Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Bước đi mới tạo sự đột phá trong giải quyết án dân sự, hành chính

Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 19:08, 12/09/2018

Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại Trung tâm hòa giải, đối thoại được thí điểm về giải quyết các vụ án dân sự, hành chính bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo điểm sáng trong giải quyết các tranh chấp dân sự,khiếu kiện hành chính hiện nay.

Tạo sự đột phá mới

Ngày 18/5/2018, TANDTC đã tiến hành sơ kết và đánh giá về Đề án này. Theo đánh giá kết quả bước đầu, hiệu quả giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính đạt hơn 67% các vụ việc phải giải quyết tại Tòa án. Chương trình thí điểm cũng tạo sự đồng thuận trong xã hội, giảm áp lực đáng kể cho Tòa án và rèn luyện, tích lũy được kỹ năng cần thiết cho cán bộ hòa giải, đối thoại cho các tổ chức được giao thực hiện thí điểm. Đặc biệt, việc thí điểm này đã hình thành nên hệ thống lý luận, cơ sở pháp lý để tiến tới xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại  Tòa án trong thời gian tới.

Qua công tác nghiên cứu, đánh giá kết quả hòa giải thành cũng như đối thoại thành cả trong nước và trên thế giới thấy, giống như hòa giải thành, đối thoại thành trong khi giải quyết khiếu kiện hành chính cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng và có giá trị to lớn, đem lại nhiều lợi ích hợp pháp cho toàn xã hội nói chung, các bên đương sự cũng như Tòa án và các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng. Vì các bên đương sự thấy yêu cầu khởi kiện đã được giải quyết thỏa đáng, nên không có đơn kháng cáo hoặc tiếp tục khiếu kiện bức xúc kéo dài, từ đó đem lại sự tôn trọng và giữ gìn được nhiều mối quan hệ mật thiết giữa người dân và cơ quan công quyền, giữa người dân với Tòa án, giữa cơ quan công quyền với Tòa án... không gây sức ép nặng nề về tâm lý cho các Thẩm phán, tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án rút ngắn thời gian giải quyết vụ án hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Theo chuyên gia Ấn Độ, hòa giải, thương lượng và trọng tài là hình thức mà nhiều nước lựa chọn nhằm giải quyết sự tắc nghẽn tại Tòa án và tiếp cận công lý. Từ năm 1999, Quốc hội Ấn Độ ban hành Luật Sửa đổi BLTTDS, quy định việc chuyển các vụ việc Tòa án đang xem xét sang các kênh giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính ngoài tố tụng theo phương thức hòa giải. Từ đó, hòa giải bắt buộc thông qua tố tụng tại Tòa án đến nay đã trở thành một qui định pháp lý, ít được sử dụng; Trung tâm hòa giải và thương lượng gắn liền với Tòa án được thành lập ở nhiều Tòa án tại Ấn Độ và Tòa án bắt đầu chuyển nhiều vụ việc đến các trung tâm này…

Còn chuyên gia Mỹ thì đánh giá rằng, trong bất kỳ xã hội nào, đặc biệt là khi việc sử dụng hệ thống pháp luật rất tốn kém (về tiền bạc, về thời gian, độ không chắc chắn cho thi hành án...) đều được mọi người tự nguyện lựa chọn, mặc dù trong tố tụng là việc giải quyết có tính dân sự đối với tranh chấp và khiếu kiện hành chính nhưng không phải mọi tranh chấp, khiếu kiện đều phải được đưa ra xét xử. Bây giờ là lúc chúng ta cần giải quyết quyết tranh chấp, khiếu kiện một cách ít tốn kém hơn, ít rủi ro hơn khi có thể và khi mà có thể tránh được việc mở phiên tòa, hòa giải ngoài tố tụng đặt tại Tòa án là bước lựa chọn đúng đắn.

Đối thoại tỷ lệ thành công cao

Bộ luật TTDS 2015 quy định hòa giải là một nguyên tắc bắt buộc Tòa án phải tiến hành, là trách nhiệm của Tòa án và mỗi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải thực hiện trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, trừ những trường hợp không được hòa giải và không thể hòa giải được theo quy định của luật này. Thủ tục hòa giải bắt buộc Thẩm phán phải tiến hành chỉ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Còn tại phiên tòa sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm, nếu các đương sự tự nguyện thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì có quyền đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa để các bên đương sự tự hòa giải với nhau. Tuy nhiên, số lượng tranh chấp được Tòa án hòa giải thành vẫn còn hạn chế, bởi những qui định ràng buộc của Bộ luật này.

