Các nhà báo nên đọc bài này!

Chính trị - Ngày đăng : 09:38, 27/12/2013

Trong 6 tháng cuối năm 2013 đã có hàng loạt quy định xử phạt hành chính nhằm vào báo chí trong các lĩnh vực thống kê; quản lý giá, phí lệ phí, hoá đơn; giáo dục; khí tượng thuỷ văn…

Theo đó đều có điều khoản quy định phạt tiền đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn gốc thông tin khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm. Xem ra các cơ quan báo chí là đối tượng “chịu trận” trong các quy định này. 

 

Thực ra nếu báo chí vi phạm thì bị phạt và thực tế đã có báo đài bị phạt tiền triệu. Tuy nhiên soi kỹ các văn bản mới tinh, các nhà báo đã “ngất trên cành quất” khi thấy Chủ tịch xã cũng có quyền xử phạt báo chí!? Có người lo ngại, quan xã ở nước ta à uôm lắm, ngộ nhỡ họ phạt sai, phạt ẩu thì sao?

 

Xem kỹ thấy có rất nhiều  cấp có quyền xử phạt báo chí. Có thể kể ra là Chủ tịch UBND các cấp từ xã, phường, thị trấn đến quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, các thanh tra viên đang thi hành công vụ, Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ; Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ... cũng có quyền xử phạt.

 

 Xin nhớ rằng theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt báo chí thuộc thanh tra chuyên ngành thông tin - truyền thông; Chánh Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông; Chánh Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông, và Chủ tịch UBND cấp huyện trở lên...

 

Các chuyên gia pháp luật chỉ ra rằng trong Nghị định 159 với 38 điều đã quy định mọi hành vi liên quan đến hoạt động báo chí của cá nhân và tổ chức, xuất bản... nếu vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt nhẹ nhất là cảnh cáo và nặng nhất là phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

 

Trong khi đó, Điều 1 khoản 3 Nghị định 159 quy định: “Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động báo chí, xuất bản không quy định tại nghị định này mà quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác thì áp dụng các quy định đó để xử phạt”. Cụ thể, Điều 8 Nghị định 159 đã quy định đầy đủ các hành vi: Không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; Đăng tin, phát thông tin sai sự thật, đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống... với những mức phạt rất cụ thể. Tuy nhiên, các nghị định nói trên vẫn áp vào để xử phạt là trái với khoản 1 Điều 3 Nghị định 159 và các văn bản quy định về xử phạt trong hoạt động báo chí đang giẫm chân lên nhau.

 

Trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: Nếu quy định xử phạt báo chí nhiều quá hay lạm dụng quy định xử phạt báo chí sẽ vô hình trung cản trở tác nghiệp của báo chí. Báo chí cần có khoảng rộng để hoạt động, tác nghiệp, nếu đưa tin sai đã có Luật Báo chí điều chỉnh, Tổng Biên tập phải chịu trách nhiệm và cá nhân nhà báo đưa tin sai cũng sẽ bị xử lý, xử phạt theo luật định.

 

Vì vậy với các quy định liên quan đến xử phạt vi phạm báo chí cũng thế, cũng nên “một cửa một dấu”, nếu không hợp lý, hợp lệ thì các cơ quan soạn thảo, ban hành phải chủ động sửa đổi kịp thời cho phù hợp. Trong trường hợp phát hiện sai phạm hồ sơ nên gửi về Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông để xử lý để nhà báo “tâm phục khẩu phục”! 

 

Bảo Dân