TAND tỉnh Sơn La: Đẩy mạnh thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 09:45, 23/09/2019
PV: Được biết, ông mới nhận nhiệm vụ về làm Chánh án của TAND tỉnh Sơn La được hơn một năm, từ một đơn vị còn nhiều khó khăn của khu vực miền núi phía Bắc, đến nay TAND tỉnh Sơn La đã được biết đến là một đơn vị vững mạnh về mọi mặt, ông có thể chia sẻ đôi chút về hệ thống TAND của tỉnh Sơn La hiện nay?
Chánh án Nguyễn Hồng Nam: Sơn La là tỉnh biên giới, địa hình phần lớn là đồi núi. Tỉnh có 12 huyện, thành phố, 204 đơn vị hành chính cấp xã... Tương ứng với tổ chức các đơn vị hành chính, hệ thống TAND hai cấp tỉnh Sơn La gồm TAND tỉnh và 12 TAND cấp huyện, thành phố. Hàng năm, TAND hai cấp xét xử khoảng 5.000 vụ việc các loại. Những năm gần đây xuất hiện một số vụ án lớn về hình sự (trốn ra nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, lừa đảo, tội phạm tham nhũng và chức vụ liên quan đến dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, vụ án gian lận thi cử), các vụ án phá sản, khiếu kiện hành chính có đông người khởi kiện... Có vụ án số người bị hại lên đến 428 người.
Khi tôi được điều động về làm Chánh án TAND tỉnh (tháng 5/2018), lãnh đạo TAND tỉnh Sơn La xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải tập trung giải quyết ngay, dứt điểm toàn bộ các vụ án hình sự, phá sản, hành chính mà có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự, trị an của tỉnh. Trong những tháng đầu, khi tôi nhận công tác thì các vụ án này đã được giải quyết xong, góp phần quan trọng đảm bảo trật tự trị an, nâng cao niềm tin của nhân dân (đặc biệt là vụ án Lò Văn Chau cùng đồng phạm lừa đảo, kích động 428 người bị hại là những người di dời để xây dựng thủy điện Sơn La khiếu kiện kéo dài, vụ án Vàng A Cha cùng 15 đồng phạm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào người Mông để lôi kéo, kích động chống chính quyền nhân dân).
Bên cạnh đó, tôi cũng đặc biệt chú trọng đến các vấn đề như: Tăng cường đoàn kết nội bộ, coi đoàn kết là sức mạnh, là cơ sở để hoàn thành mọi nhiệm vụ; Công tác cán bộ phải xác định là công tác sống còn của đơn vị. Phải chọn đúng người, giao đúng việc, đánh giá cán bộ phải dựa trên năng lực công tác.Việc quy hoạch gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng, rồi rèn luyện, thử thách và bổ nhiệm cán bộ; nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ được coi là rất quan trọng.
Ngoài ra, Ban cán sự đảng đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/BCSĐ và Chánh án TAND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1045/KH-TAND ngày 10/7/2018 để nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên. Theo đó, Tòa án các cấp phải xây dựng 2 loại tủ sách (tủ sách cứng: Các loại luật trên giá sách; tủ sách mềm: Cơ sở dữ liệu luật); hàng tháng TAND tỉnh tự tập huấn 1 ngày nhằm trao đổi, phổ biến kỹ năng xét xử từng loại vụ án, rút kinh nghiệm xét xử và giải đáp các vướng mắc. Từ tháng 8/2018, hàng tháng đơn vị đã duy trì đều đặn việc tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn, trao đổi chuyên môn, giải đáp nghiệp vụ cho toàn thể Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký. Việc tập huấn, trao đổi, giải đáp chuyên môn, nghiệp vụ được duy trì nền nếp, giúp từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Tòa án hai cấp, tăng cường áp dụng thống nhất pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử của tất cả các đơn vị. Kết quả công tác thay đổi rõ rệt cả về số lượng và chất lượng…
Ngoài các vấn đề nêu trên, lãnh đạo TAND tỉnh Sơn La cũng chú trọng tới hàng loạt các giải pháp khác như chỉ đạo quyết liệt công tác hòa giải, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát động các phong trào thi đua… cũng tạo động lực cho Tòa án hai cấp hoàn thành được nhiệm vụ mà TANDTC giao cho.
Thẩm phán cao cấp Nguyễn Hồng Nam, Chánh án TAND tỉnh Sơn La
PV: Với tinh thần cải cách tư pháp, năm 2019 hệ thống TAND tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, TAND tỉnh Sơn La đã thực hiện triển khai các giải pháp đó như thế nào, có những thuận lợi, khó khăn gì và kết quả đạt được ra sao? Trong số 14 giải pháp này, ông tâm đắc với giải pháp nào nhất?
Chánh án Nguyễn Hồng Nam: Ban cán sự đảng và lãnh đạo TAND tỉnh Sơn La luôn xác định việc quán triệt, đẩy mạnh tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt 14 giải pháp mà TANDTC đã đề ra là nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo chỉ đạo nhằm tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Đầu năm 2019, TAND Sơn La đã chủ động sơ kết việc thực hiện 14 giải pháp này, nhằm đánh giá, xem xét và làm rõ những vấn đề làm chưa tốt, đồng thời tìm nguyên nhân và giải pháp.