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Bước đi mới tạo sự đột phá  trong giải quyết án dân sự, hành chính

Thẩm phán Đào Thị Xuân Lan

Riêng Luật TTHC năm 2015 quy định, việc đối thoại trong giải quyết vụ án thuộc trách nhiệm của Tòa án và nhiệm vụ của Thẩm phán tiến hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm và đây cũng được coi là thủ tục bắt buộc mà Thẩm phán phải thực hiện. Theo đó, các Thẩm phán tiến hành cho các bên đương sự gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nhau, để hiểu biết nhau hơn, hiểu biết qui định của pháp luật, làm rõ được những nguyên nhân của những khác biệt trong nhận thức, những sai sót, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước (nếu có), để các bên có thể đi đến thống nhất về giải quyết khiếu kiện, về bất đồng, mâu thuẫn, xung đột, hoặc Tòa án tạo điều kiện để họ có thể tự đối thoại với nhau, người khởi kiện có thể rút một phần hoặc toàn bộ nội dung khởi kiện hoặc người bị kiện có thể sửa đổi hoặc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện.

Vì vậy, nhiều vụ án hành chính phức tạp, đương sự khiếu nại rất gay gắt, bức xúc, kéo dài đến các cơ quan hành chính Nhà nước, sau khi được giải quyết họ vẫn không tin tưởng, nên đã khởi kiện ra Tòa án. Tại Tòa án, họ được tham gia đối thoại một cách dân chủ, công khai, khách quan và được đề đạt đầy đủ ý kiến, nguyện vọng, được tôn trọng, được đối xử công bằng, làm cho họ hiểu và có nhận thức đúng đắn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình, theo quy định của pháp luật,… nên họ đã tự nguyện rút đơn khởi kiện, cá biệt có trường hợp quyền lợi của họ chưa hẳn đã được giải quyết, nhưng họ vẫn vui vẻ rút đơn khởi kiện để giữ được nhiều quan hệ, lợi ích khác về tinh thần.

Ngoài ra, đối thoại thành còn góp phần lớn vào việc làm ổn định tình hình chính trị tại địa phương và trung ương, góp phần giảm thiểu sức ép cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính các cấp. Quyết định công nhận đối thoại thành đều được các đương sự tự nguyện thi hành nhanh chóng, chưa bao giờ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế; đồng thời, còn tạo điều kiện cho người bị kiện có cơ hội xem xét lại tính hợp pháp của quyết định hành chính mà họ ban hành, hoặc hành vi hành chính của mình. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để người khởi kiện xem xét lại cơ sở pháp lý của yêu cầu khởi kiện, trên cơ sở đó giúp họ có thêm thông tin khi đưa ra những quyết định đúng đắn về các vấn đề đã khởi kiện.

Tuy nhiên, số lượng vụ việc được đối thoại thành tại Tòa án (nghĩa là đối thoại trong tố tụng) chưa cao, vẫn còn hạn chế, bởi những qui định ràng buộc của tố tụng hành chính. Do đó vẫn cần có sự đổi mới mạnh mẽ theo mô hình đối thoại ngoài tố tụng, được thực hiện tại Trung tâm hòa giải, đối thoại, để trong tương lai,số lượng đối thoại thành khi giải quyết khiếu kiện hành chính đạt kết quả cao hơn nữa. Cũng như hòa giải thành, chúng ta khó có thể tính hết được hiệu quả to lớn như thế nào, khi đối thoại thành một vụ án hành chính thành công. Hòa giải thành và đối thoại thành ngoài đem lại ngoài lợi ích vật chất, còn đem lại rất nhiều lợi ích về tinh thần cho toàn xã hội nói chung, cho những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng và cho các đương sự nói riêng.

Theo chuyên gia - nguyên Thẩm phán Tòa án cấp cao Mỹ, hòa giải ngoài tố tụng không những đã trở thành văn hóa của nước Mỹ mà hòa giải còn là vấn đề chung của toàn cầu. Bởi vậy, Việt Nam cần nghiên cứu, có sự bước đi thích hợp, bắt kịp xu thế chung của toàn cầu trong bối cảnh hiện nay.

