Hạn chế hình phạt tử hình theo định hướng cải cách tư pháp trong sửa đổi BLHS
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 07:00, 08/05/2015
Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật”. Trong điều kiện hiện nay, duy trì biện pháp tử hình trong BLHS là cần thiết để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, cải cách tư pháp và vấn đề bảo đảm quyền con người cũng đang đặt ra việc cần thiết phải thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình hiện nay.
Yêu cầu mới về bảo vệ quyền con người
Trong hệ thống hình phạt ở nước ta, tử hình là hình phạt có tính răn đe, trừng trị nghiêm khắc nhất được áp dụng đối với những người phạm tội xét thấy không còn khả năng cải tạo và cần phải loại ra khỏi đời sống xã hội, do tính chất và mức độ đặc biệt nguy hiểm của tội phạm và nhân thân người phạm tội.
Việc quy định hình phạt tử hình trong BLHS hiện hành và các thời kỳ trước cũng như áp dụng chính sách đúng đắn này trong thực tiễn, khẳng định chính sách hình sự nghiêm minh, công bằng, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử của đất nước, góp phần khẳng định chính sách hình sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, xuất phát từ tư tưởng duy tình, ít duy lý của người Việt, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng quản lý xã hội theo kiểu đức trị kết hợp với pháp trị là phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đức trị có thể duy trì sự lâu dài sự ổn định của xã hội hơn pháp trị hà khắc nhưng xã hội chậm phát triển. Pháp trị nghiêm khắc, mau lẹ nhưng khó bền vững. Từ đó, có thể thấy tư tưởng nhân văn, truyền thống tâm lý, nhân ái của dân tộc là căn cứ rất quan trọng để chúng ta nhận thức lại và nhận thức mới trong quá trình nghiên cứu hạn chế áp dụng hình phạt tử hình.
Bên cạnh đó, yêu cầu mới về bảo vệ quyền con người theo quy định của Hiến pháp cũng là cơ sở để thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình trong BLHS.
Thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình cho thấy, Tòa án chủ yếu áp dụng hình phạt tử hình đối với tội giết người nhằm chiếm đoạt tài sản, có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác... và các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chiếm đoạt chất ma túy (thường áp dụng đối với các đối tượng mua, bán, tàng trữ ma túy với số lượng lớn, hoạt động có tổ chức). Bên cạnh đó, có nhiều tội danh quy định hình phạt cao nhất là tử hình nhưng ít xảy ra hoặc có nhưng không áp dụng. Đồng thời có nhiều tội danh có hình phạt cao nhất là tử hình lại không xảy ra trong thực tiễn.
Một phiên tòa hình sự
Nhiều chuyên gia cho rằng, BLHS hiện hành vẫn còn tới 22 tội danh có hình phạt tử hình. Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình và phân tích tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta cần tiếp tục thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với một số ít trường hợp phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng.
Hạn chế hình phạt tử hình theo định hướng cải cách tư pháp
BLHS hiện hành có 22 tội danh quy định hình phạt tử hình. Theo PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, quy định tội danh này chiếm tỷ lệ quá cao trong tổng số các tội danh khác được quy định trong BLHS. Do đó cần giảm số lượng các tội danh có hình phạt tử hình, thu hẹp các trường hợp được phép áp dụng hình phạt tử hình. Đồng thời quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình đảm bảo mang tính răn đe, trừng trị và đấu tranh, phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm và các loại tội danh có hình phạt cao nhất là tử hình hơn là biện pháp tù chung thân và đảm bảo khả năng khôi phục, bồi thường trong trường hợp oan sai do Tòa án tuyên tử hình. Do đó, cần giảm hình phạt tử hình trên cả ba phương diện: Về loại tội, về vụ việc và đối tượng áp dụng hình phạt tử hình.
Cụ thể, về loại tội, chỉ nên quy định hình phạt tử hình đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc các nhóm xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự an toàn công cộng, xâm phạm tính mạng con người, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Về loại vụ việc, chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với một số trường hợp phạm tội có tổ chức với quy mô lớn, có sự câu kết chặt chẽ giữa các băng nhóm tội phạm, hoặc một số trường hợp phạm tội đơn lẻ nhưng hành vi phạm tội bạo lực, dã man, tàn bạo, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhiều người, gây bất bình trong nhân dân.
Còn về đối tượng, chỉ nên áp dụng hình phạt tử hình đối với người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, cố ý thực hiện tội phạm đến cùng, người thuộc đối tượng lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, xét thấy không còn khả năng cải tạo, cần loại trừ ra khỏi đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu để tiếp tục mở rộng đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ đủ 70 tuổi trở lên khi xét xử nhằm thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi. Đồng thời, có thể mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế không thi hành án tử hình, chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người từ đủ 70 tuổi trở lên và những người khác bị kết án tử hình song họ đáp ứng được các điều kiện nhất định như: Trong quá trình giam giữ đã chứng tỏ sự hối cải, tiến bộ, tích cực khắc phục hậu quả do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Trong 22 tội danh của BLHS hiện hành có quy định hình phạt tử hình, dự thảo sửa đổi BLHS đang xây dựng theo hướng bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh như: Tội cướp tài sản; Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch; Tội phá hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người và Tội phạm chiến tranh.
Mặc dù đưa ra thảo luận tại phiên họp của UBTVQH mới đây vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này, song nhiều chuyên gia cho rằng, việc bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh trên phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, đồng thời thể hiện sự thận trọng cần thiết khi xác định bỏ hình phạt tử hình đối với Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Tội này ít xảy ra trên thực tế song do tính chất, mức độ nguy hiểm cao nên vẫn cần quy định hình phạt tử hình để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa.
Để giảm áp dụng hình phạt tử hình, cần có sự phân hóa trách nhiệm trong điều luật có quy định nhiều hành vi phạm tội. Cụ thể, Điều 194 BLHS về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, cần tách thành hai tội: Tội mua bán trái phép chất ma túy với hình phạt cao nhất là tử hình và Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy với hình phạt cao nhất là chung thân. Quy định như vậy là cần thiết và phù hợp với thực tế hiện nay, tội phạm ma túy chủ yếu thực hiện dưới dạng tàng trữ, vận chuyển (nhất là những người vận chuyển thuê không nằm trong đường dây mua bán, họ là những người nghèo, thất nghiệp vì nhiều lý do mưu sinh phải tham gia vào các hoạt động tàng trữ, vận chuyển ma túy). Việc tách này nhằm cá thể hóa trách nhiệm hình sự của các đối tượng phạm tội để áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ của tội phạm.
Có thể thấy rằng, việc giảm quy định hình phạt tử hình trong BLHS và hạn chế áp dụng hình phạt tử hình trong thực tiễn là thực hiện chủ trương tăng tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội trong cải cách tư pháp. Tuy nhiên, đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, người có chức vụ cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội thì cần quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn để làm gương cho người khác. Đồng thời phải xử lý nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối... để bảo đảm sự hài hòa giữa tính nhân đạo và tính nghiêm minh, giữa cải tạo và trừng trị của Luật Hình sự Việt Nam.