Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính: Cần thực hiện 9 giải pháp đồng bộ

Chính trị - Ngày đăng : 22:27, 18/12/2013

GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo quốc tế “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính” ngày 18/12, tại Hà Nội.

Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính: Cần thực hiện 9 giải pháp đồng bộ

Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức.

Đề cập đến tác động của tài chính đối với sự phát triển bền vững, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Để khắc phục những tồn tại, bất cập của nền tài chính quốc gia, Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định là phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ, các cân đối lớn; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính nhằm tạo khả năng chống đỡ được những cú sốc từ bên ngoài để phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chiến lược tài chính Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt cũng đã đặt mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng hiệu quả, công bằng các nguồn lực tài chính trong xã hội; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.

Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính: Cần thực hiện 9 giải pháp đồng bộ

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo

Từ những mục tiêu, định hướng nêu trên, trong thời gian tới, đòi hỏi Việt Nam cần thực hiện 9 giải pháp đồng bộ sau: Tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia; Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế; Đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công cùng với đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công; Hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp; Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; Phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; Đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; Nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức điều hành chính sách tài chính. 

Hội thảo có 3 phiên thảo luận về các chủ đề: Tăng cường nền tảng tài chính; Giám sát tài chính hiệu quả; Tái cấu trúc tài chính và mạng an toàn tài chính.

Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính: Cần thực hiện 9 giải pháp đồng bộ

Tại hội thảo, các diễn giả, nhà kinh tế, chuyên gia tài chính tập trung làm rõ các vấn đề về hệ thống quy chuẩn an toàn tài chính hiện nay; tăng cường tính minh bạch vì một nền tài chính hiệu quả; nguyên nhân gây nên những bất cập của hệ thống tài chính; đổi mới mô hình giám sát và phương pháp giám sát của Việt Nam để vừa phù hợp với thực tiễn đất nước, vừa có thể hội nhập với thị trường tài chính quốc tế. Các ý kiến đóng góp, khuyến nghị của các chuyên gia trong và ngoài nước là những thông tin hữu ích, giá trị đối với công tác tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành các quyết sách quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển đất nước bền vững.

Hoan nghênh các cơ quan đã có sáng kiến tổ chức Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh mong muốn Hội thảo sẽ đúc rút được những khuyến nghị chính sách có tính thực tiễn và dài hạn, làm cơ sở cho Chính phủ xây dựng một lộ trình cụ thể để từng bước lành mạnh hóa hệ thống tài chính, nâng cao năng lực giám sát, tạo điều kiện và thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020. Ngân hàng thế giới và cộng đồng các nhà tài trợ sẽ tiếp tục đồng hành và trợ giúp Chính phủ Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và quá trình cải cách tài chính nói riêng; đồng thời trợ giúp cho việc xây dựng một mô hình giám sát tài chính hữu hiệu để tăng khả năng phân tích, đưa ra các dự báo và cảnh báo sớm cho Chính phủ về các rủi ro tài chính và tác động của các rủi ro này đến nền kinh tế.

Nguyễn Thanh Liêm