Theo báo cáo kết quả công tác 5 năm gần đây, hệ thống TAND của Việt Nam cũng gặp phải vấn đề giống như một số nước trên thế giới. Các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính tiếp tục có xu hướng gia tăng mạnh. Do quy định mới trong bộ luật về tố tụng dân sự, hành chính quy định thẩm quyền của Tòa án được mở rộng nên số lượng tranh chấp mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết gia tăng, tính chất vụ việc phức tạp. Số lượng các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều trong bối cảnh số lượng biên chế, các điều kiện về cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu so với nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án.

Cần triển khai, nhân rộng

Để khắc phục tình trạng trên, Ban cán sự Đảng TANDTC đã tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo, đề ra nhiều giải pháp đột phá; tổ chức nhiều hội nghị, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước tiên tiến trên thế giới có mô hình Trung tâm hòa giải ngoài tố tụng tại Tòa án thành công, đem lại nhiều ý nghĩa quan trọng và có giá trị to lớn được người dân tin tưởng và tự nguyện đón nhận (như ở Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...). Ngày 11/12/2017, Ban cán sự Đảng TANDTC có Báo cáo số 696/BC-BCS về đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, trình Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đề xuất, kiến nghị: “Xây dựng Đề án toàn diện về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; Cho phép tiến hành thí điểm hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng, theo kinh nghiệm của chuyên gia Mỹ, Ấn Độ…”.

Được sự đồng ý của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và để có cơ sở lý luận thực tiễn xây dựng Đề án, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã ban hành các kế hoạch và thực hiện triển khai thí điểm tại Hải Phòng, bước đầu đã đạt được kết quả rất khả quan.

Theo báo cáo sơ kết của TANDTC, tính đến ngày 18/5/2018 (sau 2 tháng triển khai thí điểm) 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án đi vào hoạt động. Các Tòa án thực hiện thí điểm đã nhận 1.077 đơn khởi kiện, và đã đưa ra hòa giải, đối thoại: 893 đơn, trong đó hòa giải, đối thoại thành: 600 vụ việc (tỷ lệ 67,2%). Đáng chú ý, trong số 600 vụ việc hòa giải, đối thoại thành có nhiều vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính phức tạp, bức xúc kéo dài đã được các hòa giải viên, đối thoại viên có nhiều kinh nghiệm, kiên trì hòa giải, đối thoại nên đã thành công. Nhiều hòa giải viên, đối thoại viên có kỹ năng hòa giải đối thoại rất tốt được chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao.

Số lượng 600 vụ án đã được hòa giải thành, đối thoại thành tại Trung tâm trong thời gian thí điểm sau 2 tháng, tương đương với số vụ việc thụ lý, giải quyết 1 năm của một số Tòa án cấp quận, huyện của thành phố Hải Phòng. Đây là con số rất ấn tượng về kết quả bước đầu từ mô hình này. Để có được kết quả đó là nhờ sự nghiên cứu tình hình thực tiễn của Việt Nam và triển khai áp dụng mô hình mới, văn minh, tiên tiến mà đa số các nước trên thế giới đã áp dụng thành công của lãnh đạo TANDTC, đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong giải quyết các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính hiện nay.

Theo đó, hoạt động hòa giải, đối thoại đã tác động tích cực đến việc ổn định tình hình chính trị, ổn định các quan hệ xã hội từ trung ương đến địa phương, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện theo tinh thần “hai bên cùng thắng” và tổ chức thực hiện hòa giải thành, đối thoại thành nhiều vụ việc phức tạp kéo dài, tạo niềm trong nhân dân, doanh nghiệp và các cơ quan hành chính nhà nước...

Thực tiễn chứng minh, việc giải quyết các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính của TAND theo đúng qui định của pháp luật thì kết quả giải quyết đó không những bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, của cá nhân, cơ quan tổ chức liên quan, mà còn tác động rất lớn đến ý thức tuân thủ pháp luật của người người dân, của người có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, hình thành ý thức thượng tôn pháp luật trong nhân dân, qua đó giúp người dân thực hiện quyền kiểm soát quyền lực hành chính nhà nước, thúc đẩy công cuộc cải cách thủ tục hành chính mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Việc hòa giải thành, đối thoại thành đem lại nhiều kết quả to lớn và có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cho những người tham gia tố tụng, cho các cơ quan nhà nước và cho toàn xã hội... không những ở Việt Nam mà còn được đa số các nước trên thế giới áp dụng. Do vậy, từ kết quả thí điểm thành công tại Hải Phòng, cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu và triển khai rộng rãi mô hình này trong thời gian sớm nhất như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công.

TS Đào Thị Xuân Lan, Thẩm phán TANDTC