sự, hành chính, dân sự cho ngành Tòa án. Bởi vì, Tòa án giải quyết các vụ án phải chấp hành rất nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn tố tụng rất chặt chẽ.
Vào những thời điểm nhất định có thể thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án theo quy định của tố tụng vẫn còn nhưng nếu căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội thì đã vi phạm về thời gian.
Bên cạnh đó, cần tính đến việc hiện nay ngành Tòa án đang đứng trước áp lực về tinh giản biên chế mà số lượng vụ án tăng đều hàng năm, trên dưới 20%, trong khi số lượng cơ cấu ngạch Thẩm phán của ngành Tòa án chỉ bằng một nửa so với Điều tra viên và Kiểm sát viên. Do đó, đây là một áp lực có thực đối với Thẩm phán và công chức ngành Tòa án, nhất là trong bối cảnh các vụ án liên quan đến bảo vệ quyền con người và quyền công dân đang phải thực hiện hết sức thận trọng. Những chỉ tiêu giải quyết vụ án chỉ nên để ngành Tòa án điều chỉnh bằng các hoạt động thi đua; Quốc hội thực hiện giám sát về việc chấp hành đúng thời hạn tố tụng và chất lượng xét xử.