Liên hợp quốc cảnh báo: Chất lượng dân số Việt Nam thấp
Chính trị - Ngày đăng : 10:47, 13/04/2012
Chỉ tiêu về chất lượng dân số Việt Nam xếp thứ 108/177 quốc gia
Tuy là nước đông dân thứ 13 trên thế giới, nhưng chỉ số phát triển con người và các chỉ tiêu về chất lượng dân số của Việt Nam chỉ xếp thứ 108 trong 177 nước - Quỹ Dân số Liên hợp quốc cảnh báo như vậy
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, dân số nước ta đã đứng hàng thứ 13 trên thế giới. Trong những năm tới, dân số Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng, trung bình mỗi năm sẽ tăng thêm hơn 1 triệu người, bằng dân số của một tỉnh trung bình. Quy mô dân số xấp xỉ 87 triệu người, mật độ dân số 257 người/km2. Dự báo vào giữa thế kỷ 21, nếu duy trì được mức sinh thay thế, quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 115-120 triệu người với tuổi thọ trung bình khá cao: 71,3 tuổi.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tuổi thọ người dân của dân số nước ta còn thấp, chỉ đạt 58,2 tuổi và xếp thứ 116/174 quốc gia. Một số chỉ tiêu phản ánh về sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn ở mức thấp: năm 2005 tỷ suất tử vong mẹ còn ở mức cao tới 80/100.000; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi của cả nước là 17,8 phần nghìn; tỷ lệ suy dinh dưỡng theo cân nặng của trẻ em dưới 5 tuổi còn 20,2%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp, còi là 35%; tỷ lệ người tàn tật chiếm gần 6,3% dân số và có tới 1,5% dân số bị thiểu năng thể lực và trí tuệ.
Có một thực trạng đáng buồn, tại nhiều vùng nông thôn, thậm chí ngay cả ở Tp. Hà Nội hiện nay vẫn còn khá phổ biến tình trạng tảo hôn, cưới sớm. Tại huyện Chương Mỹ - Tp. Hà Nội, rất nhiều bạn trẻ học chưa xong phổ thông đã kết hôn, phải bỏ học sớm và đa số các gia đình coi chuyện gả con gái trước 20 tuổi cho yên tâm còn khá phổ biến.
Bên cạnh đó, do thiếu hiểu biết, hiện tượng kết hôn cận huyết thống, có quan hệ họ hàng chưa đến 3 đời, hôn nhân cận vùng như cùng thôn, cùng xóm, cùng phố cưới nhau cho gần để thỏa mãn quan niệm chữ Phúc của gia đình, để "có bát canh cần, con cũng mang cho", từ đó dẫn đến thực trạng các bà mẹ và cả ông chồng "trẻ ranh" chưa phát triển đầy đủ về sức khỏe, tầm vóc thể lực và trí tuệ; trình độ học vấn thấp và không nghề nghiệp... mà đã có con, phải gánh vác trách nhiệm gia đình. Hậu quả, những thế hệ trẻ sinh ra không được chăm sóc và nuôi dưỡng từ khi mang thai đến khi ra đời, không được phát triển tốt nhất về thể lực và trí tuệ; vấn đề suy thoái giống nòi và những hậu quả khôn lường về hôn nhân cận huyết thống gây ra hết sức nặng nề...
Ngoài sự bất cập nói trên, các tố chất về tầm vóc, thể lực, đặc biệt là chiều cao, cân nặng và sức bền của dân số Việt Nam được đánh giá còn thấp xa so với nhiều nước trong khu vực. Một nghiên cứu mới đây về một số chỉ tiêu sinh học do nhóm tác giả Đại học Y Hà Nội thực hiện cho thấy, sau 15 năm cư dân Thủ đô chỉ cao thêm 2-3cm. Dù có sự tăng trưởng về chiều cao nhưng nếu so với một số nước trong khu vực thì chiều cao của người sống ở Thủ đô vẫn còn khiêm tốn. Nam giới ở Hà Nội theo đánh giá năm 2010 vẫn thấp hơn chiều cao của nam giới Trung Quốc những năm 1990 khoảng 2-3cm.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc cũng cảnh báo: Chất lượng dân số thấp đang là yếu tố cản trở sự phát triển và đặt Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu xa hơn. Chỉ số phát triển con người của nước ta tuy từng bước cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thấp xa so với các nước công nghiệp. Tuy là nước đông dân thứ 13 trên thế giới, nhưng chỉ số phát triển con người và các chỉ tiêu về chất lượng dân số của Việt Nam chỉ xếp thứ 108 trong 177 nước.
Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 cho thấy: số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta, từ 15-49 tuổi tiếp tục tăng trong vòng 15 năm tới. Do vậy, để “cải thiện” tình hình, thì ngay từ bây giờ, các chương trình dịch vụ sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cần tiếp tục đáp ứng cả về số lượng và chất lượng cho các đối tượng này, nhất là các đối tượng thanh niên và vị thành niên. Đồng thời phải có sự vào cuộc hết sức quyết liệt của các cấp, các ngành, trên mọi lĩnh vực; từng bước thay đổi nhận thức và quan niệm trong xã hội, trong mỗi gia đình - có như vậy mới có thể nâng cao được chất lượng dân số.
Nhật Minh