Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để người dân giám sát hoạt động của Tòa án
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 15:36, 17/09/2019
Ứng dụng CNTT là nhiệm vụ cấp bách
TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh có tổng biên chế là 1.253 người, trong đó có 763 Thẩm phán nhưng hàng năm giải quyết một lượng án rất lớn, chiếm từ 1/5 đến 1/3 lượng án của cả nước. Cụ thể, năm 2018, TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý gần 73.000 vụ, việc các loại; riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã thụ lý gần 52.000 vụ, việc. Với lượng án thụ lý rất lớn và gia tăng theo từng năm nên yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý ngày càng cao.
Vì vậy, tăng cường việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của Tòa án là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong quá trình cải cách hành chính tư pháp. Xác định được điều đó, TAND TP. Hồ Chí Minh không ngừng nâng cao chất lượng phần mềm quản lý án, thống kê, báo cáo, văn thư.
Từ năm 1997 đến năm 2013, Văn phòng TAND TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện chương trình “Quản lý án” vào áp dụng. Tuy nhiên, trong một thời gian dài ứng dụng, bên cạnh những ưu điểm và kết quả đạt được thì chương trình này cũng có một số hạn chế nhất định như công tác quản lý mang tính chất cục bộ, nhiều tiêu chí quản lý chưa được xây dựng gây khó khăn cho công tác tổng hợp, báo cáo, quan trọng nhất là chương trình chưa cho phép đánh giá chính xác thực trạng hoạt động của đơn vị nên tồn tại một số mặt trong công tác.
Trước tình hình đó, TAND TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp phải là khâu đột phá, đảm bảo các tiêu chí như: quản lý toàn diện các hoạt động của đơn vị; quản lý hoạt động cụ thể của từng loại việc, từng cá nhân, từng đơn vị trực thuộc; tăng cường tính công khai, minh bạch đến người dân, tạo mọi sự tiện lợi dễ dàng, nhanh chóng, chính xác; tăng cường quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan. Sau khi nghiên cứu, lãnh đạo TAND thành phố đã giao cho Văn phòng xây dựng chương trình “Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông” trong việc quản lý và điều hành tại Tòa án.
Thẩm phán Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh
Với việc vận hành mô hình này, tất cả các công việc của đơn vị sẽ được tập trung một đầu vào tại Văn phòng để thực hiện việc quản lý bằng mã vạch, số hóa văn bản. Văn phòng là tổ chức đầu mối tiếp nhận toàn bộ các loại đơn khởi kiện, các loại văn thư từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến, từ đó Văn phòng sẽ triển khai các hoạt động giám sát, quản lý các loại việc ở đầu vào, sau đó chuyển đến các bộ phận chuyên môn giải quyết. Thông qua việc quản lý đầu vào, Văn phòng sẽ trực tiếp quản lý việc phát hành văn bản thông qua các công việc như: tập trung văn bản phát hành, tống đạt các cơ quan thực hiện việc quản lý đầu ra của công việc một cách khoa học. Kết quả giải quyết công việc cũng được tập trung tại một đầu ra ở Văn phòng để trả kết quả giải quyết dựa trên việc quản lý đầu vào.
Mô hình này quản lý và kiểm soát tất cả các giai đoạn giải quyết công việc từ đầu vào đến kết quả giải quyết đầu ra. Do đó, phần mềm sẽ phát hiện những sai sót như quá hạn giải quyết công việc, sai thẩm quyền, lỗi vi phạm để lãnh đạo có thể kịp thời nhắc nhở, đôn đốc giải quyết.
Mô hình “Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông” trong thời gian hoạt động đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận được sự đồng tình cao từ phía người dân và sự đánh giá cao của TANDTC, của một số đơn vị TAND các tỉnh. Toàn bộ hồ sơ thụ lý, các văn bản tố tụng, bản án khi phát hành đều được áp mã vạch từ ngày 1/10/2014.
Mỗi văn bản do Tòa án phát hành hoặc gửi đến Tòa án đều được scan, nhập dữ liệu trên hệ thống và dán mã vạch lên từng văn bản, nhờ đó việc quản lý, truy xuất thông tin trở lên nhanh chóng và hiệu quả hơn, khắc phục việc chậm chuyển hồ sơ, bản án, quyết định, thông báo thụ lý, lệnh tạm giam. Công tác tiếp nhận và xử lý các đơn, thư kháng cáo, kháng nghị, đơn thư khiếu nại được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Việc cấp sao, lục bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện đúng quy định; nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc đối với Thẩm phán, Thư ký và cán bộ, công chức khác.
