Tạo cơ chế pháp lý mới về hòa giải, bước đột phá trong cải cách tư pháp
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 06:18, 03/10/2019
Tạo cơ chế pháp lý mới về hòa giải
Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Hàng năm, VCCI tiến hành khảo sát khoảng 10.000 doanh nghiệp dân doanh tại Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung về hệ thống tư pháp. Qua số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ra Tòa khi có tranh chấp năm 2018 là 45%. Mặc dù đây là mức khá thấp, nhưng cũng đã được cải thiện so với năm 2016.
Tuy nhiên, đó là đối với các doanh nghiệp nội địa. Còn đối với các doanh nghiệp FDI thì tỷ lệ sẵn sàng khởi kiện khi có tranh chấp vẫn rất thấp, chỉ có 8% các doanh nghiệp FDI trả lời khi được hỏi. Bởi vậy, việc đưa ra cơ chế hoà giải tại Tòa án là một bước đi tiếp theo nhằm cải cách tư pháp, để cho hệ thống Tòa án trở nên thân thiện hơn và quyền tiếp cận công lý của người dân và doanh nghiệp được bảo đảm hơn. Hoạt động hòa giải tại Toà án đã được thí điểm tại một số địa phương và mang lại kết quả tích cực.
Mặc dù các quy định cụ thể của đạo luật này sẽ tác động như thế nào đến việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại thì vẫn đang được nghiên cứu, đánh giá, nhưng đặc điểm của những tranh chấp kinh doanh thương mại cho thấy, tỷ lệ lớn các tranh chấp này là tranh chấp hợp đồng. Một bên thường khởi kiện bên còn lại vì lý do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung hợp đồng. Các bên đa phần hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình nhưng thường chây ỳ, không thực hiện. Do đó, việc áp dụng các biện pháp hòa giải cũng sẽ rất khác so với tranh chấp dân sự của các cá nhân hay hôn nhân gia đình.
Ông Tống Anh Hào, Thẩm phán TANDTC phát biểu tại hội thảo
Ông Tống Anh Hào, Thẩm phán TANDTC nhìn nhận, con đường giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại khiến các bên giải quyết tranh chấp bằng đưa ra 1 phương án đồng thuận là tốt nhất. Và sau hòa giải thành, các bên còn có thể tiếp tục hợp tác với nhau. Phương thức này còn rút ngắn được thời gian giải quyết tranh chấp, tiết kiệm chi phí, nhân lực, thời gian, công sức, và với sự đồng thuận, việc thi hành cũng thuận lợi hơn.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể phân loại thành hai nhóm quy định về hòa giải là hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, trước khi Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng.
Vì vậy, Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đang được xây dựng nhằm tạo cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại, không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại hiện có. Luật này cũng kỳ vọng sẽ đưa ra một cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại để các tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết các tranh chấp mà không cần phải mở phiên tòa xét xử, rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc, đồng thời tiết kiệm kinh phí của Nhà nước và các bên; hàn gắn những rạn nứt trong các quan hệ xã hội.
Nên theo phương án thu phí hòa giải
Thảo luận về Dự thảo luật, LS Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên Thẩm phán TANDTC, hiện là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại- Tài chính (FCCA) nhận định, hòa giải là xu thế chung của thế giới hiện nay và Việt Nam rất cần bắt nhịp với guồng quay chung đó.
Góp ý về một số nội dung cụ thể, LS Nguyễn Thị Kim Vinh cho biết: Theo quy định tại Dự thảo Luật, các chức danh Hòa giải viên (HGV) do Chánh án TANDTC bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật… Điều này cho thấy các chức danh này chịu sự quản lý, điều hành của người đứng đầu Tòa án. Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật lại quy định HGV không thuộc biên chế của Tòa án; danh sách của HGV do Tòa án quản lý và chỉ định và phải chịu sự quản lý và tổ chức chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án… Như vậy cần phải nghiên cứu để quy định cho phù hợp.
