TAND huyện Tháp Mười, Đồng Tháp: Xin lỗi công khai người bị kết án oan
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 22:00, 11/10/2016
Ông Trần Hiến Cương, Chánh án TAND huyện Tháp Mười thay mặt TAND huyện xin lỗi bà Phan Thị Kim Phụng và bà Phan Thị Tuyết Loan. Ông Cương cho biết, trong thời gian dài, bà Loan và bà Phụng phải sống thiếu tự do, nhọc nhằn trong trại giam, tinh thần và tâm lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải sống cách ly gia đình. Trong quá trình tiến hành tố tụng, các cơ quan và người tiến hành tố tụng đã chưa làm hết trách nhiệm của mình, có sai sót trong việc nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ theo quy định pháp luật nên đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. TAND huyện xin nhận khuyết điểm và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật, mong bà Loan, bà Phụng, gia đình cùng người thân tha thứ và chấp nhận lời xin lỗi của TAND huyện Tháp Mười và những người đã tiến hành tố tụng của vụ án trong quá khứ. Qua vụ án này, Tòa án đã rút được bài học kinh nghiệm sâu sắc và cam kết sẽ không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để trong thời gian tới không còn một người nào, một gia đình nào phải gánh chịu những mất mát, thiệt thòi do bị kết án oan.
Phát biểu tại buổi xin lỗi, bà Phan Thị Tuyết Loan cảm ơn các cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh đã giải oan cho chị em bà và cảm ơn TAND huyện Tháp Mười đã tổ chức buổi lễ xin lỗi công khai này. Bà Loan chấp nhận lời xin lỗi và mong TAND huyện Tháp Mười sớm bồi thường thiệt hại cho chị em bà.
Ông Trần Hiến Cương tặng hoa cho bà Phụng, bà Loan
Theo hồ sơ vụ án, năm 1998, Nhà nước thu hồi đất của gia đình bà Phụng, bà Loan để xây dựng chợ Trường Xuân. Không đồng ý với mức bồi thường, gia đình bà Loan, bà Phụng nhiều lần ngăn cản không cho định vị, nhổ cột mốc. Trong đó, bà Phụng, bà Loan tham gia trực tiếp việc ngăn cản, nhổ cột mốc nhiều lần nên bị Công an huyện Tháp Mười bắt giữ để điều tra. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 20/2000/HSST ngày 30/11/2000, TAND huyện Tháp Mười tuyên phạt bà Phụng 12 tháng tù, bà Loan 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Chống người thi hành công vụ”. Xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Tháp hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử lại. Ngày 3/3/2003, Công an huyện Tháp Mười ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bà Phụng, bà Loan với lý do “Chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội và người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội”.
Bà Loan, bà Phụng làm đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. TAND huyện Tháp Mười quyết định đình chỉ vụ án do chưa đủ điều kiện theo luật định. TAND tỉnh Đồng Tháp bác đơn kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tuy nhiên, ngày 19/1/2013, Công an huyện Tháp Mười ban hành quyết định hủy quyết định đình chỉ vụ án ngày 3/3/2003, đồng thời ban hành quyết định đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án mới, với lý do “Hành vi không cấu thành tội phạm”. Do có tình tiết mới nên TAND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chánh án TANDTC kháng nghị vụ án theo thủ tục tái thẩm. Ngày 2/11/2015, Chánh án TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh kháng nghị Quyết định đình chỉ vụ án số 04/2007/QĐ-PT ngày 18/1/2007 của TAND tỉnh Đồng Tháp. Quyết định tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh hủy toàn bộ quyết định đình chỉ vụ án dân sự của TAND tỉnh Đồng Tháp và TAND huyện Tháp Mười. Quyết định tái thẩm nhận định: Quyết định cuối cùng của Thủ trưởng CQĐT huyện Tháp Mười đã xác định hành vi của bà Phụng, bà Loan không cấu thành tội phạm nên đình chỉ điều tra. Đây là tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án, bà Loan, bà Phụng được bồi thường theo theo quy định tại khoản 1, Điều 32 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.