Đặc biệt, chương trình đã hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý điều hành của Ban lãnh đạo cơ quan, giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo được chính xác, kịp thời; thấy được các mặt hạn chế, tồn tại ở từng cá nhân, từng bộ phận, đơn vị. Quản lý được công việc một cách cụ thể, chi tiết, cảnh báo được các vi phạm về thời hạn giải quyết công việc, thời hạn tố tụng. Nâng cao tính công khai, minh bạch, khoa học, tiện lợi. Sắp xếp lại bộ máy Văn phòng tinh gọn, giảm được biên chế, nâng cao tinh thần trách nhiệm từng cán bộ công chức, tạo được khí thế làm việc mới, khắc phục tính trì trệ và xây dựng văn hóa ứng xử.
Tiền đề áp dụng tố tụng điện tử
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cá nhân, tổ chức nắm bắt được các thông tin liên quan đến Tòa án, TAND TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện lắp đặt các kios thông tin. Theo đó, mỗi đơn vị TAND quận, huyện lắp đặt một máy kios, TAND thành phố lắp đặt 3 máy kios thông tin. Các đơn vị có trách nhiệm đăng tải các thông tin liên quan đến đơn vị mình lên máy kios, cũng như kết quả giải quyết các đơn kiện, lịch xử, thông tin kháng cáo, kháng nghị, những quy định mới của pháp luật, các thủ tục hành chính tư pháp tại TAND.
Ông Tô Thanh Hải, tác giả của chương trình quản lý của TAND TP. Hồ Chí Minh
Việc sử dụng các kios này đã gúp cho người dân tiếp cận các thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế thời gian tiếp xúc với CBCC, tăng cường tính công khai, minh bạch các hoạt động của TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, TAND thành phố đã hoàn thành việc kết nối mạng nội bộ với 24 TAND quận, huyện. Do đó, tất cả các hoạt động của TAND hai cấp sẽ được TAND thành phố quản lý và kiểm soát một cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TAND thành phố.
Ông Tô Thanh Hải, Tổ trưởng Tổ tin học chia sẻ, với phầm mềm quản lý của TAND TP. Hồ Chí Minh cho phép Chánh án thành phố theo dõi toàn bộ hoạt động của đơn vị mình, từ việc thụ lý án, đơn thư hàng ngày đến số lượng án đã được phân công, số lượng án đã giải quyết, án quá hạn luật định, án tạm đình chỉ, án hủy, sửa của tất cả Thẩm phán TAND hai cấp. Thậm chí, quá trình giải quyết một vụ án cụ thể như: từ quyết định triệu tập đương sự, văn bản hoãn phiên tòa đến bản án đã tuyên. Lãnh đạo ngồi trên máy tính chỉ vài thao tác là nắm được toàn bộ công việc của đơn vị. Đối với mỗi Thẩm phán, trên máy tính cá nhân luôn hiển thị thông tin như: Tổng số án tồn, án quá hạn, lịch xử trong tháng, giải quyết trong tháng, án tạm đình chỉ, án bị hủy, bị sửa, từ đó mỗi thẩm phán thấy được công việc đã làm và sẽ làm của mình. Dự kiến đến đầu tháng 11/2019, phần mềm quản lý sẽ được cài đặt trên điện thoại di động cá nhân của lãnh đạo, Thẩm phán của TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh.
Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Phong cho biết, ứng dụng CNTT trong quản lý của TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh đã tạo thuận lợi trong việc quản lý công việc của từng Thẩm phán, các Tòa, phòng, truy xuất số liệu báo cáo rất nhanh. Việc này phù hợp với xu thế phát triển, chủ trương cải cách tư pháp, đem lại hiệu quả cao nhất cho công việc, đồng thời tạo tiền đề cho việc thực hiện thí điểm tố tụng điện tử. Áp dụng tố tụng điện tử là bài toán giải quyết tình hình án ngày càng tăng, biên chế giảm, giải quyết áp lực của tòa án, nhất là TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh.
Mặt khác, việc áp dụng CNTT vào hoạt động của Tòa án góp phần không nhỏ trong quá trình tương tác giữa người dân và Tòa án, đồng thời công khai, minh bạch thông tin vụ việc để người dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của Tòa án.