Về lệ phí hòa giải, dự thảo Luật đang đưa ra hai phương án về cơ chế thu phí. Phương án thứ nhất là Nhà nước không thu lệ phí hòa giải, lệ phí đối thoại tại Tòa án. Phương án 2 là nhà nước thu lệ phí hòa giải, lệ phí đối thoại đối với các trường hợp: Pháp nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; Cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Thiên Thanh cho rằng: “Thí điểm không thu phí" là cơ chế rất có lợi cho các đương sự, thể hiện tính nhân văn rất cao của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài cần tính toán lại. Quy định như vậy sẽ khó thu hút được các hòa giải viên giỏi, tâm huyết tham gia, dẫn đến không có nhân lực chất lượng cao, không tạo động lực trong công việc. Đồng thời, tăng thêm gánh nặng ngân sách khi toàn bộ các thù lao/phụ cấp cho HGV đều do ngân sách chi trả; tạo ra sự bất hợp lý đối với các Trung tâm hòa giải khác như Hòa giải thương mại…
Vì vậy, nên theo cơ chế thu phí vì xác định theo nguyên tắc tối thượng trong hòa giải là tự nguyện thì việc thu phí thù lao cho hòa giải viên cũng như hoạt động của trung tâm là cần thiết, vừa giảm tải ngân sách quốc gia, vừa đảm bảo chất lượng chuyên môn, thu hút nhân tài tham gia công tác hòa giải, cũng như đảm bảo sự công bằng địa vị pháp lý giữa các trung tâm hòa giải ngoài Tòa án với trung tâm hòa giải tại Tòa án.
Một nội dung nữa được các đại biểu quan tâm là tiêu chuẩn bổ nhiệm HGV, trong đó có quy định HGV phải có 10 năm kinh nghệm trong lĩnh vực công tác. Các ý kiến cho rằng quy định như vậy là chưa phù hợp với thực tế.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, HGV phải là những người có kinh nghiệm nhất định. Tuy nhiên, không nên yêu cầu kinh nghiệm 10 năm như quy định tại Dự thảo luật, mà chỉ cần từ 3 – 5 năm là phù hợp. Điều 68, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng chỉ yêu cầu điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp là “có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên, ông Đức dẫn chứng.
Các ý kiến khác cũng cho rằng quy định như vậy là không cần thiết. Vì thực tế cho thấy không phải người có hiểu biết pháp luật tốt là có thể tiến hành công tác hòa giải tốt, nhiều trường hợp luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn trẻ nhưng có năng lực, trình độ, kỹ năng hòa giải tốt thì hòa giải rất hiệu quả. Quy định theo hướng này sẽ góp phần mở rộng, huy động nguồn lực lớn trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đóng góp quan trọng vào sự thành công của công tác hòa giải, đối thoại. Vì vậy nên bỏ quy định này.
Dự thảo Luật cũng quy định tuổi nghỉ hưu của các Hòa giải viên là 70 tuổi, đồng thời, các hòa giải viên phải là những người có uy tín trong xã hội. Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam, Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự cho rằng tiêu chuẩn về tuổi “dưới 70” cần được cân nhắc lại khi vì có thể ảnh hưởng tới một số tiêu chuẩn khác. Thời gian tham gia hòa giải của các Thẩm phán, Kiểm sát viên, người giữ chức danh tư pháp khác nghỉ hưu sẽ không còn nhiều, đặc biệt khi chính sách về tuổi nghỉ hưu hiện nay có thể thay đổi theo hướng “nâng tuổi nghỉ hưu”.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, công việc hòa giải rất cần kinh nghiệm của những người cao tuổi. Việc giới hạn độ tuổi của các HGV chỉ ở độ tuổi 70 sẽ làm giảm chất lượng đội ngũ cán bộ này, trong khi đó, dự thảo Luật cũng đã ràng buộc một loạt điều kiện khác với HGV như: có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Ngoài ra, LS Đức cũng cho rằng nên xem xét thay từ “bổ nhiệm” bằng từ “công nhận” trong quy định tại khoản 2, Điều 10 “Những người dưới đây nếu có đủ tiêu chuẩn tại khoản 1 Điều này có thể được bổ nhiệm làm HGV, Đối thoại viên” bởi HGV trong trường hợp này cũng tương tự như hòa giải viên theo quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.