Về cơ bản, TAND tỉnh Sơn La đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 14 giải pháp nêu trên và hiệu quả công tác đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện. Công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần của cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, công khai bản án, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử… đều được thực hiện nghiêm túc, là cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Về thuận lợi thì TAND tỉnh luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TANDTC, sự giúp đỡ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp tốt của các Sở, ngành, chính quyền các cấp. Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, đơn vị vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: Đội ngũ cán bộ Tòa án được đào tạo chính quy còn thấp, cơ sở vật chất đã cũ, nhiều trụ sở Tòa án xuống cấp nghiêm trọng, trình độ dân trí của người dân còn thấp…
Toàn bộ 14 giải pháp được TAND tỉnh triển khai đã tạo chuyển biến thiết thực cho hệ thống Tòa án hai cấp: Công tác thống nhất áp dụng pháp luật được thực hiện nghiêm túc thông qua kết quả các buổi tập huấn do TANDTC và Tòa án tỉnh tổ chức; công tác đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp được thực hiện nghiêm túc theo Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án TANDTC ban hành quy chế tổ chức phiên tòa; công tác nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án kể cả về hình thức và nội dung bản án; việc công khai bản án được chú trọng…
Trong số 14 giải pháp, tôi tâm đắc nhất là giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự; đặc biệt quán triệt đến cán bộ Chỉ thị số 04/2017/CT-CA ngày 3/10/2017 của Chánh án TANDTC về việc tăng cường công tác hòa giải tại TAND. Xuất phát từ nhân dân Sơn La chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, sống ở miền núi, nhưng lại “trăm cái lý không bằng tý cái tình”, sẵn sàng vui vẻ (kể cả bị thiệt thòi) khi thông cảm với nhau; đồng thời cần dựa vào uy tín của già làng, trưởng bản để hòa giải tranh chấp trong nhân dân. Trong những năm gần đây, tỷ lệ hòa giải thành của TAND hai cấp tỉnh Sơn La luôn đạt kết quả cao (năm 2017 đạt 71,34%; năm 2018 đạt 73,6%; 6 tháng đầu năm 2019 đạt 75,1%).
Đồng thời giải pháp công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND cũng được TAND tỉnh chú trọng. TAND tỉnh Sơn La năm 2018 vinh dự có một đồng chí Thẩm phán (duy nhất trong toàn ngành Tòa án) được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về việc công khai bản án và tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; 2 đồng chí Thẩm phán được tặng thưởng Bằng khen của Chánh án TANDTC về việc công khai bản án.
PV: Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xét xử, ông đã đưa tinh thần cải cách tư pháp đó vào các phiên tòa như thế nào, hiệu quả của nó ra sao thưa ông?
Chánh án Nguyễn Hồng Nam: Thực hiện Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án TANDTC quy định về phòng xử án và Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án TANDTC ban hành quy chế tổ chức phiên tòa, TAND hai cấp tỉnh Sơn La đã tiến hành bố trí, sắp xếp phòng xử án theo quy định mới, tận dụng những trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện có để bố trí phòng xử án cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Ban cán sự đảng và lãnh đạo TAND tỉnh Sơn La đã quán triệt, chỉ đạo các Thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm để các bên đương sự thực hiện đúng và đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật, đặc biệt là nghĩa vụ chứng minh, xác định sự thật khách quan của vụ án, các vấn đề pháp lý tranh chấp cần giải quyết trong vụ án. Tại các phiên tòa hình sự, việc đối đáp với Kiểm sát viên của những người tham gia tố tụng được thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo phán quyết của Tòa án phải trên cơ sở pháp luật và các tình tiết, chứng cứ, lập luận đã được kiểm tra, xem xét, kết luận toàn diện, đầy đủ tại phiên tòa. Quá trình hỏi và tranh luận tại phiên tòa phải bảo đảm thực sự khách quan, minh bạch và công bằng, mọi chứng cứ được xem xét một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ. Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị Tòa án đã yêu cầu các Thẩm phán cần nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, thực hiện đầy đủ thẩm quyền tố tụng của mình trong việc yêu cầu điều tra bổ sung; thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội; kiến nghị để khắc phục các sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hay kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước khắc phục những hạn chế, thiếu sót là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự đảng và lãnh đạo TAND tỉnh Sơn La cũng như sự nghiêm túc thực hiện của các Thẩm phán, trong những năm gần đây chất lượng xét xử của TAND hai cấp tỉnh Sơn La được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ án bị sửa, hủy do nguyên nhân chủ quan năm sau giảm hơn năm trước, không để xảy ra án oan hoặc bỏ lọt tội phạm.
PV: Hiện nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng và tiêu cực được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trong vòng một thời gian ngắn, TAND tỉnh Sơn La đã đưa ra xét xử những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được gọi là “đại án” của Sơn La như vụ án sai phạm trong đền bù giải phóng mặt bằng tại Dự án thủy điện Sơn La, hay đang chuẩn bị xét xử vụ án gian lận trong thi cử mà dư luận đặc biệt quan tâm. Với tư cách là Chánh án, ông cho biết suy nghĩ của mình về những vụ án này?
Chánh án Nguyễn Hồng Nam: Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Theo đó, người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về trách nhiệm chính trị, hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai và ở cương vị nào; chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng, áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; trừng trị nghiêm khắc những đối tượng tham nhũng có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Quán triệt tinh thần của Nghị quyết Trung ương và của Tỉnh ủy, lãnh đạo TANDTC, lãnh đạo TAND tỉnh đã xác định cần phải tăng cường công tác chỉ đạo để tổ chức tốt việc xét xử các vụ án tham nhũng, đảm bảo đúng người, đúng tội, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải sâu sát, kịp thời nhưng phải đúng quy định của pháp luật, từ việc phân công Hội đồng xét xử, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, xây dựng kế hoạch xét hỏi, dự liệu các tình huống diễn ra tại phiên tòa, đến công tác tổ chức phiên tòa, đảm bảo phiên tòa diễn ra theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và tinh thần cải cách tư pháp.
PV: Xin cảm ơn Chánh án!