Thi hành án hành chính: Nhiều bất cập cần tháo gỡ
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 07:00, 10/05/2015
Do hệ thống quy định pháp luật về thi hành án hành chính còn tản mạn, thiếu cụ thể, không bảo đảm tính hệ thống, thống nhất đã làm cho hoạt động thi hành án hành chính gặp nhiều vướng mắc, hiệu quả chưa cao…
Thi hành án hành chính đã có những chuyển biến tích cực
Bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính là sản phẩm của quá trình tố tụng hành chính tại Tòa án phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành. Cơ sở pháp lý để thi hành án hành chính được quy định tại Chương XIV Luật TTHC năm 2010 gồm 8 Điều (từ Điều 241 đến Điều 248) và Luật Thi hành án dân sự năm 2009. Luật TTHC đã khắc phục hạn chế của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính; cơ chế thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có những thay đổi căn bản so với quy định trước đây, tạo sự chủ động cho các đương sự trong việc thi hành bản án hành chính. Luật TTHC cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đôn đốc thi hành bản án, quyết định của Tòa Hành chính. Cơ quan thi hành án dân sự khi nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án thì có trách nhiệm đôn đốc người phải thi hành án thi hành án và thông báo bằng văn bản với cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án để chỉ đạo việc thi hành án và Viện Kiểm sát cùng cấp để thực hiện việc kiểm sát thi hành án…
Theo số liệu của Tổng cục Thi hành án Dân sự Bộ Tư pháp thì Tòa án chỉ phán quyết về tính hợp pháp đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính nên việc giải quyết những vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước và được coi là phần thi hành án. Trong thời gian qua, công tác thi hành án hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực; năm 2013, cơ quan thi hành án đã thi hành xong 313 việc, năm 2014 đã thi hành xong 388 việc. Các vụ án hành chính được thi hành đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân bị xâm phạm.
Nhiều bất cập
Mặc dù thi hành án hành chính đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc; chẳng hạn trong trường hợp cơ quan hành chính nhà nước không đồng tình với phán quyết của Tòa án thì việc thi hành án trở nên hết sức khó khăn, nhiều khi đi vào chỗ bế tắc, người dân bức xúc tiếp tục khiếu kiện kéo dài. Trong khi đó, không có chế tài gì áp dụng để xử lý đối với người có trách nhiệm mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, nghiêm chỉnh phán quyết của Tòa án. Bên cạnh đó, Nhà nước lại trao trách nhiệm thi hành án hành chính cho Cơ quan thi hành án dân sự thuộc cơ quan hành chính tổ chức thực hiện, điều đó làm cho vấn đề thi hành bản án hành chính nhiều khi trở nên “nhạy cảm” vì phải đụng chạm đến người có chức vụ, quyền hạn. Ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân còn kém. Không ít người, thậm chí không ít các cơ quan chức năng của Nhà nước chưa nhìn nhận đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi hành án hành chính nên vẫn còn tình trạng các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền kể cả cơ quan Đảng, chính quyền các cấp thiếu tôn trọng bản án, quyết định của Toà án; có người nhân danh công quyền hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan nhà nước để chây ỳ, không chấp hành bản án hành chính.
Một phiên tòa hành chính
Mặt khác, quy định tại Điều 243 và 245 Luật TTHC về thụ tục và thời hạn thi hành án hành chính có đề cập đến trách nhiệm đôn đốc của cơ quan thi hành án dân sự đối với bản án hành chính. Cơ quan thi hành án địa phương cùng cấp với cấp Tòa án xét xử thì làm thế nào để đôn đốc thi hành khi mà cơ quan phải thi hành là UBND hoặc Chủ tịch UBND cùng cấp. Khi đôn đốc thi hành án, nếu cơ quan phải thi hành án hành chính không tự nguyện thi hành việc đôn đốc thì việc cưỡng chế thi hành án sẽ tiến hành như thế nào? Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án hành chính không loại trừ đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức bị kiện, vậy khi nào cơ quan thi hành án hành chính được quyền ra quyết định xử phạt?
Cần đổi mới cơ chế thi hành án hành chính
Ngoài những khó khăn trên thì quy định pháp luật về thi hành án hành chính còn rải rác, tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau (Luật TTHC, Luật Thi hành án dân sự), thế nhưng lại chưa quy định đầy đủ cách thức thực hiện, nhất là việc đôn đốc thi hành án hành chính; một số cách thức thi hành mang tính hình thức, định tính. Bên cạnh đó, đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Trong khi đó, hiện nay, cơ quan Thi hành án dân sự vẫn đang trong tình trạng quá tải công việc, nay được bổ sung thêm nhiệm vụ Thi hành án hành chính nhưng cơ chế lại thiếu rõ ràng. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng có liên quan chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này, chưa thấy được nhiệm vụ, quyền hạn cũng như trách nhiệm của mình trong việc phối hợp, hỗ trợ hoạt động của các cơ quan thi hành án, vì vậy có nơi thì can thiệp quá sâu, nơi thì buông lỏng đối với công tác thi hành án…
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Tổng cục Thi hành án Dân sự Bộ Tư pháp cho rằng, để làm tốt công tác thi hành án hành chính thì cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính. Do hệ thống quy định pháp luật về thi hành án hành chính còn tản mạn, thiếu cụ thể, không bảo đảm tính hệ thống, thống nhất đã làm cho hoạt động thi hành án hành chính gặp nhiều vướng mắc, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, về lâu dài cần ban hành Bộ luật Thi hành án để điều chỉnh các lĩnh vực thi hành án, trong đó có thi hành án hành chính. Trong khi chưa xây dựng Bộ luật Thi hành án thì xây dựng Luật Thi hành án hành chính theo kinh nghiệm của một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan…
Cũng theo ông Lê Anh Tuấn, cần đổi mới cơ chế thi hành án hành chính, bỏ cơ chế “đôn đốc thi hành án hành chính”, thay thế vào đó là cơ chế chủ động thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; cần tăng cường quyền hạn, nhiệm vụ của Tòa án trong thi hành án hành chính. Nên chăng trao quyền cho Tòa án ra quyết định thi hành án hành chính, tính đến thiết lập Tòa Thi hành án, Thẩm phán thi hành án để đảm bảo việc thi hành án hành chính khách quan, hiệu quả hơn, thực hiện tốt hơn quyền tư pháp trong thi hành án hành chính.