Hà Nội: Thí điểm tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 18:48, 02/11/2018
Đây là phương thức đặt ra nhằm giải quyết hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và của xã hội. Đồng thời, hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án.
Hà Nội là 1 trong 15 tỉnh, thành phố được TANDTC lựa chọn triển khai thí điểm phương thức này. Hiện tại, TAND TP Hà Nội đã thành lập 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP Hà Nội và tại 15 TAND cấp huyện, TP Hà Nội, bao gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức và Chương Mỹ.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Tất cả các Trung tâm hòa giải đều có Phòng làm việc và Phòng hòa giải với trang thiết bị được thiết kế, bố trí thể hiện sự thân thiện, gần gũi. 85 hòa giải viên, đối thoại viên của 16 Trung tâm đều là những người có kiến thức pháp luật, kinh nghiệm, năng lực, hiểu biết xã hội, có uy tín trong cộng đồng, đã được tập huấn đầy đủ về quy trình và kỹ năng hòa giải, đối thoại, sẵn sàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 16 đơn vị thuộc Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự, Luật tố tụng Hành chính không được hòa giải, đối thoại.
Theo quy định, trong quá trình hòa giải, đối thoại, các hòa giải viên, đối thoại viên là những người trung lập, khách quan để hỗ trợ các bên thỏa thuận, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; những lời khai của người tham gia hòa giải, đối thoại không được sử dụng làm chứng cứ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật; trường hợp các bên yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành thì quyết định này có hiệu lực thi hành như bản án, quyết định của Tòa án; chi phí, bồi dưỡng cho hòa giải viên, đối thoại viên do Tòa án chi trả, các bên không phải chi trả cho hòa giải viên, đối thoại viên bất cứ khoản thù lao nào.
Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính tại Hội nghị
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao công tác triển khai thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại của TAND TP Hà Nội và yêu cầu Tòa án nhân dân hai cấp TP Hà Nội chủ động, tích cực bảo đảm hoạt động của các Trung tâm này; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các Trung tâm và kiến nghị TANDTC hướng dẫn, xử lý kịp thời nếu cần thiết. Đồng thời, Chánh án TANDTC cũng đề nghị các hòa giải viên, đối thoại viên tích cực nghiên cứu, áp dụng những kỹ năng, quy trình hòa giải, đối thoại đã được tập huấn; vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm và uy tín của mình để triển khai trong thực tiễn.
Theo Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, số lượng các vụ án mà TAND hai cấp TP Hà Nội phải giải quyết ngày càng tăng. Năm 2016, TAND hai cấp TP Hà Nội thụ lý 28.747 vụ án các loại, nhưng đến năm 2017 đã thụ lý 30.777 vụ, tăng 2.029 vụ so với năm 2016. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018 đã thụ lý 28.305 vụ án, tăng 3.157 vụ so với 9 tháng đầu năm 2017; trong đó lượng án dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính chiếm 74,7%.
Cùng với việc gia tăng về số lượng, tính chất các vụ tranh chấp ngày càng phức tạp. Việc ra đời các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 16 đơn vị thuộc TAND hai cấp TP Hà Nội nhằm giúp giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án trong bối cảnh số lượng biên chế của Tòa án còn hạn chế, trong khi số lượng các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp; đồng thời đây cũng là bước chuyển mình rất lớn trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án; góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đương sự, nhà nước và toàn xã hội.